Cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Những năm gần đây, ý thức, chất lượng chính trị của công dân nhập ngũ trên địa bàn các tỉnh thuộc Quân khu 3 ngày càng cao; tỷ lệ thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm sau cao hơn năm trước.

Có được kết quả đó là nhờ sự tham mưu tích cực, hiệu quả của cơ quan quân sự, sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, với phương châm: Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.

Đầu Xuân Canh Tý 2020, gia đình anh Đào Minh Ngọc, trú tại tổ 2, phường Đông Thành (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) rất vui được đón đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể và một số doanh nghiệp đến thăm, tặng quà, động viên trước ngày Ngọc lên đường nhập ngũ. Gia đình thuộc diện khó khăn, bố mẹ thường xuyên đau ốm, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập thấp, song người thân vẫn động viên Ngọc viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Đại diện chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh tặng quà, động viên thanh niên nhập ngũ năm 2020. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đại diện chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh tặng quà, động viên thanh niên nhập ngũ năm 2020. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tại phường Ninh Phong (TP Ninh Bình), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng trực tiếp đến thăm và chúc Tết gia đình anh Đào Thế Anh, người đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 2019. Được biết, Đào Thế Anh vừa học xong lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng tại đơn vị và mong muốn sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, xứng đáng với truyền thống, sự mong đợi của quê hương, gia đình, người thân nơi quê nhà.

Theo Đại tá Nguyễn Thành Việt, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình: Những năm qua, Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình đặc biệt quan tâm đến công tác quân sự, quốc phòng địa phương nói chung, trong đó có công tác tuyển quân. Hằng năm, lãnh đạo tỉnh đều trực tiếp chủ trì gặp gỡ, biểu dương, tặng quà những quân nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, xuất ngũ trở về địa phương, đồng thời giao các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp xúc với quân nhân xuất ngũ (QNXN) chưa có công việc ổn định, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng; tiến hành tư vấn đào tạo nghề và sắp xếp, bố trí việc làm phù hợp, giúp QNXN sớm ổn định cuộc sống. Theo báo cáo của địa phương, năm 2019, có 75 cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.132 QNXN; trong đó có 449 người đăng ký học nghề, 314 người đăng ký tuyển dụng lao động và 165 trường hợp đăng ký xuất khẩu lao động, du học.

Ở tỉnh Thái Bình, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được cấp ủy, chính quyền, hội đồng NVQS các cấp hết sức coi trọng, nhất là phát huy vai trò xung kích của tổ chức đoàn thanh niên trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân cho thanh niên nhập ngũ. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chủ động phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội tích cực tuyên truyền Luật NVQS, các nội dung liên quan đến chế độ của quân nhân, gia đình quân nhân tại ngũ; chế độ, chính sách đối với QNXN qua nhiều hình thức, phương tiện phong phú… Tổ chức đoàn phối hợp với hội đồng NVQS và các ban, ngành, đoàn thể đến từng gia đình thanh niên nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc, nhằm phân loại đối tượng để có phương án tuyên truyền, động viên, giúp đỡ phù hợp. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thơm, Phó bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình, nhằm phát huy tính gương mẫu, uy tín của các nhân chứng lịch sử, Tỉnh đoàn phối hợp với Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tổ chức kể chuyện truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm cho công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, nhằm tạo nguồn cán bộ cho cơ sở, cơ quan quân sự các cấp trong tỉnh phối hợp với tổ chức đoàn, tham mưu cho địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng cho những thanh niên ưu tú trước khi lên đường nhập ngũ.

Tìm hiểu nội dung công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ tại Bộ CHQS TP Hải Phòng, chúng tôi được Đại tá Nguyễn Văn Lịch, Phó chính ủy Bộ CHQS thành phố cho biết, để thanh niên yên tâm lên đường nhập ngũ, cơ quan quân sự các cấp tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành hỗ trợ làm nhà, sửa nhà và tặng quà các gia đình công dân nhập ngũ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, giao lưu truyền thống, trao đổi, mạn đàm giữa thanh niên nhập ngũ với lãnh đạo địa phương, đại biểu gia đình có con nhập ngũ, các CCB và các doanh nghiệp…

Để động viên thanh niên hăng hái thực hiện NVQS, hằng năm, Bộ CHQS tỉnh Nam Định đều chủ động tham mưu với Hội đồng NVQS tỉnh chỉ đạo các địa phương chú trọng huy động các nguồn lực xã hội cho công tác tuyển quân; có nhiều hoạt động phong phú, như: Hỗ trợ kinh phí trong quá trình khám tuyển; thăm hỏi, tặng quà, trao sổ tiết kiệm tặng gia đình có công dân nhập ngũ. Từ năm 2015 đến nay, cơ quan quân sự trong tỉnh đã tham mưu với địa phương trao 3.786 sổ tiết kiệm tặng các gia đình khó khăn có công dân nhập ngũ. Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức ký cam kết tiếp nhận công dân sau khi hoàn thành NVQS trở về địa phương vào làm việc; phối hợp với các đơn vị nhận quân, các trường nghề thực hiện dạy nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Xuất phát từ những chủ trương đúng đắn đó, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Nam Định đều hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân với chất lượng tốt; hằng năm, số thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ tăng.

Kinh nghiệm trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ trên địa bàn các tỉnh thuộc Quân khu 3 cho thấy, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm đầy đủ các chế độ, chính sách trong công tác tuyển quân; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tạo điều kiện cho quân nhân hoàn thành NVQS trở về địa phương nhanh chóng ổn định cuộc sống, nhất là tạo điều kiện cho họ có việc làm, thu nhập ổn định tại địa phương. Để bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai trong công tác tuyển quân, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc; phát huy hiệu quả vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là hội đồng NVQS và cơ quan quân sự trong tham mưu, tổ chức thực hiện; kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt Luật NVQS; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện Luật NVQS và những sai phạm, tiêu cực trong công tác tuyển quân.

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cong-dong-trach-nhiem-cua-ca-he-thong-chinh-tri-609444