Công khai thông tin quy hoạch để không còn sốt đất ảo
Tình trạng sốt đất ảo do thiếu thông tin quy hoạch đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước thời gian qua.
Ngậm quả đắng vì mua đất quy hoạch mập mờ
Đầu tháng 3/2022, khi cơn sốt đất nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội vẫn đang đà tăng, chị Nguyễn Thúy Minh (Hà Nội) có đặt cọc mua mảnh đất hơn 1.000m2, giá hơn 5 tỷ đồng tại huyện Lương Sơn - Hòa Bình. Tuy nhiên, sau khi chuyển số tiền cọc 300 triệu, hẹn 15 ngày sau sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại thì một số “cò” đất rỉ tai thông tin là mảnh đất chị Minh mua đã dính quy hoạch. Quá hoang mang, chị Minh bắt đầu quay lại Lương Sơn để tìm hiểu thông tin vì ngày vào tiền đất đến gần. Sau khi tìm hiểu qua các “cửa” như Phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Quản lý đô thị huyện Lương Sơn, thậm chí mất rất nhiều “phí” để kiểm tra, nhưng tất cả những thông tin về quy hoạch quy hoạch của lô đất còn rất “mù mờ”. Cuối cùng, chị Minh đành bỏ cọc 300 triệu lô đất này. Bởi theo chị, nếu vào tiền mảnh đất giá hơn 5 tỷ đồng trong khi không rõ vào quy hoạch như thế chẳng khác nào chơi một canh bạc rủi ro.
Câu chuyện mất cọc 300 triệu của chị Minh cũng chỉ là một trong những “nạn nhân” của việc quy hoạch đất đai chưa công khai, minh bạch.
Vào tháng 2/2021, cũng đã có hàng trăm người “ôm trái đắng” khi ôm đất dự kiến “ăn theo” quy hoạch sân bay Téc-níc tại Hớn Quản - Bình Phước. Cụ thể, ngay sau thông tin UBND tỉnh Bình Phước có chuyến khảo sát thực địa tại Hớn Quản vào ngày 19/2/2021 để có cơ sở đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và Chính phủ cho phép xây dựng sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng). Chỉ sau chuyến thực địa này, qua các kênh đồn thổi của cò đất, hàng trăm, hàng nghìn người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, thậm chí cả ngoài Hà Nội và các tỉnh phía bắc đổ xô vào Hớn Quản để mua đất. Giá đất trong một tuần có khi nhân hai, ba lần.
Cơn sốt ảo này khiến giá đất mặt tiền ở các tuyến đường liên xã tại An Khương trước Tết từ 60-70 triệu đồng một mét ngang, đầu tháng ba tăng lên 350 đến 500 triệu đồng mét ngang, có nhiều nơi lên đến 600 triệu đồng. Giá đất rẫy điều, vườn cao su ở sâu bên trong rẻ hơn, trung bình một sào đất nông nghiệp bán 2-3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cuối cùng theo UBND huyện Hớn Quản, dự án làm sân bay mới chỉ dừng lại ở việc các cơ quan chức năng đi khảo sát thực địa. Cơn sốt đất "chóng vánh" quét qua địa phương này khiến nhiều nhà đầu tư và thị trường choáng váng khi chỉ diễn ra trong khoảng 2 tuần. Và đến nay, khi dự án sân bay tại Hớn Quản vẫn chỉ đang ở giai đoạn “nghiên cứu”, hàng trăm nhà đầu tư sau cùng vẫn còn “ôm hàng” chưa đẩy đi được.
Thông tin quy hoạch cần được công khai, minh bạch
Có thể thấy nguyên nhân dẫn đến "sốt đất" tại nhiều địa phương thời gian qua chủ yếu xuất phát từ các thông tin truyền miệng của giới đầu tư và cả lực lượng cò đất chứ không phải dựa trên các căn cứ về quy hoạch cụ thể, rõ ràng.
Vấn đề này đã được nhiều đại biểu quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Các đại biểu cho rằng do thiếu thông tin quy hoạch nên dẫn đến tình trạng "sốt ảo" đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường và hiện vẫn còn tình trạng quy hoạch treo.
Đại biểu quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho biết, theo thống kê, còn quá ít người dân biết đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi mình cư trú. Năm cao nhất chỉ có 20% người dân được hỏi biết đến nội dung này, trong khi đó năm thấp nhất chỉ có 12%.
Số người dân được hỏi về việc đã từng đóng góp ý kiến kế hoạch sử dụng đất tại nơi họ cư trú năm cao nhất chỉ là 7%, năm thấp nhất chỉ là 2,8%.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng việc công khai quy hoạch vẫn còn hạn chế. Việc công bố công khai thông tin thu hoạch một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả. Trên thực tế cho thấy, công tác công bố công khai thông tin quy hoạch nói chung thực sự còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp cho ủy ban nhân dân hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định vấn đề trên sau khi thống nhất với các bộ quản lý chuyên ngành nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, kiến tạo và thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Thực tế, việc công khai minh bạch thông tin quy hoạch không phải là khó. Một số địa phương đã quyết tâm làm tốt, tuy nhiên con số này còn khá khiêm tốn.
Cụ thể tại Vĩnh Phúc, 28 dự án chưa được phép chuyển nhượng, chưa được phân lô bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở… đã được Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc chính thức công bố trên trang thông tin điện tử và phổ biến đến tận cấp xã, phường.
Như vậy, với việc công khai thông tin này, người dân có thể tìm hiểu rõ từng dự án trước khi đầu tư để hạn chế những rủi ro, tranh chấp pháp lý trong tương lai.
Ông Lê Đức Thế, Trưởng phòng Quản lý nhà, Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, cho biết: Việc này nhằm minh bạch các thông tin về các dự án bất động sản, theo đó các dự án này phải xây dựng nhà ở trước khi chuyển nhượng, đồng thời đây cũng là giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát triển ổn định, lành mạnh, tránh xảy ra nguy cơ bong bóng bất động sản.
Tại Hải Phòng, việc công khai thông tin quy hoạch không chỉ giảm tình trạng sốt đất ảo, mà còn là giải pháp để khắc phục những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư vào phát thị trường bất động sản trên địa bàn. Ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng nói: “Trong năm 2022, chúng tôi sẽ số hóa và đưa toàn bộ thông tin quy hoạch Hải Phòng lên mạng. Người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin thông qua các thiết bị điện tử thông minh, các website”.
Nguyễn Duyên