'Cười ra nước mắt' khi đi ăn cỗ chưa kịp gắp miếng nào, mọi người đã chia phần mang về
'Chia phần mang về' sau mỗi bữa cỗ là hình ảnh dễ gặp ở nhiều vùng quê. Dù đôi lúc tạo nên những tình huống hài hước hay 'dở khóc dở cười', nhưng nếu được thực hiện một cách tinh tế và đúng mực, đây vẫn là một nét đẹp văn hóa đậm tình người.
Trong đám cưới mới đây ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, chị Uyên (Ba Đình, Hà Nội) đã có một trải nghiệm "khó quên". Vừa mới ngồi vào mâm, còn chưa kịp gắp miếng nào, mâm cỗ đã... "bốc hơi" gần hết.
"Tôi đến hơi muộn một chút vì kẹt xe, nhưng không ngờ vừa vào mâm được một lúc mọi người đã gọn gàng chia phần mang về. Nhìn quanh chỉ còn một ít canh miến, ít rau mà ai nấy đều tươi cười hớn hở," chị Uyên kể lại trong tiếng cười.
Câu chuyện kể trên khiến nhiều người vừa buồn cười vừa gật gù quen thuộc, bởi ở không ít địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương…, "chia phần mang về" sau mỗi bữa cỗ đã trở thành nét văn hóa của cộng đồng. Thường sau khi ăn xong, khách được chủ nhà mời gói chút thức ăn mang về như một cách chia lộc, thể hiện sự hiếu khách và ấm áp tình làng nghĩa xóm.
Chị Nguyễn Thị Thêu (35 tuổi, quê Hải Dương) vui vẻ chia sẻ: "Trước đến giờ đi ăn cỗ, không mang phần về là thấy... thiếu. "Chia phần mang về" là "đặc sản" của quê hương tôi, không phải nơi nào cũng có. Mỗi người một túi nhỏ mang về cho người ở nhà, như mang theo niềm vui, mang lộc về cửa. Nhưng nhiều người từ nơi khác đến ăn cỗ lần đầu ở quê chúng tôi sẽ cảm thấy "bỡ ngỡ", thậm chí có người còn "sốc" khi chưa kịp ăn gì mà mâm cỗ đã hết sạch sành sanh".

"Chia phần mang về" khi đi ăn cỗ là một tục lệ ở nhiều địa phương. Ảnh: Phạm Quyến.
Theo chị Thêu, từ lâu, quê chị đã có tục lệ "mang phần về" này. Ở các đám cỗ, mỗi mâm sẽ đều được gia chủ chuẩn bị sẵn túi bóng để khách chia phần mang về.
Ông Nguyễn Đình Mỹ (68 tuổi, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) cho hay, phong tục này đã có từ rất lâu, không chỉ mang tính cộng đồng mà còn thể hiện sự sẻ chia, quan tâm đến gia đình, đặc biệt là người lớn tuổi hay trẻ nhỏ không đi dự cỗ được. Có người còn hài hước gọi đây là "gói quà tinh thần" sau bữa tiệc, chính vì vậy đây là một tục lệ đẹp.
Tuy nhiên, ông Mỹ cho rằng, theo thời gian, phong tục đẹp này tại một số nơi đang dần bị biến tướng. Nhiều người chưa ăn xong đã vội "tranh thủ" gói ghém, khiến các mâm cỗ trở nên lộn xộn, mất đi sự chỉn chu và ý nghĩa ban đầu. Không ít trường hợp người đến sau đành "ngồi nhìn" mâm cỗ trống trơn, vừa đói vừa ngại.
"Một gói xôi, miếng thịt mang về đôi khi không chỉ là món ăn, mà là tình cảm, là niềm vui được san sẻ. Tuy nhiên, để giữ trọn ý nghĩa tốt đẹp ấy, mỗi người nên ứng xử tinh tế, lấy phần vừa đủ và đúng lúc, để bữa cỗ không chỉ no bụng mà còn ấm lòng", bà Nguyễn Thị Tơ (59 tuổi, Hải Dương) chia sẻ.
Tục lệ đẹp nhưng đừng để biến tướng
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ, tục lệ chia phần mang về sau khi ăn cỗ là một nét văn hóa phổ biến ở nhiều vùng quê Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Việc chia phần không chỉ thể hiện sự chu đáo, sẻ chia của gia chủ với khách, mà còn mang ý nghĩa 'lộc' – tức mang may mắn, tình cảm về nhà.
Trong bối cảnh hiện đại, một số người có thể thấy việc này không còn phù hợp, song nếu nhìn từ góc độ văn hóa dân gian, đây là hành vi có tính cộng đồng cao, cho thấy sự gắn bó và quan tâm giữa con người với nhau.
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, tục lệ chia phần mang về sau khi ăn cỗ là nét văn hóa dân gian có từ lâu đời, gắn với đời sống làng xã truyền thống. Ở nông thôn xưa, khi tổ chức đám cưới, đám giỗ hay các lễ nghi lớn, gia chủ thường chuẩn bị mâm cỗ chu đáo, mời họ hàng, hàng xóm đến dự. Sau bữa ăn, khách sẽ được "gói phần" – một cách để mang lộc về nhà, thể hiện tình cảm lưu luyến, hiếu khách của chủ nhà.
"Cỗ bàn xưa kia rất hiếm, quanh năm người dân phải ăn cơm độn sắn, khoai,..., nên ai được khi ăn cỗ là đều mong muốn có phần để mang về cho con cháu. Đặc biệt khi đi ăn giỗ, phần mang về còn mang ý nghĩa là lộc của tổ tiên ban cho con cháu, để con cháu nhớ đến tổ tiên. Đây là một nét ý nghĩa rất đẹp", PGS.TS Lê Quý Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, PGS.TS Lê Quý Đức cũng nhận định rằng, trong đời sống hiện đại, việc "xin phần" hay "lấy phần" có thể gây tranh cãi, nhất là khi ứng xử thiếu tế nhị.
"Văn hóa mang tính truyền thống nhưng có thể có sự biến đổi. Điều quan trọng là giữ được tinh thần tốt đẹp của tục lệ, chứ không nên máy móc giữ nguyên hình thức cũ. Nếu cảm thấy không phù hợp, ta có thể chọn cách biểu đạt khác, như biếu quà, gửi lộc, mà vẫn giữ được sự gắn kết và nghĩa tình trong giao tiếp", PGS.TS Lê Quý Đức nói.
Video mọi người chia phần mang về khi đi ăn cỗ tại Hải Dương:
Nguồn: Phạm Quyến.