Truyền lửa đam mê nâng chất tác phẩm

Không chỉ là nơi truyền lửa đam mê, sáng tác và hoàn thiện tác phẩm, Trại sáng tác kịch bản văn học năm 2024 còn mang đến cơ hội trao đổi chuyên môn nghề nghiệp để các nhà biên kịch, đạo diễn, tác giả tiếp tục tìm tòi cái mới, sáng tạo nên những tác phẩm chất lượng.

Ban tổ chức và các tác giả tham quan Bảo tàng Lâm Đồng - một hoạt động trong khuôn khổ Trại sáng tác kịch bản văn học năm 2024. Ảnh: CTV

Ban tổ chức và các tác giả tham quan Bảo tàng Lâm Đồng - một hoạt động trong khuôn khổ Trại sáng tác kịch bản văn học năm 2024. Ảnh: CTV

Trại sáng tác kịch bản văn học năm 2024 vừa khép lại tại Nhà sáng tác Đà Lạt (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Hoạt động này do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Sở VHTT&DL Lâm Đồng và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức, diễn ra trong 1 tuần. 26 nhà biên kịch, đạo diễn sân khấu, điện ảnh, truyền hình; nhà văn; nhà lý luận, phê bình đến từ 17 đơn vị trong cả nước tham gia trại sáng tác. Đây là cuộc sinh hoạt chuyên môn nghề nghiệp, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, truyền cảm hứng trong lĩnh vực sáng tác kịch bản văn học.

Sức mạnh của kịch

Theo PGS.TS - đại tá - nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sức hút của kịch rất lớn và rất quan trọng. Kịch đánh thức lương tâm, nhân bản trong mỗi con người, đánh thức bổn phận, nghĩa vụ trong mỗi người lính. Để chứng minh, PGS Nguyễn Thanh Tú kể về sức tác động mạnh mẽ từ vở kịch nổi tiếng của cố tác giả Đào Hồng Cẩm Đại đội trưởng của tôi đến những người lính đang làm nhiệm vụ trên chiến trường Campuchia đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, qua sóng truyền thanh, vở kịch Đại đội trưởng của tôi đã khích lệ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho những người lính. Ngoài Đại đội trưởng của tôi, sau này có những vở kịch tác động lớn đến suy nghĩ, cảm xúc của PGS Nguyễn Thanh Tú, như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Ông không phải là bố tôi của nhà biên kịch - nhà thơ Lưu Quang Vũ, Công lý không gục ngã của nhà biên kịch Lê Chí Trung, được cố đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Doãn Hoàng Giang dàn dựng...

Chia sẻ băn khoăn trước thực trạng kịch của Việt Nam còn “nghèo” vì thiếu tình huống, thiếu sức tưởng tượng, PGS Nguyễn Thanh Tú khẳng định: “Cái hay của kịch, trước hết là tạo ra những tình huống mới. Kịch bản phải bám sát đời sống, gạn lọc những gì là tinh chất của đời sống để trải ra tác phẩm”.

Điều mà những người quan tâm đến nghệ thuật sân khấu ưu tư, là thiếu kịch bản hay. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có hơn 200 hội viên cầm bút chuyên và không chuyên, tuy nhiên không nhiều tác giả có kịch bản được các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thường xuyên dàn dựng. Lễ trao Giải thưởng Sân khấu Việt Nam năm 2023 thiếu vắng giải A ở cả hai hạng mục chính: Vở diễn và Kịch bản văn học. Theo nhà viết kịch - TS Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của hội, kết quả này phần nào cho thấy diện mạo của nghệ thuật sân khấu trong năm qua.

Trại sáng tác là đòn bẩy

Đạo diễn - NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nói rằng một nền nghệ thuật sân khấu vững mạnh phải có dòng chủ lưu, đó là chính kịch; có những vở kịch mang tính tư tưởng, nói về con người nhưng gắn với thời đại, mang tầm thời đại. Kịch phải có hơi thở của đời sống; các nhà viết kịch không xa rời những vấn đề nóng hổi của cuộc sống, của thời đại.

Đồng quan điểm trên, nhà biên kịch - nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thu Phương (TP Hồ Chí Minh) khẳng định: “Kịch bản văn học phải đi ra từ đời sống”. Theo chị, những người viết kịch bản, nếu muốn đi theo con đường chuyên nghiệp, thì phải học hỏi, trau dồi rất nhiều. Trại sáng tác là đòn bẩy, điều quan trọng là sự đam mê, nỗ lực của chính các tác giả.

Nhà văn - nhà báo Lại Văn Long (TP Hồ Chí Minh) có nhiều cảm xúc khi lần đầu tiên tham gia trại sáng tác ngay trên quê hương ông, trong ngôi nhà sáng tác mà ông mơ ước bấy lâu nay. Theo ông, trại sáng tác là nơi các trại viên hoàn thiện tác phẩm, tìm kiếm ý tưởng, lên đề cương cho tác phẩm mới và giao lưu, trao đổi về chuyên môn. Tham gia trại sáng tác này, ông học hỏi được nhiều điều từ các đạo diễn sân khấu, nhà biên kịch giỏi nghề.

Chuyên sáng tác và dàn dựng các tiểu phẩm tuyên truyền, tác giả Trần Ánh Tuyết (Đắk Lắk) chia sẻ về những khó khăn trong công việc, về những tích lũy của chị sau khi nghe các đạo diễn, nhà biên kịch giỏi nghề trao đổi. Nhà văn - luật sư Nguyễn Thuận (Đà Nẵng) cho biết với sân khấu, ông là “dân ngoại đạo”. Ông tham gia trại sáng tác để lắng nghe, học hỏi. Từ thực tiễn công việc của một luật sư, ông nhận thấy mình có nhiều chất liệu để sáng tác kịch bản văn học, thông qua đó đấu tranh với cái ác, cái xấu.

Khẳng định sự thành công của trại sáng tác, PGS Nguyễn Thanh Tú đề xuất nên tăng thời gian tổ chức trại lên 10 ngày, để các trại viên có thêm thời gian đọc tác phẩm của nhau, giao lưu trao đổi và nắm bắt được nhiều hơn. Nhà biên kịch Hoàng Tiến Điểm (Đồng Nai) cho rằng Cục Nghệ thuật biểu diễn nên mời thêm những người giỏi nghề đến chia sẻ, trao đổi chuyên môn để định hướng, bồi dưỡng cho các trại viên. Nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương cho rằng trong thời gian diễn ra trại sáng tác nên có thêm những chuyến đi thâm nhập thực tế, tìm hiểu về văn hóa, đời sống của người dân địa phương để các tác giả có thêm chất liệu sáng tạo tác phẩm.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Văn học thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó trưởng ban tổ chức hy vọng qua trại sáng tác này, các tác giả sẽ có nhiều dấu ấn tốt đẹp về mảnh đất, con người nơi đây. Và các tác giả sẽ tiếp tục sáng tạo những tác phẩm có chất lượng trong thời gian tới.

Cái hay của kịch, trước hết là tạo ra những tình huống mới. Kịch bản phải bám sát vào đời sống, gạn lọc những gì là tinh chất của đời sống để trải ra tác phẩm.

PGS.TS - đại tá - nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú,

nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/321145/truyen-lua-dam-me-nang-chat-tac-pham.html