Cống hiến thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 18 tuổi, ông Nguyễn Xuân Tứ (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP Hà Nội) lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đứng giữa khó khăn, gian khổ, sự sống và cái chết gần kề nhưng ông và đồng đội, trong đó có nhiều người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội vẫn giữ khí phách kiên trung, 'quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh'.
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Năm 1967, ông Nguyễn Xuân Tứ nhập ngũ vào Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Năm 1968, trước bối cảnh miền Nam diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân ta nổi dậy, tiến công vào các cứ điểm của Mỹ, ngụy, đơn vị ông Tứ khi đó đang hành quân và ăn Tết ở Hòa Bình thì nhận được nhiệm vụ gấp của cấp trên là chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau khoảng 15-20 ngày hành quân, Trung đoàn 209 dừng chân ở chiến trường Tây Nguyên, nơi đang diễn ra các trận đánh ác liệt giữa quân ta và địch.
Nhiệm vụ của Trung đoàn 209 khi đó là đánh chiếm sân bay Kleng, làm bàn đạp tấn công sang phía đông thị xã Kon Tum nhằm chia cắt sự chi viện của đế quốc Mỹ bằng đường hàng không. Để tiếp cận được sân bay Kleng, đơn vị buộc phải vượt qua điểm cao M2 của dãy núi Chư Tan Kra có điểm cao 995 so với mực nước biển, dốc đứng, cây cối rậm rạp, nhiều tầng. Trong quá trình hành quân, Trung đoàn 209 gặp lính Mỹ đổ quân xuống núi. Tiểu đoàn 7 cạnh đó nên hai bên đã diễn ra chiến đấu. Đại đội 1 và Đại đội 3 làm nhiệm vụ chặn quân dịch trong hai ngày 23 và 24/3.
Quá trình trinh sát thực địa, đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch, chỉ huy Trung đoàn 209 giao Tiểu đoàn 7, cùng Đại đội 13 (của Tiểu đoàn 9) tăng cường cho Tiểu đoàn 7, đánh chiếm mục tiêu M2 trong đêm 25, rạng sáng 26/3/1968. Muốn tiếp cận được mục tiêu, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 phải bí mật cơ động trong đêm tối. Đến hơn 2h sáng, Tiểu đoàn 7 có mặt tại vị trí phục kích trên đỉnh núi Chư Tan Kra chờ lệnh.
Nhận hiệu lệnh tiến công, Tiểu đoàn 7 đồng loạt nổ súng, các loại hỏa khí, hỏa lực bắn xối xả vào điểm cao M2, nơi có quân Mỹ chiếm đóng. Bị tấn công bất ngờ, quân Mỹ hoảng loạn, sử dụng hỏa lực trên điểm cao bắn loạn xạ ra xung quanh. Bị tập kích bất ngờ, thiệt hại nặng, quân Mỹ co cụm trên đỉnh Chư Tan Kra cầu cứu chi viện. Chúng sử sụng máy bay ném bom, pháo bắn thẳng xuống trận địa của ta. Trận đánh kết thúc vào 7h ngày 26/3/1968. Kết quả, khoảng hơn 200 lính Mỹ bị tiêu diệt nhưng nhiều chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Tiểu đoàn 7 tiêu diệt gần hết một đại đội bộ binh và phá hủy phần lớn trận địa pháo của địch.
Trong chiến dịch này, ông Tứ bị thương ở đùi. Vết thương vừa lành, ông lại cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1972, đơn vị ông tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ, 150 ngày đêm chốt chặn Đường 13, thuộc địa bàn Tàu Ô, xóm Ruộng, huyện Chơn Thành (Bình Phước). Tại đây, sau một trận đánh không cân sức giữa ta và địch, ông Tứ bị thương nặng ở cánh tay, bả vai,… Năm 1973, ông được chuyển ra Bắc, sau đó về công tác tại Công ty Bao bì xuất nhập khẩu thuộc Bộ Ngoại Thương. Năm 1993, ông nghỉ hưu. Tại địa phương, ông làm chi hội trưởng Cựu chiến binh khu dân cư, phường Phúc Xá; Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố. Dù thời chiến hay thời bình, người thương binh 4/4 ấy vẫn luôn mong muốn được đóng góp sức mình cho sự phát triển của quê hương.
