Cộng đồng quốc tế lo ngại tình hình an ninh tại Cộng hòa Chad
Ngày 21/04, cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại trước nguy cơ bạo lực gia tăng tại Cộng hòa Chad sau khi Tổng thống tái đắc cử Idriss Deby Itno thiệt mạng khi chỉ huy quân đội chiến đấu với phiến quân ở miền Bắc.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính phủ Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình chính trị ở Cộng hòa Chad và vô cùng lo ngại vì bạo lực sau cái chết của Tổng thống Idriss Deby và khả năng quá trình chuyển giao quyền lực dân chủ bị cản trở. Trước đó, Mỹ đã đóng cửa lãnh sự quán và cảnh báo công dân không đến Cộng hòa Chad trong bối cảnh phiến quân đối lập đe dọa tiếp tục tiến về thủ đô.
Ban thư ký điều hành của nhóm các nước G5 Sahel đã bày tỏ lời chia buồn tới người dân Chad sau cái chết của Tổng thống Deby (người đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm) và tuyên bố ủng hộ hoàn toàn việc chuyển đổi dân chủ đã được công bố.
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo thông báo đang theo dõi với sự quan tâm lớn về những diễn biến của tình hình ở Cộng hòa Chad, đồng thời kêu gọi các chính trị gia bình tĩnh và áp dụng các phương pháp hòa bình và đối thoại, để vượt qua những khó khăn mà nước này đang trải qua.
Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng Tổng thống Libya, Mohamed Al-Manfi và người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền Sudan, Abdel Fattah Al-Burhan, đã thảo luận và nhất trí tăng cường phối hợp liên tục ở cấp cao nhất liên quan tình hình ở Chad. Trước đó, Hội đồng Tổng thống và Chính phủ Libya cũng kêu gọi quân đội tiến hành các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ khu vực biên giới giáp Cộng hòa Chad.
Saudi Arabia bày tỏ sự lên án mạnh mẽ về vụ sát hại Tổng thống Idriss Deby, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế không leo thang, hướng tới một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại, nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và thống nhất của Chad.
Trước đó, Tổng thống Cộng hòa Chad đã thiệt mạng hôm 20/4 vừa qua sau khi bị thương khi đang chỉ huy quân đội chiến đấu với nhóm phiến quân ở miền Bắc. Quân đội đã tuyên bố thành lập Hội đồng quân sự chuyển tiếp do Tướng Mohamed Déby (con trai cố Tổng thống) đứng đầu và thông qua các biện pháp khẩn cấp như đóng cửa biên giới, giải tán Quốc hội và Chính phủ, áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc vào ban đêm, đồng thời cam kết đảm bảo quá trình chuyển đổi dân chủ trong vòng 18 tháng. Tuy nhiên, phiến quân đối lập đã bác bỏ các biện pháp này và đe dọa tiếp tục tiến về thủ đô./.