Công khai minh bạch trong thực hiện
Trao đổi với Đại Đoàn Kết về Nghị định 135/2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Tăng tuổi hưu, phải quy định hết sức chặt chẽ tiêu chuẩn, điều kiện để công khai, minh bạch. Quan trọng là không để cho người lao động, chủ sử dụng lao động áp dụng Nghị định một cách tùy tiện mà phải đảm bảo một cách thống nhất, đồng bộ, đảm bảo quyền lợi ích của người lao động.
PV: Ông đánh giá thế nào về Nghị định 135 hướng dẫn vấn đề tăng tuổi hưu đang được dư luận quan tâm?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, Nghị định hướng dẫn thực hiện vấn đề tăng tuổi hưu phải tuân thủ nguyên tắc nội dung cơ bản của các điều luật đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, kể từ 1/1/2021 hằng năm với nam sẽ tăng thêm 3 tháng, nữ 4 tháng để đến khi nam đạt đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi đủ tuổi hưu. Đó là những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Còn đối với những người làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, vùng sâu, vùng xa biên giới theo quy định của Bộ Luật Lao động thì phải được giảm thời gian làm việc tối đa không quá 5 năm. Đây chính là một trong những điểm hết sức lưu ý vì người lao động có ý kiến rất nhiều. Hay như nhóm mầm non, mẫu giáo, trong Luật không quy định, nhưng mình phải tính toán. Vì vậy, nghị định cần linh hoạt, cụ thể, lấy ý kiến của các ngành, đặc biệt người lao động ở lĩnh vực có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đặc biệt, cần có tính đồng bộ của cả hệ thống pháp luật, vì luật về tuổi nghỉ hưu vận dụng không chỉ là cán bộ công chức, viên chức, người lao động mà kể cả áp dụng cho cả lực lượng vũ trang. Hay với người có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao, có năng lực quản lý, có nhu cầu làm việc tăng thêm nhưng tối đa không quá 5 năm.
Như vậy là có ngành muốn tăng tuổi hưu, có ngành lại muốn nghỉ sớm, vậy làm sao để hài hòa giữa các ý kiến còn khác nhau này?
- Phải quy định hết sức chặt chẽ tiêu chuẩn, điều kiện để công khai, minh bạch. Quan trọng là không để cho người lao động, để chủ sử dụng lao động áp dụng Nghị định một cách tùy tiện mà phải đảm bảo một cách thống nhất, đồng bộ, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động. Thậm chí dưới nghị định cần có Thông tư của Bộ LĐTBXH hướng dẫn cân nhắc sao cho đúng. Mục tiêu là đáp ứng yêu cầu, đúng tinh thần của Bộ Luật Lao động.
Liệu việc tăng tuổi hưu có khiến người trẻ mất cơ hội việc làm, nhất là trong điều kiện chúng ta đẩy mạnh tinh giản biên chế như hiện nay không thưa ông?
- Việc tăng tuổi hưu không phải chỉ Việt Nam thực hiện mà là xu hướng chung của thế giới. Vả lại chúng ta tăng theo lộ trình. Bởi giả sử nếu tăng quá nhanh sẽ đẩy một loạt lao động trẻ, khỏe ra khỏi dây chuyền sản xuất là rất nguy hiểm. Chỉ tăng dần như vậy để thị trường lao động thích nghi dần. Tăng 3 tháng một sẽ không tác động quá nặng, không gây áp lực cho thị trường lao động. Lao động trẻ sẽ không mất cơ hội việc làm như khi anh áp ngay việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-khai-minh-bach-trong-thuc-hien-524829.html