Công dụng của thuốc Remdesivir trong điều trị Covid-19

Remdesivir được dùng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên, cân nặng ít nhất 40 kg.

500.000 lọ thuốc Remdesivir đã được một tập đoàn trong nước đàm phán và nhập khẩu về Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng nặng của Covid-19.

Số lượng thuốc này có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80.000 đến 100.000 bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam.

Đây là thuốc kháng virus được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 22/10/2020.

Rút ngắn thời gian điều trị

Remdesivir là một tiền chất được chuyển đổi thành dạng hoạt chất Remdesivir Triphosphat trong cơ thể. Sau đó, Remdesivir Triphosphat hoạt động như một chất tương tự của Nucleotide Adenosine Triphosphate (ATP), thành phần quan trọng virus như SARS-CoV-2 cần để sao chép bộ mã di truyền.

Nếu Remdesivir Triphosphate được kết hợp vào RNA của virus thay vì ATP, chuỗi sẽ bị đứt và quá trình sao chép của virus bị dừng lại. Về cơ chế hoạt động, điều trị bằng Remdesivir đặc biệt hữu ích trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng SARS-CoV-2.

Thuốc hiện có giấy phép lưu thông có điều kiện ở nhiều quốc gia ở châu Mỹ và châu Âu để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên, cân nặng ít nhất 40 kg.

 Remdesivir hiện có giấy phép lưu thông có điều kiện ở nhiều quốc gia ở châu Mỹ và châu Âu. Ảnh: Sciencenews.

Remdesivir hiện có giấy phép lưu thông có điều kiện ở nhiều quốc gia ở châu Mỹ và châu Âu. Ảnh: Sciencenews.

Remdesivir sẽ được truyền tĩnh mạch vào ngày đầu tiên của điều trị với liều lượng 200 mg. Sau đó, thuốc này được dùng tối thiểu là 4 ngày và tối đa 9 ngày với liều lượng 100 mg/ngày.

Nghiên cứu ACTT-1 của Mỹ cho thấy thuốc có tác dụng làm giảm thời gian bệnh ở một số người. Trong tổng số 1.063 bệnh nhân nhập viện, thời gian trung bình để cải thiện bệnh là 11 ngày thay vì 15 ngày đối với giả dược. Sự cải thiện được định nghĩa ở đây là xuất viện hoặc tiếp tục nằm viện, nhưng không cần bổ sung oxy.

Ưu điểm được thấy ở nhóm 943 bệnh nhân nặng nhất là thời gian cải thiện chỉ 12 ngày ở nhóm dùng Remdesivir so với 18 ngày với nhóm dùng giả dược. Các nhà nghiên cứu không thấy sự khác biệt trong việc dùng thuốc hay giả dược giữa các nhóm bệnh nhân bị nhẹ và vừa phải.

Tuy nhiên, Remdesivir không đáp ứng được các tiêu chí về giảm tỷ lệ tử vong trong nghiên cứu ACTT-1. Tỷ lệ tử vong trong 29 ngày của toàn bộ bệnh nhân là khoảng 11,6% khi dùng thuốc và 15,4% khi dùng giả dược. Một con số chênh lệch không quá nhiều để cho thấy tác dụng của thuốc.

Tuy nhiên, gần đây, tại Đại hội trực tuyến về các bệnh truyền nhiễm và y học nhiệt đới (KIT), dữ liệu mới từ Khảo sát Mở rộng châu Âu về bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 (LEOSS) đã cho thấy lợi ích của thuốc với tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân đang nguy kịch vì Covid-19.

Theo phân tích, 459 bệnh nhân được điều trị bằng Remdesivir và 918 trường hợp đối chứng phù hợp. 38 trong số 459 bệnh nhân (8,3%) ở nhóm Remdesivir và 149 trong số 913 bệnh nhân (16,3%) trong nhóm đối chứng tử vong. Việc công bố dữ liệu này trên một tạp chí khoa học vẫn đang chờ xử lý.

