Công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tiền công đức

Hàng năm, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đón hàng triệu du khách về dâng hương, công đức tại các đền và vấn đề quản lý tiền công đức luôn được Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch, đúng quy định trong quản lý, sử dụng tiền công đức.

Du khách ghi tiền công đức tại Đền Giếng, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Những ngày này, càng đến gần ngày Giỗ Tổ, lượng du khách về Khu Di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng tăng. Khi vào lễ tại các đền, hầu như ai cũng đặt tiền vào đĩa hoặc bỏ vào hòm công đức đặt ở cạnh các ban thờ. Cầm tiền lễ trên tay, đến các ban thờ tại Đền Giếng, chị Nguyễn Thị Vân, du khách đến từ Hà Nội cũng đặt một tờ tiền lễ lên đĩa và một tờ vào hòm công đức.

“Khi đến các đền, gia đình cũng chuẩn bị lễ vật, công đức tiền. Tiền công đức tuy nhỏ những tôi rất mong số tiền mình được sử dụng đúng mục đích, góp phần tôn tạo Khu Di tích ngày càng đẹp và khang trang hơn” - chị Vân chia sẻ.

Cùng quan điểm với chị Vân, bà Hà Thị Chi, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Mọi người đi lễ hội đều có chút lòng thành công đức, mỗi người một ít nhưng nhiều người góp lại cũng thành nhiều. Vì vậy, tôi chỉ mong cơ chế thu, chi tiền công đức phải chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả”.

Theo Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, hiện nay trong Khu Di tích có khoảng 20 hòm công đức đặt tại các đền. Nắm bắt tâm tư của du khách được biết, việc trông giữ và quản lý tiền công đức được Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện rất chặt chẽ từ nhiều năm qua.

Chị Đinh Thị Như Chính - phụ trách quản lý tại Đền Giếng, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chia sẻ: Tại các đền trong Khu Di tích đều có các tổ làm nhiệm vụ quản lý tiền công đức, thành phần bao gồm: Đại diện Phòng Kế hoạch Tài vụ, Phòng Quản lý di tích, văn hóa, lễ hội, Phòng Bảo vệ và Quản lý rừng. Đối với tiền lễ tại các đền, đầu giờ hàng ngày, các thành phần tham gia ký, dán niêm phong và khóa hòm đựng tiền lễ, cùng thực hiện giám sát thu tiền lễ trong ngày. Khi số tiền trên các đĩa đầy cùng nhau thu tiền cho vào hòm đựng tiền lễ. Hết giờ hàng ngày, trước khi đóng cửa đền, các bộ phận tham gia mở niêm phong, mở khóa hòm đựng tiền lễ, thu tiền cho vào bao đựng rồi niêm phong bao đựng tiền đem về trụ sở Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cùng kiểm, đếm, lập biên bản, ký tên, nộp tiền cho thủ quỹ.

Theo Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, không phải khi Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thu - chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội có hiệu lực việc quản lý tiền công đức, tài trợ mới được tổ chức quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch. Thực tế, từ năm 2021, để quản lý nguồn thu từ tiền công đức, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 26/2021/QĐ-UBND Quy định cơ chế quản lý tài chính Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Trên cơ sở đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã xây dựng Quy định về việc tổ chức thu tiền lễ, tiền công đức tại các khu vực Đền trong Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; phân công cán bộ phụ trách, mỗi khu vực tiếp nhận công đức đều có các camera giám sát.

Nguồn công đức bằng giấy tờ có giá trị, trí tuệ, hiện vật, công trình, ngày công lao động, đá quý, kim loại quý quy định: Khu Di tích đề xuất thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, ghi nhận công đức bằng hình thức phù hợp trình UBND tỉnh quyết định...”.

Thống kê từ năm 2020 đến nay, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng tiếp nhận gần 50 tỉ đồng tiền công đức bao gồm: Tiền lễ, tiền hòm công đức và tiền ghi phiếu công đức. Để quản lý nguồn thu, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã và đang thực hiện nghiêm các quy định hiện hành.

“Điểm 2, Điều 2, Quy định cơ chế quản lý tài chính của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng quy định: Thu hoạt động sự nghiệp từ nguồn thu công đức bằng tiền (không bao gồm các khoản thu dịch vụ) giao Khu Di tích lịch sử Đền Hùng quản lý (tổ chức thực hiện thu) gồm: Số thu từ ghi phiếu công đức, tiền hòm công đức, tiền đặt lễ tại tất cả các đền trong Khu Di tích, được để lại đơn vị 35%/tổng số thu và nộp 65%/tổng số thu còn lại vào ngân sách tỉnh.

Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang khẳng định: Toàn bộ tiền công đức được Khu Di tích lịch sử Đền Hùng hạch toán vào sổ sách theo quy định của Nhà nước. Trong đó, 35% tiền công đức được để lại bảo đảm chi thường xuyên được đơn vị chi cho các nhiệm vụ: Trả lương, lương lao động hợp đồng, thù lao cho ông Từ, mua lễ vật hàng ngày... Toàn bộ các khoản thu, chi đều có sổ sách kế toán, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo các quy định hiện hành.

Theo Quy định cơ chế quản lý tài chính của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, nguồn thu 65% nộp ngân sách Nhà nước cũng được quy định sử dụng cụ thể vào các việc như: Duy tu bảo dưỡng các tuyến đường; vận hành hệ thống trạm biến áp, trạm bơm, chi hoạt động Giỗ Tổ hàng năm...

Việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tiền công đức của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã và đang góp phần xây dựng hình ảnh Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm là lễ hội kiểu mẫu của cả nước, điểm hội kết, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//den-hung/cong-khai-minh-bach-trong-quan-ly-su-dung-tien-cong-duc/192252.htm