Cộng đồng người Việt tại Lào hưởng ứng 'sắp xếp lại giang sơn'
Nhằm hưởng ứng sự kiện chính trị lịch sử trọng đại có ý nghĩa chiến lược 'sắp xếp lại giang sơn' giúp nâng cao tầm vóc Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của đất nước Việt Nam - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đúng 6h ngày 1/7, tại thủ đô Viêng Chăn, chùa Phật Tích đã long trọng tổ chức Lễ cầu nguyện quốc thái dân an và cử 3 hồi chuông, trống Bát Nhã.

Thượng tọa Thích Minh Quang và Thượng tọa Thích Minh Nguyệt cùng các Phật tử tụng kinh và cầu nguyện quốc thái dân an. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào
Đây là nghi lễ mang ý nghĩa thiêng liêng, mở đầu cho sự kiện lịch sử đặc biệt khi dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, phồn vinh, thịnh vượng và bền vững.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, nghi lễ gồm 3 hồi chuông, trống Bát Nhã, tụng kinh và các hoạt động tâm linh nhằm cầu nguyện cho quốc thái dân an, khơi dậy hồn thiêng sông núi và sức mạnh đoàn kết dân tộc.
Chia sẻ về ý nghĩa của buổi lễ, Thượng tọa Thích Minh Quang, Trụ trì chùa Phật Tích thủ đô Viêng Chăn, cho biết Lễ cầu nguyện quốc thái dân an không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn là dịp để kết nối đồng bào Việt Nam ở khắp nơi cùng hướng tâm về Tổ quốc. Ba hồi chuông, trống Bát Nhã đánh thức tinh thần dân tộc, nhắc nhở mỗi người con Việt phải sống có trách nhiệm, yêu thương và cùng góp sức vì một đất nước hòa bình, thịnh vượng.
Dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Thích Minh Quang và Thượng tọa Thích Minh Nguyệt, các Phật tử cùng nhau tụng kinh, cầu nguyện và gửi gắm niềm tin và hy vọng vào sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, bà Trần Thị Tuyết Anh, Phật tử chùa Phật Tích thủ đô Viêng Chăn, chia sẻ đã lâu rồi bà mới cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ đến vậy giữa cộng đồng người Việt ở xa quê hương đất mẹ. Ba hồi chuông, trống vang lên như đánh thức cả tâm hồn, khiến bà vừa nghẹn ngào, vừa tràn đầy hy vọng cho tương lai đất nước.

Quang cảnh Lễ cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Phật Tích ở thủ đô Viêng Chăn (Lào). Ảnh: Xuân Tú/ PV TTXVN tại Lào
Còn đối với bà Nguyễn Thị Hòa, 70 tuổi, sinh sống ở Lào đến nay đã được 35 năm, cho biết dù ở bất cứ đâu, mỗi lần tụng kinh cầu quốc thái dân an, bà lại cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh.
Trong thế giới đầy biến động, lễ cầu nguyện này là lời nhắc nhở người Việt giữ gìn đạo lý, yêu thương nhau và cùng nhau hướng về quê hương, cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Sự kiện không chỉ là một nghi lễ tôn giáo mang tính biểu tượng, mà còn là biểu hiện cụ thể cho tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc.

Nghi lễ cử ba hồi trống Bát Nhã tại chùa Phật Tích ở thủ đô Viêng Chăn (Lào). Ảnh: Xuân Tú/ PV TTXVN tại Lào
Cùng thời điểm, ngoài chùa Phật Tích thủ đô Viêng Chăn, 13 ngôi chùa Việt Nam khác trên toàn đất nước Lào cũng đã đồng loạt tổ chức nghi lễ trang nghiêm này, thể hiện mối liên kết tâm linh, văn hóa sâu sắc giữa cộng đồng người Việt tại Lào với quê hương đất mẹ, một sợi dây vô hình gắn kết triệu trái tim hướng về Tổ quốc Việt Nam.