 Cấp cứu cho một bệnh nhân bị suy hô hấp nặng vừa được chuyển đến từ bệnh viện dã chiến tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Cấp cứu cho một bệnh nhân bị suy hô hấp nặng vừa được chuyển đến từ bệnh viện dã chiến tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng

Chúng ta không nên sử dụng Remdesivir cho những bệnh nhân có chức năng thận kém (eGFR dưới 30 ml/phút). Chức năng gan nên được theo dõi trước và trong khi điều trị. Nếu mức men gan Alanine Aminotransferase (ALT) cao gấp 5 lần giới hạn bình thường hoặc hơn, người bệnh không nên tiêm Remdesivir. Các phản ứng quá mẫn có thể xảy ra trong quá trình truyền dịch, nhân viên y tế cần chuẩn bị sẵn sàng và có thể phản ứng nhanh chóng.

Theo dữ liệu in vitro (thí nghiệm trong ống nghiệm), thuốc có tiềm năng cho tương tác dược động học khác nhau vì nó là cơ chất (chất tham gia phản ứng do enzym xúc tác) cho enzym CYP và các hệ thống vận chuyển tế bào. Tuy nhiên, điều này không quá quan trọng trong lâm sàng vì thời gian điều trị ngắn.

Thuốc này cũng khuyến cáo không sử dụng đồng thời các chất cảm ứng P-glycoprotein mạnh như Rifampicin. Điều này có thể làm giảm nồng độ Remdesivir trong huyết tương. Đối với Dexamethasone, chất đã được chứng minh là chất cảm ứng CYP3A4 và P-glycoprotein vừa phải thì sự tương tác không thể hiện.

 TS.DS Tạ Thanh Sơn. Ảnh: DSCC.

TS.DS Tạ Thanh Sơn. Ảnh: DSCC.

Remdesivir không nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai trừ khi tình trạng lâm sàng của bệnh nhân yêu cầu như vậy. Trong thời gian cho con bú, bạn cần cân nhắc khi đưa ra quyết định xem có nên ngắt quãng cho con bú hoặc điều trị bằng Remdesivir hay không.

Sử dụng thuốc Remdesivir cũng có nhiều tác dụng phụ như tăng Transaminase, đau đầu, buồn nôn và phát ban. Nhịp tim chậm cũng đã được đưa vào như một tác dụng phụ tiềm ẩn trong thông tin sản phẩm sau một thông cáo gần đây của Ủy ban Cảnh giác Dược của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu EMA.

Mùa hè 2020, Gilead Sciences, Inc (công ty dược phẩm sinh học của Mỹ) đã nhận được sự chấp thuận tạm thời cho thuốc kháng virus Remdesivir để điều trị SARS-CoV-2. Trong trường hợp của Covid-19, các bác sĩ hiện có ít sự lựa chọn tốt hơn Remdesivir để chống lại virus.

Tuy nhiên, để nói về một sự đổi mới mang tính nhảy vọt sẽ là sự phóng đại. Bởi đến nay, Remdesivir vẫn chưa đáp ứng hết những hy vọng của nó như khi được công bố.

Remdesivir đã rút ngắn thời gian bị bệnh trong các nghiên cứu nhưng tác động lên tỷ lệ tử vong vẫn còn nhiều tranh cãi. Dù vậy, những dữ liệu mới nhất về Remdesivir rất đáng hy vọng.

Chúng ta cần lưu ý rằng hoạt chất này rõ ràng chưa phải là chất tối ưu chống lại SARS-CoV-2. Remdesivir từng được thiết kế như một loại thuốc chữa bệnh Ebola, không hoạt động đặc biệt chống lại virus Corona.

Remdesivir khi được truyền tĩnh mạch cũng không phải là lý tưởng nhất. Một thành phần hoạt chất được dùng dưới dạng xịt hoặc viên nén chắc chắn sẽ tốt hơn với bệnh nhân ngoại trú trong giai đoạn đầu sau khi nhiễm bệnh.

Bài viết do TS.DS Tạ Thanh Sơn (từng học tại Đại học Philipps Marburg; tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg, CHLB Đức), cung cấp thông tin.

Tạ Thanh Sơn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-dung-cua-thuoc-remdesivir-trong-dieu-tri-covid-19-post1246710.html