Đau đáu đi tìm đồng đội
Trở về đời thường, ông Tứ luôn đau đáu niềm mong ước đi tìm đồng đội đã ngã xuống trên đỉnh Chư Tan Kra. Cơ duyên đến với ông Tứ khi một số đồng đội của đơn vị năm xưa, gồm các cựu chiến binh Hồ Đại Đồng, Phạm Văn Chúc, Phạm Minh Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh (đều sinh sống tại Hà Nội) cùng chung mong muốn đi tìm những đồng đội đã hy sinh. 5 cựu chiến binh thống nhất thành lập tổ tìm kiếm đồng đội do ông Hồ Đại Đồng làm tổ trưởng. Các thành viên tham gia tự nguyện đóng góp tiền, công sức trong quá trình tìm kiếm.
Ông Tứ kể, trong chuyến đi đầu tiên, dù rất cố gắng nhưng các cựu chiến binh đã không thành công. Không nản lòng, những người thương binh mang trên mình đầy những vết thương của chiến tranh càng quyết tâm hơn với mong ước sớm đưa đồng đội về với quê hương. Không chỉ thu thập thông tin từ đồng đội cũ, tổ tìm kiếm đồng đội của 5 cựu chiến binh còn tìm hiểu, thu thập thông tin qua mạng xã hội. Cuối năm 2009, đầu năm 2010, tổ tìm kiếm liên lạc được với một số cựu quân nhân Mỹ từng tham gia trận đánh ở điểm cao M2, Chư Tan Kra. Họ đã cung cấp hình ảnh, bản đồ trận đánh, sơ đồ mộ chôn tập thể chiến sĩ của ta. Đó là địa bàn thuộc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Có được tư liệu quý, ông Tứ cùng các cựu chiến binh trong tổ tìm kiếm lại tiếp tục hành trình vào Tây Nguyên. Họ được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sa Thầy tạo điều kiện, hỗ trợ. Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, tổ tìm kiếm đã quy tập được hơn 200 hài cốt liệt sĩ. Sau khi giám định, những hài cốt xác định được danh tính, đều được tổ tìm kiếm liên lạc với người thân đưa về quê hương an táng. Những hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy. Năm 2009, nhằm tri ân những người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã đầu tư kinh phí xây dựng Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Hà Nội hy sinh ở mặt trận Bắc Kon Tum tại huyện Sa Thầy.
Hành trình đi tìm đồng đội của các cựu chiến binh đã làm sống dậy chiến công oanh liệt của những người con Hà Nội, giúp thế hệ hôm nay càng thêm trân trọng, biết ơn những công lao, hy sinh to lớn của quân và dân ta trong những năm tháng chiến tranh ác liệt để giành được nền độc lập, tự do cho dân tộc. Đây chính là động lực để mỗi người trẻ phấn đấu, tiếp bước truyền thống ông cha xây dựng quê hương, đất nước ngày một đẹp giàu.
“Đưa đồng chí, đồng đội của mình về với quê hương và gia đình, cuộc đời tôi mãn nguyện lắm rồi! Tôi cảm thấy hạnh phúc vì tuổi thanh xuân được cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, còn thời bình, tôi và đồng đội đã tìm thấy các đồng chí của mình ngã xuống tại chiến trường ác liệt năm xưa. Cuối cùng, lời hứa với đồng đội đã hoàn thành”, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tứ nghẹn ngào.
Với nghĩa cử nhân văn cao đẹp, 5 cựu chiến binh Hồ Đại Đồng, Nguyễn Xuân Tứ, Phạm Văn Chúc, Phạm Minh Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh đã được Thông tấn xã Việt Nam vinh danh, trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Năm 2017, ông Nguyễn Xuân Tứ được trao danh hiệu Điển hình tiên tiến, Người tốt việc tốt trong phong trào thi đua của Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội. Năm 2020, ông được Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công An tặng kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc.