Công dụng của nước dừa trong điều trị viêm mũi họng, viêm thanh quản cấp

Bên cạnh các thuốc sử dụng trong viêm mũi họng, bạn có thể sử dụng thêm 2 quả dừa (khoảng 400 ml nước) mỗi ngày để hỗ trợ điều trị bệnh viêm họng cấp và viêm thanh quản cấp.

Uống nước dừa giúp giảm cảm giác đau rát họng

Vào những ngày hè nắng đổ lửa, dừa trở thành thức uống phổ biến. Bạn có thể tìm mua quả dừa ở mọi nơi, từng chùm từng chùm ở các quán nước ven đường, từng xe từng xe ở dọc theo các con phố!

Ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi - một bác sĩ nhi khoa vẫn thường cho uống nước dừa mỗi khi tôi sốt, đau họng, thậm chí cả tiêu chảy. Tới nay, khi tôi cũng đã là một bác sĩ trưởng thành, một giảng viên trường Y, nước dừa vẫn được tôi sử dụng thường xuyên mỗi khi đau họng, hoặc trước giờ lên lớp mà giọng chưa được trong.

Nước dừa có vị ngọt, bùi, thanh mát, nhất là nước lấy từ trong trái dừa non. Thức uống này chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp hỗ trợ chức năng cơ và thần kinh cũng như cân bằng chất lỏng cơ thể. Nước dừa rất tốt để bổ sung chất lỏng sau cơn tiêu chảy hoặc nôn mửa nhờ hàm lượng chất điện giải cao. Đây cũng là thức uống tuyệt vời để bù nước và nuôi dưỡng cơ bắp sau khi tập luyện.

Nước dừa chứa nhiều chất điện giải tự nhiên như natri, magie, canxi và kali, với các thành phần tương đối cân bằng giống như dung dịch trong tế bào hay trong máu.

Khi viêm họng, niêm mạc họng trở nên căng, khô, các mạch máu nằm trong lớp biểu mô trụ có lông chuyển của họng có thể thoát quản hồng cầu, nước trong tế bào sẽ thiếu. Đây là cơ chế gây ra cảm giác đau và rát họng khi viêm.

Khi bạn uống nước dừa, nhất là ngậm một ngụm nước dừa trong cổ họng 5 phút, nước dừa sẽ hấp thu vào lớp đệm của biểu mô đường hô hấp, cân bằng lại lượng dịch trong và ngoài tế bào, từ đó giảm cảm giác đau.

Với bệnh viêm thanh quản cũng như vậy. Khi niêm mạc khô do hít phải không khí ô nhiễm như tăng nồng độ SO2 (mưa acid), khi khí đi vào đường hô hấp, dưới tác động với nước nằm trên bề mặt niêm mạc tạo ra acid sunfuaric gây bỏng niêm mạc họng thanh quản và gây viêm. Nước dừa có khả năng trung hòa và giảm nồng acid do có tính kiềm nhẹ.

Ngoài ra, nước dừa có lượng đường thấp hơn hầu hết các loại đồ uống thể thao và có carbohydrate, có thể giúp cải thiện chức năng cơ bắp, từ đó giảm cả giác mệt mỏi, đau cơ khi viêm mũi họng.

Vì vậy, nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học thấy rằng, bên cạnh các thuốc sử dụng trong viêm mũi họng, người bệnh có thể sử dụng thêm 2 quả dừa (khoảng 400 ml nước) mỗi ngày để hỗ trợ điều trị bệnh viêm họng cấp và viêm thanh quản cấp.

Ai không nên uống nước dừa?

Bạn hãy hạn chế uống nước dừa nếu bị suy thận, bệnh thận mạn tính hoặc đang dùng các loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE). Bởi nước dừa chứa nhiều kali, khi thận không thể loại bỏ các khoáng chất dư thừa ra khỏi cơ thể một cách thích hợp, tình trạng đe dọa tính mạng được gọi là tăng kali máu (quá nhiều kali trong máu) có thể xảy ra.

Ở những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc đang theo chế độ ăn ít FODMAP (oligo-, di-, monosacarit và polyol có thể lên men) cũng không nên uống nước dừa, vì nó có chứa một số carbohydrate có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu hóa.

Hãy sử dụng đúng, nước dừa sẽ rất tốt cho sức khỏe của bạn!

Theo daibieunhandan.vn

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/cong-dung-cua-nuoc-dua-trong-dieu-tri-viem-mui-hong-viem-thanh-quan-cap-37856.html