Công khai minh bạch mọi hoạt động của UBND quận, phường
Trao đổi với PV Báo SGGP về những điểm quan trọng khi thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn (ảnh) khẳng định, chính quyền đô thị giúp TPHCM bước đầu thực hiện thống nhất về chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận, phường với TPHCM. Đồng thời, đảm bảo dân chủ và công khai minh bạch trong mọi hoạt động của UBND quận, phường.
Tăng phân cấp, ủy quyền
* PHÓNG VIÊN: Thực hiện chính quyền đô thị mang lại lợi ích ra sao và tác động đến người dân, doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
* Thứ trưởng Bộ Nội vụ TRẦN ANH TUẤN: Xây dựng chính quyền đô thị giúp huy động và giải phóng mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của TPHCM. Chính quyền đô thị có mục tiêu chung là tinh gọn hợp lý, năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tính tự chủ của chính quyền TPHCM trong quản lý và phát triển đô thị được nâng cao hơn; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền phù hợp với đặc điểm đô thị.
Quá trình tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM gắn với tiến tình xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh và gắn với cải cách hành chính. Qua đó, cũng tăng tương tác giữa chính quyền, cơ quan hành chính với người dân và giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp một cách nhanh gọn hơn.
Trong nhiều việc, người dân không cần phải đến cơ quan hành chính mà vẫn có thể sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện thủ tục hành chính, giúp giảm thời gian, giảm phiền toái. Để giảm tải và giải quyết nhanh công việc của dân, chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực bản sao các giấy tờ, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ…
Đặc biệt khi thực hiện chính quyền đô thị, các quận, phường không tổ chức HĐND. Nhằm bảo đảm dân chủ và công khai minh bạch trong mọi hoạt động của UBND quận, phường, các kết luận, quyết định của UBND quận, phường đều được đưa tin trên cổng thông tin điện tử của quận, phường. Chủ tịch UBND quận, UBND phường định kỳ phải tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân, cộng đồng dân cư, tổ dân phố về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng của người dân trên địa bàn. Kết quả đối thoại phải gởi đến HĐND, UBND cấp trên trước 7 ngày khai mạc kỳ họp thường kỳ gần nhất của HĐND TPHCM.
* Việc thực hiện chính quyền đô thị tại TP Thủ Đức có gì khác biệt so với các địa phương khác?
* Đối với TP Thủ Đức - TP thuộc TP trực thuộc trung ương đầu tiên của cả nước, nên các cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND TP Thủ Đức gồm 13 cơ quan chuyên môn, nhiều hơn các quận 1 cơ quan là Phòng Khoa học - Công nghệ. Bởi sứ mệnh của TP Thủ Đức là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao nên việc có thêm phòng này là rất cần thiết.
Tại TP Thủ Đức, số lượng cấp phó của các cơ quan chuyên môn là 3, nhiều hơn so với quy định chung 1 người. Về quản lý tài chính - ngân sách, TPHCM được quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp để bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP Thủ Đức. TP Thủ Đức được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Cán bộ, công chức phường là công chức
* Trong chính quyền đô thị, TPHCM không tổ chức HĐND quận, phường, vậy việc bổ nhiệm chủ tịch UBND quận, phường sẽ thực hiện ra sao?
* Mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM gồm có chính quyền địa phương ở TPHCM là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Đây là một cấp chính quyền. Trong khi đó, chính quyền địa phương ở quận và phường là UBND quận và UBND phường. Đây được xác định là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn quận, phường - 2 cấp hành chính, chứ không phải là 2 cấp chính quyền.
Vì vậy, UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong chính quyền đô thị, các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận, phường không còn là cán bộ do HĐND bầu nữa mà được chuyển sang công chức; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm sẽ do Chủ tịch UBND TPHCM quyết định. Ở cấp phường, chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường sẽ do chủ tịch UBND quận bổ nhiệm.
* Việc công chức phường sẽ thuộc biên chế công chức của UBND quận có thể được hiểu là công chức phường được lợi khi “nâng cấp” thành công chức cấp quận?
* Trước nay, theo Luật Cán bộ, Công chức, có 2 nền công vụ. Cán bộ, công chức cấp xã được tuyển dụng và sử dụng riêng, hoạt động khác với công chức từ cấp huyện trở lên. Cán bộ ở xã muốn chuyển lên các cơ quan của quận huyện, sở ngành thì phải qua các kỳ thi tuyển. Đó là có sự phân biệt. Thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM, một quan điểm quan trọng là phải đảm bảo một nền công vụ thống nhất, chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả.
Vì thế, từ ngày 1-7, cả chủ tịch, phó chủ tịch UBND và công chức phường đều được chuyển thành công chức thuộc biên chế của UBND quận, TP Thủ Đức và do quận, TP Thủ Đức quản lý, sử dụng; không ai là cán bộ nữa.
Đội ngũ công chức giữ vai trò rất quan trọng, để phục vụ người dân một cách tốt hơn. Trước giờ, việc cải cách hành chính chủ yếu lấy khâu đột phá là thủ tục hành chính mà quên mất yếu tố con người. Giờ đây, yếu tố con người được thể hiện rõ khi thực hiện chính quyền đô thị.
Đây là một bước chuyển mới, không còn sự phân biệt và là nội dung rất quan trọng. Đó chính là bước đầu thống nhất về chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận, phường với TPHCM; giúp việc quản lý, sử dụng công chức một cách tốt nhất.
Trong mô hình chính quyền đô thị, HĐND TPHCM được bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, phường như: quyết định các vấn đề về ngân sách quận; giám sát hoạt động của UBND quận, phường và tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân quận; lấy phiếu tín nhiệm chủ tịch UBND quận... Nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động khi nhận thêm nhiệm vụ, mỗi ban (4 ban) thuộc HĐND TPHCM được bổ sung 1 ủy viên hoạt động chuyên trách. Bên cạnh tiền lương, người này được hưởng phụ cấp chức vụ bằng trưởng phòng cấp sở.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cong-khai-minh-bach-moi-hoat-dong-cua-ubnd-quan-phuong-725215.html