Cộng hưởng nỗ lực, tạo đà bứt phá

Hai sự kiện diễn ra liên tục gồm hợp long cầu Mỹ Thuận 2 và khởi công xây dựng cầu Đại Ngãi thực sự là niềm vui lớn của người dân ĐBSCL - vùng đất Chín Rồng hiền hòa, nghĩa tình. Với 2 công trình giao thông này, cục 'máu đông' trong giao thông khu vực lại thêm một lần nữa được phá.

Trước đó là việc đưa vào sử dụng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau hơn 10 năm xây dựng đã giúp miền Tây Nam bộ phá được một trong những cục “máu vón” lớn nhất trong huyết mạch giao thông của cả vùng và giúp rút ngắn thời gian đi lại từ thủ phủ miền Tây là TP Cần Thơ tới TPHCM còn khoảng 3 giờ thay vì 5 giờ như trước đây.

Cùng với đó là việc khởi công hàng loạt tuyến cao tốc khác như Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án cầu Rạch Miễu 2…, tất cả đã đem lại nhiều động lực phát triển mới cho vùng đất này.

Theo thông tin từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 2 năm 2022 và 2023, công nghiệp vùng Tây Nam bộ đã đón được nhiều dự án lớn. Có thể kể như dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ do 3 nhà đầu tư gồm Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDG Corp), Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP JSC) thực hiện. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.717 tỷ đồng với quy mô hơn 293 ha.

Hay như dự án nhà kho SLP Park Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long quy mô 29.000m2 phục vụ cho hoạt động logistics của khu vực. Hiện Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long cũng đang chuẩn bị khởi công giai đoạn 1 dự án Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long có tổng mức đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng…

Giao thông “đi trước một bước” là tối cần thiết cho sự phát triển nhưng… chưa đủ. Nhiều năm qua, miền Tây Nam bộ chậm phát triển so với nhiều vùng đất khác bên cạnh lý do hạ tầng kém phát triển còn có nhiều nguyên nhân khác.

Theo Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, miền Tây Nam bộ có 3 điểm yếu quan trọng, đó là “gia nhập thị trường”, “tính minh bạch” và “đào tạo lao động”. Đây là những chỉ số then chốt để nhà đầu tư quyết định có đầu tư hay không bởi lẽ doanh nghiệp muốn đầu tư vào môi trường minh bạch, đầu tư vào nơi có lao động được đào tạo và đầu tư vào nơi có thể gia nhập thị trường tốt.

Do đó, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh sự nỗ lực đầu tư về hạ tầng giao thông của Chính phủ cho miền Tây Nam bộ thì các địa phương ở đây cũng phải chuyển động mạnh mẽ. Cộng hưởng của 2 nỗ lực này mới tạo được sức mạnh to lớn giúp ĐBSCL bứt phá. Đây là việc không dễ bởi một thời gian dài vùng đất này đã bị tụt lại so với nhiều địa phương khác trên cả nước. Thế nhưng, đây là việc phải làm và phải làm thành công bởi đó là cách duy nhất đưa vùng đất Chín Rồng này phát triển.

Gần chục năm nay, dân số cơ học của miền Tây Nam bộ sụt giảm bởi nhiều người miền Tây phải rời quê lên TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ tìm việc… Xa quê nhưng chắc chắn ai cũng mong muốn được trở về quê làm việc…

Người dân miền Tây Nam bộ có thể “an cư, lạc nghiệp” ở chính quê mình hay không tất cả chờ sự chuyển bộ quyết liệt của các địa phương. Chính phủ đã tạo cơ hội, giờ là lúc các địa phương vùng ĐBSCL phải tăng tốc mới mong tạo được sự bứt phá và phát triển bền vững hơn!

NGUYỄN KHOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cong-huong-no-luc-tao-da-but-pha-post709941.html