Công nghệ cát 'thở' của UAE: Làm cho sa mạc đơm hoa kết trái

Những sa mạc rộng lớn và địa hình đầy cát của Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) hoàn toàn có thể trở thành một giải pháp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thiếu nước và an ninh lương thực. Đó là khẳng định của một công ty phát triển công nghệ tiên tiến đang tìm cách biến các hạt cát thành đất nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Cát biết “thở”

Công nghệ “cát biết thở” hay cát thoáng khí của công ty Dake Rechsand có trụ sở tại Dubai giúp cát sa mạc giữ nước xung quanh rễ và cho phép không khí lưu thông tự do. Chandra Dake, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của công ty cho biết, công nghệ này có thể là tạo ra một cuộc cách mạng đối với hoạt động canh tác trên sa mạc.

Ông nói với Al Arabiya: “Ý tưởng là chính sa mạc sẽ trở thành một giải pháp cho sa mạc. Cát sa mạc chưa từng được sử dụng trong bất kỳ ngành công nghiệp nào trước đây. Nhưng giờ đây chúng tôi đã tạo ra một ngành công nghiệp từ nó. Cát thoáng khí là loại cát đặc biệt, giúp cây cối phát triển tốt hơn vì nó có khả năng sục khí”.

Cát sa mạc được xử lý bằng công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của Rechsands gọi là năng lượng tự do bề mặt, dựa trên cách thức chất rắn phản ứng với sức căng bề mặt của chất lỏng tạo ra một “cơ thể nước” trên cát.

Dake Rechsand cho biết: “Cát sa mạc là nguyên liệu thô và sau đó chúng tôi phủ lên nó một loại công nghệ đặc biệt, khiến nó hoạt động theo cách chúng tôi dự định – chẳng hạn như khả năng giữ nước”.

Vị CEO giải thích, cát được phủ một lớp “đặc biệt” được tạo thành từ sự kết hợp của các khoáng chất không chứa bất kỳ hóa chất nào nhưng lại đẩy nhanh quá trình thay đổi vật lý các tính chất của cát. Ông nói: “Điều này làm cho cây phát triển tốt hơn vì nó cho phép sục khí”, giúp rễ cây nhận được nhiều oxy hơn. “Đó là lý do tại sao cây phát triển khỏe mạnh, lá khỏe mạnh và cho ra sản phẩm khỏe mạnh”.

Dake Rechsand, người đã chuyển đến UAE vào năm 2018, cho biết công nghệ “cát thở được” có thể tạo ra “kết quả tuyệt vời” cho tất cả các loại thực vật, từ cây tán rộng đến cây thân thảo, các loại hoa màu, các cây hoa như hoa nhài, hoa hồng; cây dừa…

Tại UAE, công ty đã làm việc với các trang trại tư nhân và một số trường học ở Dubai. Ở Abu Dhabi, công nghệ này đã giúp trồng các loại như đậu phộng, đậu xanh, đậu cove, đậu đen, trong khi thanh long cũng cho kết quả đầy hứa hẹn.

Theo ông Dake, công ty đang có những kế hoạch tiếp theo cho khu vực. Trong khi việc xử lý cát hiện đang được thực hiện ở Trung Quốc, một nhà máy sẽ được xây dựng ở UAE vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, công ty của ông cũng đang đàm phán với Ảrập Xêút, Bahrain và Qatar cho các dự án thí điểm ở ba quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sử dụng công nghệ Rechsand.

Ông nói, một ưu điểm khác của việc sử dụng công nghệ này là khía cạnh bền vững. “Công nghệ này giúp tiết kiệm hoặc hạn chế sử dụng phân bón. Vì vậy, chúng ta có thể trồng các sản phẩm hữu cơ trong đất không bị ô nhiễm vì không có hóa chất. Hơn nữa, công nghệ cũng giúp tiết kiệm nước tiêu thụ với lượng nước được tiết kiệm lên tới 75-80%. Bằng cách sử dụng cùng một lượng nước này, chúng ta có thể trồng nhiều cây hơn gấp 10 lần. Vì vậy, chúng ta có khả năng tăng số lượng cây trồng với cùng một lượng nước. Ngoài ra, nó làm giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu cây trồng và sản phẩm, đồng thời tăng khả năng tự cung tự cấp của UAE”.

Yếu tố bền vững còn ở chỗ, công nghệ này chỉ cần được áp dụng một lần trên cát và sẽ tồn tại suốt đời mà không cần phải áp dụng lại. “Bạn không cần phải tái cải tạo cát trồng sau năm năm hay làm bất kỳ điều gì sau đó, chúng ta chỉ cần áp dụng công nghệ 1 lần trong đời và trang trại đó mãi mãi trở thành đất canh tác”.

Thành phố bọt biển

Cát thoáng khí không phải là giải pháp sáng tạo và bền vững duy nhất để bảo tồn nước ở quốc gia vùng Vịnh, nơi phụ thuộc vào quá trình khử muối trong nước.

Công ty cũng đang đàm phán với Chính phủ UAE để áp dụng công nghệ “thành phố bọt biển” của mình.

Giải pháp thành phố bọt biển của công ty Dake Rechsand là một mô hình đô thị mới, sử dụng các tấm lát bề mặt được làm từ cát sa mạc, giúp lưu trữ nước mưa một cách bền vững dưới lòng đất. Mô hình này có thể tạo ra một mạng lưới thu nước mưa phi tập trung, hấp thụ từng giọt nước mưa trong vài giây, cho phép thu gom và thu hoạch một lượng nước mưa lớn trên khắp đất nước, sau đó có thể được lưu trữ, xử lý và tái sử dụng bền vững. Công nghệ tổ ong có nghĩa là nước vẫn trong lành, cho phép tạo ra “nguồn nước mới” cho UAE thay vì phụ thuộc vào nước khử mặn.

Công ty cho biết họ hy vọng công nghệ này sẽ giúp hỗ trợ các tham vọng khí hậu của UAE, quốc gia đầu tiên trong khu vực đưa ra cam kết về đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris và cũng là quốc gia đầu tiên trong khu vực đưa ra lộ trình tiến tới phát thải ròng bằng 0.

Trong 15 năm qua, UAE đã đầu tư tổng cộng 50 tỷ USD vào năng lượng tái tạo và công nghệ sạch trên toàn cầu. Quốc gia này có kế hoạch đầu tư thêm 50 tỷ USD trong những năm tới, bao gồm cả công nghệ nông nghiệp, sử dụng nước thông minh hơn và sản xuất thực phẩm.

UAE lâu nay luôn phải đối mặt với tình trạng đất đai khô cằn, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, cùng với bão cát và bụi nên rất khó để phát triển nông nghiệp. Tác động của biến đổi khí hậu, kết hợp với dân số ngày càng tăng cùng nền kinh tế đa dạng hóa sang lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác ngày càng thúc đẩy việc gia tăng nhu cầu sử dụng nước tại đất nước vốn lệ thuộc rất nhiều vào các nhà máy khử nước mặn với chi phí đắt đỏ này. Vì vậy, phát minh cát thở hay thành phố bọt biển có thể coi là mang tính cách mạng, đem lại hiệu quả lớn cho việc cải thiện hoạt động canh tác tại quốc gia đang bị sa mạc hóa như UAE.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/cong-nghe-cat-tho-cua-uae-lam-cho-sa-mac-dom-hoa-ket-trai-i324113/