TP.HCM: Liên tục phát hiện bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo hiếm gặp, chưa có phác đồ điều trị
Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận nhiều trường hợp phụ nữ bị viêm não tự miễn do kháng thể kháng NMDAR. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là đến nay căn bệnh này ở thế giới và Việt Nam vẫn chưa có phác đồ điều trị.
Ngày 2.7, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay đang tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân bị viêm não tự miễn do kháng thể kháng NMDAR liên quan đến u quái buồng trứng. Đây là những bệnh nhân còn khá trẻ, tuổi đời chỉ hơn 20 trở lại.
TS-BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, trưởng đơn vị Hồi sức chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong 18 tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 17 ca bị viêm não tự miễn do kháng thể kháng NMDAR liên quan đến u quái buồng trứng, tuổi đời trung bình là 23. Trong số 17 ca có 4 ca đã tử vong, 9 ca khỏi bệnh và 4 ca đang điều trị.
Ca đầu tiên là nữ bệnh nhân 24 tuổi. Bệnh nhân này được chuyển đến bệnh viện với chẩn đoán viêm não. Tuy nhiên, sau khi thăm khám có nhiều vấn đề bất thường, nhất là bệnh nhân có dấu hiệu bệnh tâm thần, từng điều trị tại bệnh viện tâm thần, các bác sĩ đã nghiên cứu tài liệu và nghi ngờ bệnh nhân bị u quái buồng trứng. Bệnh viện đã gửi mẫu xét nghiệm, chẩn đoán viêm não tự miễn.
Bệnh nhân trẻ nhất là Đ.Đ.K (17 tuổi, quê Đồng Nai). Nữ bệnh nhân này được phát hiện u quái từ năm 16 tuổi, khi đang đi học nên gia đình đã cố gắng kéo dài thời gian để sau kỳ thi sẽ phẫu thuật. Tuy nhiên, bất ngờ bệnh nhân lên cơn co giật, hôn mê, phải nhập viện. Tại đây, các bác sĩ đã cố gắng giữ lại buồng trứng, bảo tồn trứng cho bệnh nhân để sau này có cơ hội sinh con. Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên hệ với nhiều đơn vị lưu trữ kích hoạt tìm trứng. Tuy nhiên bệnh nhân không có trứng. Đây là điều khó khăn cho cuộc sống của bệnh nhân sau này.
TS-BS Lê Quốc Hùng cho biết, các bệnh nhân bị viêm não tự miễn trên nhập viện trong tình trạng trễ, chiếm hơn 80%; bệnh nhân trẻ, là nữ chiếm đa số, 50% có u quái buồng trứng; 25% có u quái ở cả hai buồng trứng.
Tuy nhiên, việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não tự miễn là rất khó khăn. “Hiện nay trên thế giới chưa có phác đồ điều trị thống nhất, phải phối hợp nhiều phương án điều trị tùy mức độ bệnh. Nếu nặng, phải lọc máu, thay huyết tương, sử dụng kháng thể đơn dòng (IVIG) thì chi phí điều trị rất cao, lên đến 350 triệu đồng. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, phác đồ điều trị dựa trên khả năng sẵn có của bệnh viện. Ngoài sử dụng thuốc còn phẫu thuật để lấy khối u, điều trị tận gốc nguồn cơn gây bệnh là khối u tiết ra kháng thể. Hiệu quả mang lại sẽ khả quan hơn”, bác sĩ Hùng nói.
Theo BSCK2 Phạm Thanh Việt - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, u quái buồng trứng tồn tại nhiều, nếu không được phát hiện chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong. Sự phát hiện sớm mới có thể cứu được bệnh nhân. Trước kia, đây là căn bệnh hiếm gặp nhưng giờ lại xuất hiện hàng loạt.
Đây là bệnh thường gặp ở phụ nữ trẻ, tỷ lệ tử vong gần như 100% nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Nếu được can thiệp sớm, bệnh nhân có thể trở về cuộc sống bình thường.
“Nguyên nhân gây ra căn bệnh viêm não tự miễn NMDAR là vi rút tấn công vào tế bào thần kinh, hoặc các khối u phóng thích kháng thể NMDA, kháng thể này tấn công hệ thần kinh trung ương làm tổn thương não bộ ở nhiều mức độ khác nhau. Ở nữ giới, viêm não tự miễn thường gặp ở bệnh nhân có u quái buồng trứng, bệnh nhân rơi vào co giật, hôn mê, tử vong. Nếu chẩn đoán nhầm với bệnh khác, chắc chắn bệnh nhân tử vong”, bác sĩ Việt cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, viêm não tự miễn được phát hiện từ năm 2007. Đến nay có nhiều kháng thể NMDAR liên quan đến đối tượng có u quái buồng trứng. Cơ thể tự tạo kháng thể do một rối loạn dẫn tới tổn thương.
Trên thế giới ghi nhận khoảng 1.500 ca viêm não tự miễn, trong đó có khoảng 80 ca là do các yếu tố khác, còn lại đều do kháng thể NMDAR liên quan đến đối tượng có u quái buồng trứng.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, từ năm 2015 - 2016, bệnh viện đã chẩn đoán được 9 ca. Cả 9 ca trên đều được chuyển từ Bệnh viện Tâm thần sang với biểu hiện rối loạn tâm thần.