Cộng đồng người Việt Nam tại Hungary: Phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Cộng đồng người Việt tại Hungary góp phần tiêu thụ hàng hóa Việt Nam, đồng thời cũng là kênh kết nối giữa các doanh nghiệp sở tại với doanh nghiệp trong nước.

Rào cản trong thương mại song phương

Nằm ở khu vực Trung - Đông Âu, với dân số 9,6 triệu người, mặc dù không phải là thị trường lớn trong khối Liên minh châu Âu (EU) nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hungary đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Dẫn số liệu cụ thể, ông Trần Ngọc Hà - Trưởng đại diện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hungary cho biết, trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước từ 354 triệu USD năm 2017 đã tăng lên trên 848 USD vào năm 2023, đạt tốc tộ tăng bình quân 24%/năm trong giai đoạn này. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary đạt 207 triệu USD trong năm 2017 và tăng lên 418,5 triệu USD năm 2023, đạt tốc độ tăng trung bình 40%/năm.

“Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary đã lấy lại đà tăng trưởng sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, đạt 314,6 triệu USD, tăng 57,9% so cùng kỳ năm trước” - ông Trần Ngọc Hà thông tin và cho rằng đây là dấu hiệu phục hồi tích cực cho quan hệ thương mại song phương hai nước và mở ra những cơ hội hợp tác mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và Hungary bổ sung cho nhau. Ảnh minh họa

Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và Hungary bổ sung cho nhau. Ảnh minh họa

Cũng theo Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hungary, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary chủ yếu là các nhóm hàng linh kiện điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; vải; kim loại và sản phẩm, cà phê (trong đó nhóm hàng linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, hiện khoảng 56% trong tổng kim ngạch xuất khẩu). Nhập khẩu từ Hungary chủ yếu là các nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; dược phẩm.

Dù đã có những tín hiệu khả quan trong thương mại song phương, song theo phân tích của Trưởng Thương vụ, điểm bất lợi nhất đối với hàng xuất khẩu vào Hungary là địa lý cách trở, không có đường bay trực tiếp, trong khi đó Hungary không có cảng biển, thông thường hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang Hungary đều cập cảng tại một số nước châu Âu có cảng biển như Đức, Hà Lan, Italia... sau đó đưa về Hungary bằng đường bộ, dẫn đến chi phí hàng nhập khẩu vào Hungary cao hơn.

Mặt khác, do thuế VAT ở Hungary rất cao (27%), nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Việt Nam nhưng làm thủ tục thông quan tại một số nước EU có cảng biển hoặc nơi có thuế VAT thấp, sau đó phân phối tại Hungary.

Không chỉ vậy, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary chủ yếu phụ thuộc vào nhóm hàng sản phẩm, linh kiện điện tử. “Việc thị trường xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào một nhóm hàng là khá mạo hiểm, không mang tính bền vững, lâu dài” - ông Trần Ngọc Hà phân tích.

Phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài

Để công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu đem lại hiệu quả tốt, trong thời gian qua Thương vụ đã hướng tới việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiềm năng mà Hungary không sản xuất được như: Cà phê, hạt điều, hạt tiêu, gạo... cho dù dung lượng thị trường còn hạn chế.

Theo đó, bên cạch việc tổ chức và tham gia các buổi hội thảo liên quan đến xuất khẩu, các buổi kết nối giao thương, Thương vụ đã tổ chức các buổi trưng bày, quảng bá, giới thiệu hàng xuất khẩu Việt Nam, trong đó tập trung vào các mặt hàng tiềm năng, có lợi thế; vận động và phối hợp tổ chức đoàn doanh nghiệp Hungary vào Việt Nam tham dự sự kiện Vis2023 và 2024. Cùng với đó, Thương vụ cũng chủ động tìm kiếm, tiếp cận các nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ sở tại, kết nối trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để có thể xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Hungary, giảm nhập khẩu gián tiếp qua các đầu mối lớn ở một số nước EU.

