Tại Vilnius (Lithuania) và Lublin (Ba Lan), 2 "cổng không gian" được xây dựng để đem lại kết nối giữa người dân của hai thành phố trong thời dịch bệnh. Không chỉ có ý nghĩa đặc biệt, chiếc cổng này còn có thiết kế thú vị, như đến từ những bộ phim viễn tưởng. Ảnh: Benediktas Gylys Foundation.
2 cánh cổng có dạng tròn, được lấy cảm hứng từ "bánh xe thời gian" và cổng dùng để dịch chuyển xuyên thời gian, không gian trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng. Tại Vilnius, công trình nằm gần ga tàu Vilnius, còn tại Lublin, nó tọa lạc ở Plac Litewski.
Hai thành phố này vốn có kết nối đặc biệt trong lịch sử, khi Hiệp ước Lublin được ký vào 1/7/1569 giữa Ba Lan và Luthuania tại thành phố cùng tên. Công trình này được coi là biểu tượng thể hiện sự đoàn kết, tương thân tương ái.
Màn hình trên cánh cổng cho thấy cuộc sống ở hai thành phố, với tầm nhìn mô phỏng cách các nhà du hành vũ trụ nhìn xuống Trái Đất. Khi đó, tất cả thế giới hòa thành một khối, không chia rẽ.
Hiện tại, cánh cổng được tắt tiếng, do khó duy trì âm thanh 24/7. Tuy nhiên, vào những dịp đặc biệt, cổng sẽ được mở loa để người dân hai bên có thể chuyện trò, giao lưu.
Người đứng sau dự án này là Benediktas Gylys và Trung tâm Sáng tạo - Đổi mới thuộc Đại học Kỹ thuật Vilnius Gediminas. Dự án mất đến 5 năm để hoàn thiện và được ra mắt trong đại dịch, khi việc di chuyển giữa các quốc gia trở nên khó khăn, con người cảm thấy bị cô lập và khát khao kết nối hơn.
Công trình kết nối Vilnius và Lublin là thành quả đầu tiên của dự án, nhưng không phải cuối cùng. Những người thực hiện hy vọng có thể kết nối 10 thành phố trên khắp thế giới, với hai cổng được lên kế hoạch ra mắt sớm, một ở Reykjavik, Iceland và một ở London, Anh.
An Ngọc
Theo Bored Panda