Cống hiến vĩ đại của Ph. Ăng-ghen trong phong trào Cộng sản quốc tế

Không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại, cũng như Các Mác, Ăng-ghen đã đem nghị lực, trí tuệ sáng suốt và trái tim nồng cháy của mình tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm đấu tranh cho sự nghiệp của giai cấp công nhân. Tài năng của Ăng-ghen với tư cách một nhà chiến lược và sách lược cách mạng thể hiện xuất sắc trong các thời kỳ cách mạng 1948 - 1949 ở châu Âu, thời kỳ hoạt động của Quốc tế I và Công xã Paris.

Ph. Ăng-ghen sinh ngày 28-11-1820 trong một gia đình chủ xưởng dệt ở TP Barơmen, Vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức). Ông sinh sống, thâm nhập thực tiễn vào phong trào cách mạng ở nhiều nước khác nhau để tìm hiểu cuộc sống người dân. Xuất thân từ một gia đình tư sản, nhưng Ph. Ăng-ghen đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân. Ông là người bạn, người đồng chí gần gũi nhất của Các Mác, đã cùng Các Mác xây dựng nên chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Ph.Ăng-ghen đã dành tất cả con tim, khối óc, tình cảm và trí tuệ cho giai cấp vô sản. Ảnh tư liệu

Ph.Ăng-ghen đã dành tất cả con tim, khối óc, tình cảm và trí tuệ cho giai cấp vô sản. Ảnh tư liệu

Trong nhiều thập kỷ, Ph. Ăng-ghen ra sức nghiên cứu, tiếp thu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại, mà trước hết và trực tiếp là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp. Quá trình nghiên cứu lý luận luôn gắn chặt với thực tiễn phong phú, sinh động của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Từ đó, ông đã cùng với Các Mác, xây dựng nên một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, bao gồm triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Cái đặc sắc nhất là hai ông đã sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; phát hiện ra những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; xây dựng lý luận giá trị thặng dư chỉ ra các quy luật chi phối sự vận động, phát triển và diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Đây chính là vũ khí tư tưởng cho giai cấp công nhân; là những trụ cột của cả một hệ thống đồ sộ.

Rất nhiều tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa Mác là do Các Mác và Ăng-ghen cùng viết. Tiêu biểu nhất là “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Nhiều công trình nghiên cứu của Ăng-ghen là sự phát triển những tư tưởng hình thành trong quá trình trao đổi thường xuyên với Các Mác. Về phía mình, nhiều tác phẩm của Các Mác được viết với những ý tưởng và kiến thức của Ph. Ăng-ghen. Lê-nin cho rằng: “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăng-ghen”. Ăng-ghen còn sát cánh cùng Các Mác trong truyền bá tư tưởng cách mạng, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân, trở thành lãnh tụ của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nước châu Âu ở nửa cuối thế kỷ XIX. Lê-nin kết luận: “Sau bạn ông là Các Mác, Ph. Ăng-ghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”.

Ăng-ghen được ngưỡng mộ, kính trọng không chỉ bởi trí tuệ của một nhà bác học, lòng dũng cảm, nhiệt huyết của một chiến sỹ cách mạng vĩ đại, mà còn bởi phẩm chất cao cả thể hiện trong tình bạn, tình đồng chí khăng khít, thủy chung, cảm động, hiếm có với Các Mác. Người tự nhận mình là “cây vĩ cầm số 2” bên cạnh Các Mác. Lê-nin khẳng định: “Giai cấp vô sản châu Âu có thể nói rằng khoa học của mình là tác phẩm sáng tạo của hai nhà bác học kiêm chiến sỹ mà tình bạn đã vượt xa tất cả những gì là cảm động nhất trong những truyền thuyết của đời xưa kể về tình bạn của con người”.

Sau khi Các Mác qua đời, Ph. Ăng-ghen đã tập trung thời gian, công sức để thực hiện một công việc vô cùng nặng nề, hết sức khó khăn, mà chỉ ông mới có thể làm được, đó là chỉnh lý, biên tập và cho xuất bản tiếp tục các bản thảo còn lại của bộ “Tư bản” - tác phẩm lớn nhất, vĩ đại nhất của Các Mác. Lê-nin cho rằng, thông qua công việc quan trọng này: “Ăng-ghen đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang nghiêm, trên đó Ăng-ghen cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ được”. Ngoài ra, ông còn tiếp tục truyền bá sâu rộng những tư tưởng của Các Mác, đấu tranh bảo vệ và phát triển học thuyết Mác...

Ngày nay, mặc dù tình hình có nhiều thay đổi so với thời điểm đó, nhưng tư tưởng của Các Mác và Ph. Ăng-ghen về chủ nghĩa xã hội khoa học, vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về công tác xây dựng Đảng vẫn còn nguyên giá trị. Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là nền tảng tư tưởng và hành động cho các Đảng Cộng sản trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi “Chủ nghĩa Mác - Lênin là cái cẩm nang thần kỳ”; luôn vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, đưa cách mạng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là bằng chứng hùng hồn, khẳng định sự đúng đắn, vai trò và ý nghĩa to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà Ph. Ăng-ghen là một trong những lãnh tụ sáng lập.

Bản Sa

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cong-hien-vi-dai-cua-ph-ang-ghen-trong-phong-trao-cong-san-quoc-te-218898.html