Cống hiến không ngơi nghỉ vì cộng đồng
Không ồn ào, không hoa mỹ, hành trình hơn ba thập kỷ của bà Triệu Thị Sa trên đất Lâm Hà là một câu chuyện đẹp về sự tận tụy, kiên định và trách nhiệm của một người phụ nữ Tày. Từ phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa đến gắn kết cộng đồng, bà đã âm thầm thắp sáng niềm tin vào sức mạnh đoàn kết nơi vùng đất mới.

Bà Triệu Thị Sa
33 năm gắn bó với mảnh đất Lâm Hà, trong đó có hơn 8 năm được bà con tín nhiệm bầu là người uy tín tiêu biểu trong cộng đồng, tôi hiểu rằng muốn xây dựng thành công nông thôn mới và thoát nghèo bền vững, điều quan trọng nhất là phải vận dụng tốt phương châm ‘lấy dân làm gốc’ trong công tác vận động ngay từ cơ sở”, bà Triệu Thị Sa - Bí thư Chi bộ thôn Thanh Bình, xã Tân Thanh, chia sẻ.
Bước sang tuổi 60, bà Sa vẫn giữ cho mình tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm như những ngày đầu gắn bó với vùng đất mới. Muốn người dân tin và làm theo, người cán bộ trước hết phải là tấm gương. Với bà Sa, điều đó thể hiện qua từng việc làm cụ thể: luôn đi đầu thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động con cháu tích cực lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, sống văn minh và tham gia các phong trào địa phương.
Trong vai trò Bí thư Chi bộ, bà Sa tích cực vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Trong cưới xin, không thách cưới, không mời thầy mo thầy cúng; trong tang lễ, hạn chế rải vàng mã; ốm đau đi khám bệnh thay vì mê tín dị đoan. Bà còn chú trọng tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, góp phần làm thay đổi rõ nét nhận thức nhiều gia đình.
Đồng thời, bà không ngừng thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện cho con cháu, cả trai và gái, được học tập, phát triển toàn diện. Trong chính gia đình mình, bà luôn dạy con cháu tự lập, sống có trách nhiệm, biết chia sẻ việc nhà.
Không chỉ vận động bằng lời nói, bà Sa là người tiên phong trong phát triển kinh tế hộ gia đình và lan tỏa kinh nghiệm cho bà con. Bà vận động tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học như: ghép giống cà phê năng suất cao, nuôi tằm dưới sàn, trồng rau sạch... Không ít lần, bà cùng bà con đến tận nơi học hỏi các mô hình hay, giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất. “Trước đây, bà con còn ỷ lại, nhưng giờ chủ động hơn nhiều. Không còn trông chờ Nhà nước, mà biết cách làm ăn, học hỏi và hỗ trợ nhau để cùng phát triển,” bà nói.
Một trong những dấu ấn lớn nhất trong hành trình cống hiến của bà Sa là vai trò nổi bật trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cùng Ban Nhân dân, Ban công tác Mặt trận, bà vận động Nhân dân đóng góp đối ứng hơn 2 tỷ đồng để làm 3,5 km đường bê tông, cải tạo đường vào các xóm. Bà con còn đóng góp 50 triệu đồng xây dựng quỹ Đội tự quản thôn, hơn 450 ngày công để trồng 4 km hoa tím, giữ gìn vệ sinh môi trường, và đóng góp 81 triệu đồng để lắp 74 bóng điện chiếu sáng 4 km đường quê. Không chỉ cải thiện hạ tầng, các hoạt động này còn nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng.
Bà Sa còn đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhận thấy giá trị quý báu của nghệ thuật hát Then - đàn Tính, bà cùng địa phương thành lập Câu lạc bộ Hát Then - đàn Tính xã Tân Thanh với 29 thành viên. Đây là nơi kết nối, sinh hoạt văn hóa, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong lớp trẻ. Năm 2023, bà chủ trì tổ chức lớp truyền dạy hát Then - đàn Tính cho 20 em học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại địa phương. Nhiều em sau đó đã tự tin biểu diễn trước cộng đồng. Việc truyền dạy không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, đạo đức và ý thức dân tộc cho thế hệ trẻ.
Với những nỗ lực bền bỉ và toàn diện đó, năm 2023, bà Triệu Thị Sa được vinh danh tại Hội nghị biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc hân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Bà được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen - sự ghi nhận xứng đáng cho hơn ba thập kỷ cống hiến thầm lặng. Không chỉ chính quyền mà người dân cũng bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp của bà. Bà Mông Thị Mau - thành viên Câu lạc bộ Hát Then - đàn Tính, xúc động chia sẻ: “Bà Sa không chỉ giữ lửa văn hóa, mà còn truyền cảm hứng sống đẹp, sống có trách nhiệm. Những việc bà làm đã lan tỏa tinh thần đoàn kết và nhân văn trong cộng đồng”.
Ngày hôm nay, hình ảnh người phụ nữ Tày cần mẫn, dung dị, luôn tận tụy với cộng đồng như bà Triệu Thị Sa đã trở thành biểu tượng đẹp giữa đời thường. Câu chuyện của bà không chỉ mang lại sự thay đổi tích cực cho một vùng quê, mà còn là minh chứng sống động về sức mạnh của sự đồng lòng, sẻ chia và cống hiến không ngơi nghỉ vì cộng đồng.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/cong-hien-khong-ngoi-nghi-vi-cong-dong-61f1605/