 Trong khuôn khổ hoạt động của Ngày hội Văn hóa Việt Nam 2023, Thương vụ Việt Nam tại Hungary đã tổ chức gian hàng nhằm quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khuôn khổ hoạt động của Ngày hội Văn hóa Việt Nam 2023, Thương vụ Việt Nam tại Hungary đã tổ chức gian hàng nhằm quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Kết quả, trong năm 2023, Thương vụ đã kết nối trực tiếp thành công cho Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) xuất khẩu gạo ST25 vào thị trường Hungary. Đây là lần đầu tiên Hapro xuất khẩu được gạo vào thị trường EU nói chung và Hungary nói riêng. Góp phần vào mức tăng trưởng trên 170% xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Hungary năm 2023, thị phần tăng từ 2% năm 2022 lên 6% trong năm 2023. Hiện tại, Thương vụ cũng đang kết nối trực tiếp cho một nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam khác cũng là lần đầu tiên xuất khẩu vào thị trường Hungary.

Cùng với biện pháp chủ động tìm kiếm, tiếp cận và kết nối trực tiếp, trong thời gian qua, Thương vụ đã kết nối thành công cho các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam ký được thỏa thuận hợp tác với các đối tác Hungary.

Đáng chú ý, theo Trưởng Thương vụ, với khoảng hơn 6 nghìn người Việt đang làm ăn sinh sống cố định tại Hungary, họ đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian qua. "Cộng đồng người Việt tại Hungary là kênh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam, đồng thời cũng là kênh kết nối giữa các doanh nghiệp sở tại với doanh nghiệp Việt Nam. Cho dù nhập khẩu trực tiếp hay gián tiếp, cộng đồng người Việt tại Hungary đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang châu Âu nói chung và Hungary nói riêng"- ông Trần Ngọc Hà nhận định và phân tích, hiện nay hầu hết người Việt tại Hungary đều mở công ty, cửa hàng buôn bán, kinh doanh đa ngành nghề như thực phẩm, đồ uống, tạp hóa, may mặc, mỹ phẩm, nhà hàng... nhưng chủ yếu nhỏ lẻ, một số ít gây dựng được tên tuổi. Trong đó, có một số doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp hàng từ Việt Nam, số đông nhập khẩu hàng Việt Nam gián tiếp qua các đầu mối lớn tại các nước EU như Hà Lan, Đức, Séc, Ba Lan... sau đó tiêu thụ tại Hungary.

Không chỉ vậy, tại Hungary, cộng đồng doanh nghiệp người Việt cũng đã thành lập Hội Doanh nghiệp người Việt, thuộc Liên hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu. Trong thời gian qua, hầu hết các hoạt động xúc tiến thương mại của Thương vụ cũng như Cơ quan Đại diện đều có sự đồng hành và phối hợp của Hội và các doanh nghiệp thành viên.

Sự kiện nổi bật gần đây nhất là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu lần thứ 12, được tổ chức tại Budapest năm 2023, đã quy tụ được khoảng 400 doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu và Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã tham dự và phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại sự kiện này. Các doanh nghiệp Việt kiều châu Âu nói chung, Hungary nói riêng đã có cơ hội gặp gỡ trực tiếp, hợp tác với các nhà xuất khẩu của Việt Nam trong kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu.

Thời gian tới, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Hungary, Thương vụ Việt Nam tại thị trường này cho biết, giải pháp hiệu quả vẫn là tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Hungary nghiên cứu thị trường, tiếp xúc trực tiếp với các đối tác sở tại, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư.

Đồng thời, tổ chức và tham gia các buổi hội thảo doanh nghiệp để quảng bá hàng xuất khẩu của Việt Nam, kết nối kinh doanh, đầu tư; tổ chức các chương trình trưng bày, quảng bá hàng xuất khẩu Việt Nam; chủ động tìm kiếm các nhà nhập khẩu, phân phối sở tại giới thiệu cho các nhà xuất khẩu Việt Nam và ngược lại.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-dong-nguoi-viet-nam-tai-hungary-phat-huy-vai-tro-cau-noi-thuc-day-tang-truong-kinh-te-333007.html