Công Lý: Cát sê 'Hướng dương ngược nắng' không đủ để tôi mua hàng hiệu!
NSND Công Lý cho hay, với vai ông Vụ trong 'Hướng dương ngược nắng' anh đã ngốn khoản tiền tương đối để mua sắm quần áo hàng hiệu.
Vai diễn càng bị ghét càng thích
- Phim Hướng dương ngược nắng có nhiều tình huống tranh cãi, nhiều phân đoạn bị cho là còn có sạn và không thực tế, như cảnh nhân viên túm tụm xem clip của Châu, từng làm Phó đạo diễn anh thấy phân cảnh đó như thế nào?
Tôi nghĩ tình huống trong phim như thế là bình thường, có gì mà không thực tế đâu nhỉ? Thực tế nếu ở ngoài xã hội, ai đó có clip bị lộ thì người ta cũng túm tụm vào xem thôi. Kịch bản cho thấy, bố con ông Vụ cố tình làm thế chứ không phải vô tình làm hại uy tín của bà Cúc và Châu. Điều này là đạo diễn muốn đẩy kịch tính lên cao, clip đấy là át chủ bài của bố con ông Vụ.
Hiệu ứng của đám nhân viên mà làm cho Châu tức, tuyên bố sẽ kiện ra tòa thì đúng là mục đích của bố con ông ta rồi. Đấy chỉ là một mắt xích để đường dây đi tiếp thôi chứ không phải gượng ép gì cả. Tôi thấy điều đấy nó phù hợp với kịch tính của phim, và sau đấy như thế nào mới quan trọng.
- Khác với hình ảnh "Cô Đẩu" duyên dáng trong Gặp nhau cuối năm, anh có thấy hình ảnh Công Lý trong Hướng dương ngược nắng khiến nhiều người ghét cay ghét đắng mình?
Tôi là một diễn viên được diễn đa dạng các vai thì còn gì bằng. Với tôi, làm vai nào người ta càng ghét tôi càng thích.
- Nhân vật của anh sắp tới còn những mưu mô nguy hiểm cỡ nào?
Tôi cũng chưa biết số phận của bố con nhà ông Vụ đi đến đâu, vì kịch bản chưa viết xong. Tuy nhiên, những đấu đá của ông Vụ và bà Cúc vẫn đang ở thế cân bằng. Khi mà bà Cúc lên Tổng giám đốc và ông Vụ chỉ là Phó tổng thôi, thì đúng ra cái tuyến của Vụ và Vĩ cho dừng lại, coi như hết vai. Nhưng có lẽ do hiệu ứng của khán giả mà biên kịch cho vai của tôi vẫn còn dài.
- Trang phục của ông Vụ khác hẳn với trang phục ở ngoài đời của Công Lý, anh đã "ngốn' bao nhiêu tiền cho phần phục trang? Ai là người tư vấn cho anh?
30 năm làm nghề, đây là phim đầu tiên tôi được ăn mặc đẹp đẽ, lại còn toàn nhân vật ăn chơi, có khi luộm thuộm, khổ ải chứ không hẳn là lịch sự như ông Vụ trong phim Hướng dương ngược nắng.
Đoàn làm phim có người phụ trách trang phục và có cả đơn vị tài trợ trang phục nên gần như diễn viên trong đoàn không phải lo lắng tới vấn đề phục trang. Riêng tôi, khi người phụ trách trang phục lại báo rằng, đơn vị tài trợ trang phục chỉ lo cho vai của Hồng Đăng, Việt Anh là hợp còn vai ông Vụ của tôi thì không hợp lắm. Tính ông Vụ là người hơi lòe loẹt nên phục trang không đơn thuần là công sở. Tôi bảo thôi đành, thế nên tôi phải tự lo.
