Cộng đồng người Jrai, Tày bảo tồn kiến trúc nhà sàn

Những năm qua, cùng với tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, cộng đồng người Jrai, Tày ở Gia Lai đã bảo tồn, gìn giữ nhà sàn truyền thống của dân tộc mình để không bị mai một.

Căn nhà sàn của ông Rơ Châm Hên (bìa trái) được xây dựng cách đây 4 năm.Ảnh: R.H

Căn nhà sàn của ông Rơ Châm Hên (bìa trái) được xây dựng cách đây 4 năm.Ảnh: R.H

Chạy xe bon bon trên những con đường bê tông phẳng lì của làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chúng tôi ấn tượng với những căn nhà sàn truyền thống của người Jrai được xây dựng khang trang. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn rộng rãi, thoáng mát, ông Rơ Châm Hên (SN 1963) cho biết: Năm 1985, sau khi lập gia đình, 2 vợ chồng ông chăm chỉ làm việc, tích góp tiền bạc mới đủ xây dựng căn nhà sàn. Trải qua thời gian, mưa gió căn nhà sàn của gia đình ông giờ đã xuống cấp. Để đảm bảo an toàn, cách đây 4 năm ông đã dựng lại căn nhà sàn của mình theo lối kiến trúc mới nhưng vẫn lưu giữ được nét đặc trưng của dân tộc với tổng giá trị hơn 150 triệu đồng.

“Tháng 1-2021, từ các trụ gỗ sẵn có của căn nhà cũ, tôi đã mua thêm các vật liệu khác để dựng lại căn nhà sàn của mình theo lối hiện đại, to đẹp, kiên cố hơn. Được anh em, làng xóm giúp đỡ, căn nhà của tôi được hoàn thành trong thời gian 1 tháng với tổng diện tích hơn 60 m2, gồm 3 phần: nhà chồ (phần hiên phía trước), phòng khách và phòng ngủ. Trong đó, phần vách được đóng bằng tôn; phần sàn được lắp đặt bằng các tấm ván; mái nhà lợp bằng gạch ngói; còn cầu thang được thiết kế nhiều bậc có tay vịn, thuận tiện cho việc đi lại. Căn nhà của tôi có phần sàn cao hơn mặt đất 2 m nên thoáng mát, sạch sẽ”-ông Hên bộc bạch.

Căn nhà sàn của gia đình chị Rơ Châm Phunh nổi bật nhất làng Hreng bởi diện tích lớn, không gian thoáng mát, còn kết cấu cách tân kiến trúc hiện đại. Ảnh: R.H

Căn nhà sàn của gia đình chị Rơ Châm Phunh nổi bật nhất làng Hreng bởi diện tích lớn, không gian thoáng mát, còn kết cấu cách tân kiến trúc hiện đại. Ảnh: R.H

Rời nhà ông Hên, chúng tôi men theo con đường bê tông trong làng, nhìn từ xa căn nhà sàn của gia đình chị Rơ Châm Phunh (cùng làng Hreng) nổi bật bởi diện tích lớn, không gian thoáng mát và kết cấu cách tân kiến trúc hiện đại. Theo quan sát, căn nhà này có phần sàn cao hơn mặt đất hơn 2,5 m; phần vách, cột trụ nhà được xây bằng bê tông cốt thép rất kiên cố, còn phần sàn đóng bằng gỗ, mái tôn giả ngói. Bên trong nhà sàn được chia làm 4 gian: gian khách, gian phòng ngủ, gian bếp được ngăn cách bằng vách tường bê tông, cầu thang được bố trí tại phần hiên nhà. Tổng diện tích căn nhà này là hơn 120 m2.

Bên trong phòng khách của căn nhà sàn của chị Rơ Châm Phunh được thiết kế đẹp, lịch sự. Ảnh: R.H

Bên trong phòng khách của căn nhà sàn của chị Rơ Châm Phunh được thiết kế đẹp, lịch sự. Ảnh: R.H

Chị Phunh chia sẻ: “Năm 2004, sau khi lập gia đình vợ chồng chị đã nghĩ tới việc xây dựng nhà sàn truyền thống. Tuy nhiên, do cây gỗ khan hiếm nên vợ chồng chị đã xây dựng nhà sàn kiểu mới với nguyên liệu chính là bê tông, cốt thép. “Căn nhà sàn của gia đình mình được xây dựng vào năm 2008, tổng trị giá hơn 400 triệu đồng và thuê những người thợ ở huyện Ia Grai thực hiện. Để có chi phí xây nhà, vợ chồng mình đã đầu tư, chăm sóc hơn 3 ha cà phê, 5 sào lúa. Bây giờ, cây gỗ đã cạn kiệt nên gia đình mình xây dựng nhà sàn bằng vật liệu bê tông, cốt thép vừa kiên cố lại lưu giữ kiến trúc truyền thống của dân tộc mình”-chị Phunh tâm sự.

