Cộng đồng trách nhiệm - Chia sẻ yêu thương

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Với Người, 'trẻ em như búp trên cành' và phải được chăm sóc chu đáo về mọi mặt.

Kỳ I: Những nguy cơ hiện hữu

Môi trường vui chơi lành mạnh, trẻ em được tiếp cận với các môn năng khiếu như vẽ tranh giúp các em hoàn thiện về thể chất, tinh thần, góp phần chống xâm hại, bạo lực và các nguy cơ tai nạn gây thương tích.

Môi trường vui chơi lành mạnh, trẻ em được tiếp cận với các môn năng khiếu như vẽ tranh giúp các em hoàn thiện về thể chất, tinh thần, góp phần chống xâm hại, bạo lực và các nguy cơ tai nạn gây thương tích.

(baophutho.vn)

- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Với Người, “trẻ em như búp trên cành” và phải được chăm sóc chu đáo về mọi mặt. Từ khi nước nhà được độc lập, có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo, trẻ em được quan tâm chăm sóc toàn diện cả thể chất lẫn tâm hồn bởi các em chính là chủ nhân tương lai của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, bị tác động bởi mặt trái kinh tế thị trường nên có lúc, có nơi trẻ em vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn, tác động xấu đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống của các em.
Những khoảng tối

Tỉnh Phú Thọ hiện có trên 400.000 trẻ em (chiếm 27,1% dân số toàn tỉnh), trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 4.807 em (chiếm 1,2% trẻ em toàn tỉnh). Số trẻ em đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội 3.979 em (chiếm 82,76% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt). Mặc dù thời gian qua công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội; các quyền của trẻ em ngày càng đảm bảo, song tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, bị tai nạn đuối nước… vẫn còn xảy ra và có diễn biến phức tạp, có vụ việc gây nhức nhối trong dư luận xã hội.
Theo báo cáo từ Sở LĐ,TB&XH, trong 5 năm (từ 2015 đến 2020) trên địa bàn tỉnh có 152 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; trong đó xâm hại tình dục là 119 em, chiếm 78,3%, tỷ lệ trẻ em nữ bị xâm hại cao gấp 3 lần so với trẻ em nam. Bên cạnh việc bị xâm hại, trẻ em còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn thương tích như: Tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, bạo lực học đường… Chỉ tính riêng năm 2020, tổng số trẻ em bị bạo lực, xâm hại là 40 em; số trẻ bị tai nạn thương tích lên tới 131 em, trong đó có 19 em tử vong, đa phần là tử vong do tai nạn đuối nước. Trên cả nước, theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2020 cả nước phát hiện 1.945 vụ xâm hại trẻ em, 2.008 trẻ em bị xâm hại (trong đó xâm hại tình dục 1.349 vụ, trẻ em bị xâm hại tình dục 1.576 em). Thực tế trên cho thấy, vẫn còn nhiều khoảng tối trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nguy cơ mất an toàn với trẻ khá cao, số lượng trẻ bị xâm hại, bị tai nạn dẫn đến tử vong còn nhiều, để lại hậu quả nặng nề cho bản thân các em, cho gia đình và cộng đồng xã hội, gây tâm lý lo lắng, bất an.Vào ngày 14/4 vừa qua, tại khúc sông Đà thuộc địa phận khu 4, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm 2 em học sinh lớp 7, Trường THCS Đào Xá tử vong. Người dân tại khu vực cho biết, nơi các em học sinh gặp nạn có nhiều hố sâu, xoáy nước mạnh, nguy hiểm, trong khi các em không có kỹ năng bơi lội nên đã dẫn đến đuối nước và tử vong. Thậm chí cách đây một vài ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Đình Quân ở xã Lương Sơn, huyện Yên Lập về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Qua 2 vụ việc trên cho thấy nguy cơ tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích và cả xâm hại, bạo hành trẻ em có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, dù ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa hay khu vực đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Số vụ việc có chiều hướng gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, tình trạng xâm hại trẻ em đã, đang là một thực trạng nhức nhối, bởi nó để lại tổn thất nặng nề đến tính mạng, sức khỏe thể chất, tinh thần cho các em, gây suy giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai.Bà Nguyễn Thị Kim Dung- Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới, Sở LĐ,TB&XH- người có nhiều năm gắn bó với công tác trẻ em cho biết: Trẻ em dễ bị tổn thương về thể chất, tinh thần, tâm sinh lý, trong khi đối tượng xâm hại trẻ thường rất đa dạng về tuổi tác, trình độ đến nghề nghiệp; thậm chí có đối tượng xâm hại trẻ là người có trình độ cao trong xã hội. Không ít đối tượng có mối quan hệ thân thiết với trẻ như hàng xóm, người quen biết với gia đình, thậm chí có khi còn là người ruột thịt, thân thích. Không ít vụ bạo hành, xâm hại trẻ em gây rúng động dư luận xã hội, điển hình như vụ bố đẻ hiếp dâm con gái ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông xảy ra vào năm 2019, dẫn đến cháu bé sinh năm 2004 khi đó mới đang học lớp 8 mang thai. Hay như vụ Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú- THCS huyện Thanh Sơn có hành vi dâm ô nhiều học sinh nam xảy ra vào cuối năm 2018; vụ cháu bé sinh năm 2007 ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn bị bố đẻ dùng dao sát hại dẫn đến tử vong xảy ra vào tháng 9/2018… Tất cả các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em kể trên đều đã được Cơ quan công an khởi tố, kẻ thủ ác dù đã bị pháp luật trừng trị thích đáng nhưng những nỗi đau và vết thương lòng không dễ bị xóa nhòa.