Tôi có nói chuyện và vợ tôi đầu tư sắm cho tôi hết. Thế nào cô ấy "chịu chi" cho tôi sắm toàn đồ hiệu đến độ đến đoàn làm phim, Việt Anh và Hồng Đăng còn gọi tôi là "ông hoàng đồ hiệu". Biệt danh trong phim này thôi vì bình thường tôi ít khi mặc những đồ như thế, tính tôi đơn giản mà, trừ những cuộc họp hành hay những sự kiện cần sự chỉn chu mới diện vest hay sơ-vin, còn lại tôi thích áo phông quần bò cho thoải mái.
- Tiền cát - xê đóng phim có đủ để vợ mua hàng hiệu cho anh?
Chắc chắn là không đủ, nhưng vợ tôi tính cẩn thận nên cứ đầu tư thế, đầu tư thì mình mặc thôi. Vợ tôi lúc nào cũng bảo: Áo chục triệu, thắt lưng hai mấy triệu nhé! Đầu tư cho anh thế chứ em muốn mua cho mình lúc nào cũng nâng lên đặt xuống mãi mới dám mua. Có khi đợi giảm giá thật sâu em mới dám mua đấy!". Lần nào cô ấy mang món đồ hiệu nào về cũng nói thế.
Thôi đành vậy, mua mình mặc chứ sao mà phải tính toán. Còn tôi già rồi cũng phải thay đổi ngoại hình chút thôi. Phim đóng máy bộ nào không hợp thì tặng lại bạn bè, cái nào hợp để dùng dần vậy.
Coi Hồng Diễm là thần tượng
- Ở Nhà hát Kịch Hà Nội anh làm sếp của NSND Thu Hà, nhưng trong phim lại làm lính. Những cảnh đối đầu với nhau trong phim anh có thấy bị khó diễn?
Thực ra khi đóng cùng nhau, chúng tôi không cảm giác ai là sếp ai là nhân viên cả. Tôi và NSND Thu Hà đều không có cảm giác gì, không bị áp lực. Chưa kể, NSND Thu Hà còn hơn tuổi tôi, vào nghề trước tôi, là đồng nghiệp cùng Nhà hát nên lại càng dễ tương tác, không có gì bất tiện trong lối cư xử cả.
Tôi ít diễn chung với NSND Thu Hà, kể cả trên sân khấu của Nhà hát lẫn đóng phim, đặc biệt là phim ảnh thì hầu như chưa diễn chung với nhau lần nào. Ở Hướng dương ngược nắng là lần diễn chung hiếm hoi đấy!
Dạng vai trong Hướng dương ngược nắng hình như là dạng vai mà NSND Thu Hà chưa làm bao giờ. Khi mà các phân cảnh đối đầu với nhau, Thu Hà gần như là lột xác hoàn toàn. Tôi không nhìn thấy một Thu Hà "lá ngọc cành vàng" nữa. Với vai Cúc trong Hướng dương ngược nắng, vẫn là một Thu Hà "lá ngọc cành vàng" nhưng lại ở một thái cực khác, cũng mưu hèn kế bẩn không khác gì ông Vụ. Đạo diễn cũng khá táo bạo khi giao vai Bạch Cúc cho Thu Hà và chị ấy đã thành công.
- Còn Hồng Diễm - một diễn viên tay ngang anh thấy diễn xuất của cô ấy như thế nào?
Tôi từng làm việc với Hồng Diễm khá nhiều phim với tư cách là Phó đạo diễn phụ trách về diễn xuất. Thật, tôi không tiếc lời khen với Hồng Diễm. Thứ nhất, Diễm có tố chất của một diễn viên mặc dù là diễn viên tay ngang. Thứ hai, Diễm có cảm xúc rất mạnh nên đánh giá xem đoạn này phải diễn thế nào rất chính xác.
Thậm chí tôi còn hơi quá lời khi nói Diễm là idol (thần tượng) của tôi. Cái hay nữa là bạn ấy rất cầu thị, rất lắng nghe, đấy là cách làm việc tôi rất thích. Nếu như tôi góp ý diễn như thế nào là bạn ấy nghe ngay, mặc dù không khác với cách bạn ấy nghĩ ban đầu là mấy. Tôi đánh giá bạn ấy rất giỏi, thậm chí còn đang muốn mời bạn ấy về đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội.