Công khai, minh bạch trong quy hoạch
Trong bối cảnh nhiều diễn biến 'nóng' về đất đai xảy ra ở nhiều nơi, việc sáng 30/5/2022, các cơ quan chức năng của Quốc hội công bố kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đã được đông đảo cử tri cả nước dành sự quan tâm đặc biệt.
Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022, được đánh giá là điểm nhấn trong công tác giám sát của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Rất ngẫu nhiên là cùng ngày, báo chí thông tin Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã yêu cầu Bí thư và Chủ tịch UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) kiểm điểm trách nhiệm do để xảy ra nhiều sai sót, hạn chế, mà một trong những “sai sót, hạn chế” được nêu rõ là “còn chồng chéo trong quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác”.
Công khai, minh bạch là chìa khóa của thành công.
Cũng ngẫu nhiên, bên lề kỳ họp của Quốc hội, liên quan đến tình trạng Hà Nội nhiều nơi “phố bỗng thành sông” vào ngày 29/5/2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết một trong những bài toán mang tính ứng phó với tình trạng ngập này là “cần một dự án tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp được”.
Hai sự việc xảy ra ở hai địa phương nhưng cùng liên quan đến vấn đề qui hoạch, mà cụ thể là trách nhiệm với công tác qui hoạch (ở huyện Kon Plông) và tầm nhìn trong qui hoạch (ở Hà Nội). Đó cũng chính là những vấn đề rất “nóng” đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, nay được đưa ra bàn thảo trên nghị trường.
Luật Quy hoạch (được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 24/11/2017; hiệu lực từ ngày 1/1/2019) là nỗ lực lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Kể từ khi luật này đi vào thực tiễn đã thực sự là bản lề quan trọng cho công tác quy hoạch. Nhưng qua giám sát, nhiều vấn đề của thực tiễn đã cho thấy không ít bất cập.
Ngay trên diễn đàn của kỳ họp Quốc hội lần này, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) chỉ ra một bất cập trong công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Cụ thể là một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả. Có việc công bố công khai thông tin quy hoạch còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất và quyền xây dựng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) thì đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những tác động tiêu cực của các tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện từ khi luật này có hiệu lực đến nay. Theo ông Thông, chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, nhất là việc điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi nhỏ, quy mô nhỏ liên quan việc triển khai các thủ tục đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) thì đề nghị quy định chặt chẽ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp các ngành, quy định rõ đến từng bước quy hoạch, đảm bảo việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Thực tiễn bao giờ cũng diễn ra sinh động, nên các định chế pháp luật trong lĩnh vực nào theo thời gian cũng cần có những điều chỉnh để phù hợp. Nhưng quan trọng hơn đó lại là việc áp dụng luật vào thực tiễn.
Chậm công khai hay thông tin mù mờ về quy hoạch cũng là một ví dụ về bất cập trong áp dụng Luật Quy hoạch. Trong tình trạng này, quyền tiếp cận thông tin của người dân khó để thực sự được coi trọng và cũngchính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai", gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai tại một số địa phương.
Rất đáng mừng là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp các ngành, địa phương đối với công tác quy hoạch đã được “mổ xẻ” tại kỳ họp này của Quốc hội.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quy hoạch còn là một trong những kế sách để kỳ vọng phòng chống hiệu quả hành vi trục lợi từ đất đai.