Cộng đồng hành động vì trẻ em
Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em (VTE) và Chương trình Bảo vệ trẻ em (BVTE) giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Tiền Giang, cơ bản các mục tiêu đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện đạt và vượt, lồng ghép trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và trong từng cơ quan, đơn vị.
Phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình hành động VTE và Chương trình BVTE của UBND tỉnh Tiền Giang năm 2018, công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em năm 2019 luôn được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, đặc biệt là công tác truyền thông giáo dục từ cộng đồng đã từng bước làm thay đổi về hành vi, tập quán nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe đối với trẻ em. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em ngày càng đi vào nền nếp và ổn định. Đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi từ 11,29% (năm 2018) giảm xuống còn 10,8%; thể nhẹ cân giảm xuống còn 8,42%; hạn chế đến mức thấp nhất trẻ em suy dinh dưỡng nặng. Trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo đến lớp ngày càng tăng, có 100% trẻ em 6 tuổi vào lớp 1.
Đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và đang thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được cộng đồng xã hội quan tâm nhiều hơn, với nhiều hoạt động thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang gặp khó khăn, tặng học bổng cho trẻ em nghèo nhân dịp tổng kết năm học 2018 - 2019; tổ chức cho 120 trẻ em vượt khó học tốt tham dự trại hè “Ước mơ hồng” nhằm biểu dương thành tích học tập của các em, tạo điều kiện cho các em giao lưu học hỏi và tiếp cận sân chơi bổ ích.
Tiếp tục duy trì thực hiện mô hình “Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng” ở 36 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm giai đoạn 2011 - 2015 và 22 xã triển khai nhân rộng thực hiện mô hình này trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong năm 2019, đã tổ chức 80 cuộc nói chuyện chuyên đề về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thu hút hơn 4 ngàn lượt người tham dự. Tăng cường hỗ trợ các hoạt động của Phòng Công tác xã hội trẻ em trực thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, trợ giúp các đối tượng trẻ em bị rối nhiễu tâm trí, cảm giác bị bỏ rơi, có vấn đề khó khăn trong việc ứng xử với cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè, trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật; đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực, tăng cường khả năng bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng, góp phần từng bước đáp ứng các yêu cầu cơ bản của công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Hiện có 100 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập; trên 80% trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện, can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong tỉnh giảm xuống còn 6,9%.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em ngày càng thuận lợi hơn, được hướng dẫn cụ thể từ nội dung thực hiện đến thang điểm sát với điều kiện thực tế, qua đó từng địa phương dễ dàng hơn nhiều trong việc đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em so với trước đây. Đến nay, toàn tỉnh có 150/173 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.
Công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cũng luôn được quan tâm. Trong năm đã tổ chức tập huấn và tuyên truyền nội dung phòng, tránh tai nạn thương tích trẻ em (trong đó có đuối nước), các tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” và xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho cán bộ làm công tác trẻ em ở tất cả các huyện, thành, thị và 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, các địa phương, cơ sở tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng tránh và thông tin nhiều nội dung liên quan dẫn đến những hậu quả, cũng như sự thiếu trách nhiệm của gia đình và cộng đồng xã hội dẫn đến trẻ em bị tai nạn thương tích (trong đó có đuối nước), mà phần lớn các tai nạn này đều có thể phòng tránh được.
Có 100% huyện, thành, thị triển khai Chương trình bơi an toàn cho trẻ em, hiện có 5.000 trẻ em bậc tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước và 100% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy. Mặc dù đã tập trung rất nhiều về nội dung phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em trong cộng đồng, nhưng năm 2019 trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra 8 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước, giảm 4 ca so với cùng kỳ.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động, Ban Chỉ đạo cũng đã tham gia can thiệp và xử lý kịp thời trẻ em trong các gia đình, cộng đồng có nguy cơ hoặc bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục hoặc nguy cơ phải đi lang thang kiếm sống, phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm và lao động xa gia đình. Trong năm đã xảy ra hơn chục trường hợp xâm hại trẻ em, đây cũng là nỗi trăn trở của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Mặt khác, do nhận thức và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa sâu, chưa đồng bộ, trong đó việc tổ chức thực hiện thiếu cụ thể, chưa phát huy sức mạnh ở mỗi địa phương, gia đình, cộng đồng, nhất là đối với gia đình. Bên cạnh đó, còn một số gia đình chưa thấy hết trách nhiệm đối với con em mình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202003/cong-dong-hanh-dong-vi-tre-em-895676/