Nhằm tăng cường kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ, thành phố Việt Trì đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ các trường học trên địa bàn xây dựng bể bơi đạt quy chuẩn.- Trường Tiểu học Hòa Bình (phường Bến Gót) tổ chức dạy bơi cho học sinh.

Nhằm tăng cường kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ, thành phố Việt Trì đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ các trường học trên địa bàn xây dựng bể bơi đạt quy chuẩn.- Trường Tiểu học Hòa Bình (phường Bến Gót) tổ chức dạy bơi cho học sinh.

Đa dạng nguyên nhân

Trên thực tế, bất cứ môi trường nào, ngoài xã hội, trong nhà trường hay trong chính gia đình cũng có thể xuất hiện bạo lực, xâm hại trẻ em. Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hồng Thúy, cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh khẳng định: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xâm hại, bạo lực trẻ em, nhưng dù là nguyên nhân nào thì cũng không thể chấp nhận được, bởi nó không chỉ vi phạm về mặt đạo đức xã hội mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm quyền trẻ em”.
Từ năm 2020 đến nay, TAND hai cấp đã xét xử 39 vụ/40 bị cáo về xâm hại trẻ em ở các tội danh: Hiếp dâm, giao cấu, dâm ô, chiếm gần 30% tổng số vụ án xét xử. Qua theo dõi thấy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng trên chính là tác động của mặt trái kinh tế thị trường, không ít gia đình tập trung cho làm ăn kinh tế quá mức đã sao nhãng, bỏ mặc trẻ em, tạo cơ hội cho các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.Ở khía cạnh khác, nhiều gia đình kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật nên không quan tâm đầy đủ đến con cái, giao phó sự chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các em cho người thân và xã hội, dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống, bị bạo lực, xâm hại. Nhiều cha mẹ cũng còn thiếu kỹ năng phòng ngừa, giải quyết về pháp lý, chăm sóc và phục hồi cho trẻ bị xâm hại. Phần lớn các trường hợp báo cáo lên cơ quan chức năng đều chậm hơn so với thời điểm trẻ bị xâm hại. Đa số những vụ xâm hại tình dục trẻ em đều xảy ra ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cha mẹ của các nạn nhân chủ quan, ít để ý đến con em mình.Trong khi công tác truyền thông về xâm hại tình dục trẻ em, nhất là vấn đề về giáo dục giới tính, giáo dục các em biết cách tự bảo vệ mình có lúc, có nơi còn bị coi nhẹ, thiếu chiều sâu nên bản thân trẻ còn yếu kém trong các kỹ năng tự bảo vệ trước những nguy cơ bị xâm hại; một số quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em còn có khoảng trống, thiếu tính liên thông trong việc theo dõi để đảm bảo trẻ em không bị bạo lực, bạo hành, xâm hại.Trẻ em trải qua nhiều giai đoạn phát triển, tâm sinh lý cũng thay đổi qua từng thời kỳ, do non nớt về thể chất, tinh thần, sức tự kháng cự yếu nên các em rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, xâm hại. Trong khi môi trường xã hội khá phức tạp, nhất là từ khi mạng internet phát triển, nhiều video xấu độc len lỏi vào cuộc sống của mỗi gia đình và gây ra những hậu quả tiêu cực trong xã hội. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng còn nhiều lỗ hổng, còn thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng khiến các đối tượng xấu dễ dàng xâm nhập vào môi trường mạng, kích thích sự hiếu kỳ, tò mò của trẻ em.Việc đầu tư sân chơi, bãi tập, các hoạt động cộng đồng cho trẻ em tuy có nhưng cũng chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tế nên khi thiếu sân chơi lành mạnh, các em dễ dàng tìm đến mạng internet để giải trí hay đơn giản chỉ là “bắt chước” những hình ảnh, hành vi “chưa chuẩn mực”. Trong khi đó, đội ngũ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp huyện, xã còn kiêm nhiệm, không ổn định; đội ngũ cộng tác viên thôn bản chưa được bố trí, hỗ trợ kinh phí, chưa được đào tạo tập huấn thường xuyên để trang bị, bổ sung kiến thức trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở…Để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội phải xây dựng được môi trường an toàn, lành mạnh thực sự cho trẻ ngay từ những giai đoạn đầu đời, từ trong chính gia đình nơi trẻ sinh sống đến nhà trường nơi trẻ học tập, giáo dục, trang bị tri thức trước khi trưởng thành và trong chính cộng đồng xã hội. Từ nhận thức này, nhiều điểm sáng trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên toàn tỉnh đã xuất hiện.

Kỳ II: Những điểm sáng vì trẻ em

Mai Phương - Mai Hoa

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202106/cong-dong-trach-nhiem-chia-se-yeu-thuong-177412