Căn nhà sàn kiểu mới của già làng Rơ Châm Nhing (bìa trái) mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng không kém sang trọng. Ảnh: R.H

Căn nhà sàn kiểu mới của già làng Rơ Châm Nhing (bìa trái) mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng không kém sang trọng. Ảnh: R.H

Được xây dựng cách đây hơn 10 năm, căn nhà sàn kiểu mới của già làng Rơ Châm Nhing (cùng làng Hreng) mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng không kém sang trọng. Già Nhing cho hay: Căn nhà sàn của gia đình ông có diện tích 112 m2, cột trụ được làm bằng bê tông, cốt thép, còn sàn nhà được đóng bằng các tấm ván. “Người Jrai có truyền thống ở trong nhà sàn. Vì vậy, đối với các cặp vợ chồng trẻ người Jrai sau khi lập gia đình họ phải cố gắng làm việc, tích góp của cải để làm nhà sàn để có chỗ che mưa, che nắng và thể hiện khả năng của mình đối với gia đình, cộng đồng. Tôi cũng tuyên truyền bà con phải lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình, không chỉ riêng kiến trúc nhà sàn mà còn các nét đẹp văn hóa khác nữa”-già làng Nhing bày tỏ.

Ông Rơ Châm Khoan-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú, kiêm Bí thư Chi bộ làng Hreng thông tin: Làng Hreng có 270 hộ với 99% là người Jrai, trong đó, 70% hộ gia đình đều ở nhà sàn truyền thống. Nhiều năm qua, bà con người Jrai trong làng Hreng đã thiết kế nhà sàn truyền thống theo lối kiến trúc mới để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ nét đặc trưng của dân tộc mình.

Căn nhà sàn của gia đình anh Hoàng Văn Minh. Ảnh: R.H

Căn nhà sàn của gia đình anh Hoàng Văn Minh. Ảnh: R.H

Tương tự, dù đã sinh sống ở làng Pơ Nang (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) từ hàng chục năm nay, nhưng cộng đồng người Tày vẫn bảo tồn kiến trúc nhà sàn đặc trưng của dân tộc mình. Anh Hoàng Văn Minh (làng Pơ Nang) cho biết: Năm 1996, gia đình anh di cư từ tỉnh Cao Bằng vào Gia Lai sinh sống. Năm 2014, khi cuộc sống dần ổn định, gia đình anh tiến hành xây dựng nhà sàn truyền thống của người Tày trên mảnh đất này để lưu giữ nét văn hóa của dân tộc mình.

Cầu thang nhà sàn của gia đình anh Minh được vắt ngang đi lên với 9 bậc chứa đựng nhiều ý nghĩa. Ảnh: R.H

Cầu thang nhà sàn của gia đình anh Minh được vắt ngang đi lên với 9 bậc chứa đựng nhiều ý nghĩa. Ảnh: R.H

Cũng theo anh Minh, để xây dựng một ngôi nhà sàn phải mất nhiều thời gian, công sức. Ngoài ra, việc làm nhà của người Tày có nhiều quy định, kiêng cử liên quan đến tâm linh. Trong đó, trước khi dựng nhà phải tiến hành làm lễ tướn tỉ để báo cáo cho các vị thần cai quản đất, nước, mưa, gió được biết và bảo vệ. “Căn nhà sàn của gia đình mình chia làm 3 gian, 2 mái, 2 chái, trụ nhà được làm bằng gỗ cà chít, mái lợp ngói. Trong đó, bàn thờ được dựng ở gian giữa, các khu vực gian còn lại là bếp lửa và phòng của các thành viên trong gia đình. Riêng cầu thang được vắt ngang đi lên với 9 bậc mang nhiều ý nghĩa về người phụ nữ, người mẹ trong gia đình dìu dắt từng bậc, từng bước đi của các con đến khi trưởng thành”-anh Minh nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Soạn-Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Kon Thụp-cho biết: Làng Pơ Nang có 326 hộ dân, trong đó, có 89 hộ là người Tày, Nùng di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của bà con nên đời sống dân làng có nhiều thay đổi, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. "Từ thời xa xưa, người Tày, Nùng đã có truyền thống sống ở trong nhà sàn để tránh thú dữ. Do vậy, khi vào Tây Nguyên, một số hộ gia đình vẫn ở trong căn nhà sàn. Đối với họ, nhà sàn truyền thống không chỉ là nơi sinh sống, đoàn tụ của các thành viên trong gia đình mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc mình"-ông Soạn cho biết thêm.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cong-dong-nguoi-jrai-tay-bao-ton-kien-truc-nha-san-post284127.html