Cộng hòa Séc: Luật mới bảo đảm tính minh bạch thị trường dược

Kể từ ngày 1.6.2024, Cộng hòa Séc bắt đầu thi hành Luật Dược sửa đổi nhằm hạn chế tình trạng thiếu thuốc, đồng thời nâng cao hiệu quả của thị trường dược phẩm; cải thiện tính minh bạch và thắt chặt các quy định về xuất khẩu thuốc...

Cải cách quan trọng

Theo Bộ Y tế Cộng hòa Séc, luật mới thể hiện sự cải tổ đáng kể các quy định của ngành dược, được thiết kế để giúp thị trường dược nước này vững vàng trước những biến động tiêu cực.

Nguồn: Shutterstock

Nguồn: Shutterstock

Thứ trưởng Bộ Y tế Jakub Dvořáček phát biểu: “Việc sửa đổi Luật Dược không chỉ lấy bệnh nhân làm trung tâm, mà còn tăng cường đáng kể luồng thông tin giữa các bên tham gia thị trường. Đây là một trong những cải cách lập pháp về ngành dược quan trọng nhất trong những năm gần đây, giúp tăng cường khả năng phục hồi của thị trường dược trước tình trạng thiếu hụt và giảm thiểu tác động của nó đối với người dân”.

Một trong những thay đổi quan trọng theo luật mới là nghĩa vụ của người giữ giấy phép kinh doanh phải bảo đảm cung ứng đủ sản phẩm thuốc tương đương với nguồn cung trung bình từ 1 - 2 tháng trong trường hợp có sự gián đoạn hoặc ngừng cung cấp thuốc trên thị trường. Điều khoản này nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu hụt ngắn hạn, đồng thời cho phép cơ quan quản lý có thời gian giải quyết các vấn đề về nguồn cung dài hạn.

Luật cũng đưa ra quy định về “số lượng có hạn” đối với các loại thuốc có lượng dự trữ hiện tại không đủ để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và không thể thay thế đầy đủ bằng các loại thuốc khác có đặc tính điều trị tương tự. Khi một loại thuốc được Viện Kiểm soát dược phẩm nhà nước (SUKL) chỉ định là "số lượng có hạn", lệnh cấm xuất khẩu tự động sẽ được kích hoạt để bảo đảm lượng thuốc trong nước. Các hiệu thuốc và nhà phân phối hiện được yêu cầu báo cáo mức tồn kho và việc đặt hàng các loại thuốc này sẽ được quản lý chặt chẽ để tối đa hóa hiệu quả lẫn bảo đảm tính sẵn có trên toàn quốc.

Luật sửa đổi cũng nhằm cải thiện hệ thống kê đơn điện tử, được gọi là “eRecept”. Đối với các loại thuốc có số lượng hạn chế, bệnh nhân có thể xác định nhà thuốc nào còn thuốc dự trữ thông qua các báo cáo của eRecept. Ngoài ra, những cải tiến đối với hệ thống eRecept sẽ bao gồm khả năng xem hồ sơ thuốc của trẻ em bằng giấy tờ của người giám hộ hợp pháp hoặc cấp quyền truy cập dữ liệu của một người trên hệ thống eRecept cho người khác, nâng cao tính thuận tiện cho bệnh nhân.

Nỗi lo từ ngành dược

Trong khi Luật mới nhận được nhiều ý kiến tán thành, Hiệp hội các công ty dược (CAFF) vẫn bày tỏ lo ngại về những hậu quả khó lường có thể xảy ra. Một trong những vấn đề như vậy là tình trạng thiếu hụt thuốc được báo cáo có thể gia tăng do các công ty dược phải nỗ lực nhiều hơn để tuân thủ những nghĩa vụ mới và tránh bị phạt.

Ông Filip Vrubel, Giám đốc điều hành của CAFF cho biết: “Mặc dù chúng tôi hiện đang làm việc với các cơ quan quản lý để thiết lập các phương pháp ngăn chặn cảnh báo sai về tình trạng thiếu hụt thuốc, song vẫn có nguy cơ số lượng báo cáo sẽ gia tăng vì nhiều lý do khác nhau. Ông cảnh báo thêm, những báo cáo phòng ngừa này có thể tạo ra gánh nặng cho cả doanh nghiệp lẫn Viện SUKL, làm phức tạp thêm tình hình đối với bác sĩ và bệnh nhân. SUKL là cơ quan kiểm soát thuốc quốc gia của Cộng hòa Séc, có nhiệm vụ bảo đảm tất cả các loại dược phẩm dành cho người có trên thị trường trong nước đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn phù hợp về chất lượng, an toàn và hiệu quả.

CAFF cũng nhấn mạnh đến những rủi ro bên ngoài đối với nguồn thuốc sẵn có trong nước, đặc biệt khi Luật mới của Đức yêu cầu các nhà cung cấp phải duy trì lượng thuốc dự trữ trong 6 tháng để tham gia đấu thầu với các công ty bảo hiểm y tế của nước này. Hiệp hội lập luận rằng, yêu cầu trên đe dọa nghiêm trọng các thị trường nhỏ hơn.

Ông Vrubel nhận xét: “Yêu cầu tồn kho trong 6 tháng đối với tất cả các loại thuốc tiêu thụ ở Đức chiếm 25% toàn bộ nguồn cung của EU. Khối lượng này tương ứng với mức tiêu thụ thuốc hàng năm ở 11 quốc gia Trung và Đông Âu, bao gồm cả Cộng hòa Séc”. Ông cảnh báo, luật như vậy có thể làm cạn kiệt thuốc từ các thị trường nhỏ hơn nhằm đáp ứng các quy định của Đức, gây nguy hiểm đáng kể đối với nguồn cung thuốc cho bệnh nhân ở Cộng hòa Séc.

Thông qua Luật mới, Chính phủ Cộng hòa Séc cam kết giảm thiểu tác động của tình trạng thiếu thuốc. Bộ Y tế nước này nhấn mạnh, cơ sở dữ liệu cập nhật hàng ngày về tình trạng thiếu thuốc trên trang web của SUKL sẽ tiếp tục cung cấp thông tin quan trọng cho tất cả các bên liên quan. Sự minh bạch này là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm bảo đảm bệnh nhân có thể tiếp cận được các loại thuốc họ cần, bất chấp thách thức nảy sinh từ những thay đổi quy định nội bộ và áp lực từ thị trường bên ngoài.

Luật Dược mới của Cộng hòa Séc đánh dấu bước tiến đáng kể hướng tới thị trường dược phẩm hiệu quả và linh hoạt hơn, từ đó tăng cường chức năng của ngành dược phẩm trong nước.

Ngọc Minh (Theo Euractiv)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/cong-hoa-sec-luat-moi-bao-dam-tinh-minh-bach-thi-truong-duoc-i375785/