Công nghệ 3D Mapping kể chuyện đạo học Việt Nam, Văn Miếu Quốc Tử Giám ngập tràn ánh sáng
Tối ngày 15/11, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã chạy thử màn trình diễn công nghệ 3D Mapping kể chuyện đạo học Việt Nam, sẽ được ứng dụng trong tour du lịch đêm tại di tích thời gian sắp tới.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, trung tâm đã đề xuất với thành phố Hà Nội đề án phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0. Trong đề án đó có nội dung là xây dựng sản phẩm tour đêm, kể câu chuyện về đạo học Việt Nam tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đề án đó, trùng hợp với ý tưởng của quận Đống Đa là muốn đưa không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám thành phố đi bộ.
"Hiện nay, kịch bản, nội dung trong một sản phẩm chưa hoàn chỉnh. Vì sau khi thành phố phê duyệt, chúng tôi mới bắt đầu xây dựng, nghiên cứu. Hôm nay, chúng ta chỉ trải nghiệm một cách thức dùng công nghệ để chuyển tải những giá trị của Văn Miếu – Quốc Tử Giám", ông Kiêu nói.
Đúng như lời ông Kiêu nói, màn chạy thử tối 15-11 mới chỉ cho thấy hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng khi được chiếu lên nhà Thái học. Dù nội dung chưa có, nhưng hình ảnh về thầy Chu Văn An, về bia Văn Miếu, về không gian của Văn Miếu-Quốc Tử Giám cách đây vài trăm năm đã được tái hiện, gợi lại những hình ảnh tiêu biểu của đạo học Việt Nam.
Màn trình diễn công nghệ 3D Mapping là một hoạt động nằm trong hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0”, vừa diễn ra chiều ngày 15-11 tại Hà Nội.
Các tham luận tại hội thảo tập trung vào phân tích thực trạng, giải pháp và tiềm năng ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài khẳng định: “Nếu chúng ta biết vận dụng công nghệ số thì giáo dục di sản sẽ giúp đạt hiệu quả cao hơn. Công nghệ số tạo ra sản phẩm hiện thực ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, thu thập kiến thức. Để làm được điều này, các cơ quan cần chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng và các bảo tàng, di tích nói chung đang phải đối mặt với nhiều tác động và thách thức do bệnh dịch gây ra. Hội thảo lần này của Trung tâm có ý nghĩa thiết thực, là nơi trao đổi, chia sẻ, cập nhật các quan điểm, sự chuyển đổi phương pháp và cách tiếp cận giải pháp công nghệ cũng như xây dựng các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ để hoạt động của di tích trở nên hiệu quả hơn, phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan, chuẩn bị sẵn sàng cho đón khách tham quan trở lại.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được trải nghiệm các sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại đã, đang và hướng tới được thực hiện tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám như: Hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; Ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác mã QR); Hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI và màn trình diễn công nghệ 3D mapping tại nhà Thái học.