Công khai quản lý nợ công sẽ hạn chế rủi ro cho đầu tư phát triển
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, công tác quản lý, huy động và trả nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2019 đã đạt nhiều kết quả tích cực, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN).
Năm 2019, công tác quản lý nợ công của Bộ Tài chính về cơ bản đã thực hiện tốt mục tiêu tổ chức huy động vốn, với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý cho đầu tư phát triển.
Bộ Tài chính đã thực hiện tốt việc huy động vốn cho NSNN, đồng thời chủ động tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ (TPCP), gắn việc tổ chức phát hành TPCP với tiến độ trả nợ gốc và giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó, danh mục nợ TPCP đã cải thiện theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm lãi suất bình quân, đa dạng cơ cấu nhà đầu tư, góp phần phát triển thị trường TPCP hoạt động an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường tiếp tục cải thiện, các tổ chức phi ngân hàng ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thị trường. Tỷ lệ nắm giữ TPCP của các tổ chức tài chính phi ngân hàng tăng dần, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại giảm dần, đạt mục tiêu sớm trước 2 năm đề ra. Đến nay, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các tổ chức tài chính phi ngân hàng đạt trên 59% vượt mục tiêu đề ra là 50% TPCP vào năm 2020.
Đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, định kỳ công khai đầy đủ và kịp thời các thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ,... làm cơ sở để các bộ ngành, địa phương, chủ dự án và các doanh nghiệp đề xuất dự án mới. Ngoài ra, để công tác này đạt hiệu quả cao, Bộ Tài chính thường xuyên thực hiện giám sát hạn mức vay ODA và vay ưu đãi cho đầu tư phát triển cho giai đoạn trung hạn 2016-2020...
Qua đó, tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh của Chính phủ giảm đáng kể từ năm 2016, do thực hiện siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án của doanh nghiệp vay mới được bảo lãnh của Chính phủ trong và ngoài nước, đồng thời một số dự án được bảo lãnh đã thực hiện trả nợ trước hạn. Theo đó, dư nợ bảo lãnh Chính phủ so với GDP đã được giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015.
Nhiệm vụ trọng tâm về quản lý nợ công
Để góp phần thực hiện mục tiêu, chủ trương, giải pháp về quản lý nợ công năm 2019, Bộ Tài chính xác định các nhiệm vụ trọng tâm về quản lý nợ công trong thời gian tới như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo và chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ.
Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư công, thủ tục giao vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn, thủ tục đấu thầu, mua sắm, bố trí vốn đầu tư…, qua đó thúc đẩy đầu tư công, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, trong đó có vốn vay.
Ba là, tổ chức đối chiếu, rà soát, đánh giá, tổng hợp nhu cầu vay của các Bộ ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng vốn vay công để dự báo tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ sau năm 2020; triển khai các công cụ quản lý nợ chủ động phục vụ việc xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn 2021-2025 để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bốn là, tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường TPCP cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và mở rộng cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu. Nghiên cứu, báo cáo Quốc hội về quản lý việc phát hành TPCP theo hướng đảm bảo kỳ hạn phát hành bình quân của cả năm trong khoảng từ 6-8 năm, gắn việc phát hành TPCP với phát triển thị trường trái phiếu.
Năm là, xây dựng Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nợ công nhằm hiện đại hóa công tác quản lý nguồn vốn vay nước ngoài thông qua nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, bảo đảm thường xuyên, kịp thời cập nhật việc đàm phán, ký kết, huy động vốn vay, tình hình giải ngân và trả nợ công.
Sáu là, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.