Công nghệ chống đánh cá trộm

Theo Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO), hoạt động đánh cá bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU) đang gây thiệt hại nặng nề cho nguồn lợi thủy sản toàn cầu. Ước tính 1/5 sản lượng đánh bắt (khoảng 26 triệu tấn cá mỗi năm) là hệ quả của IUU, gây ra tổn thất lên tới 23 tỷ USD.

Các cơ quan giám sát hoạt động đánh bắt cá tận dụng dữ liệu vệ tinh và AI để ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp trên biển. Ảnh: GFW

Các cơ quan giám sát hoạt động đánh bắt cá tận dụng dữ liệu vệ tinh và AI để ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp trên biển. Ảnh: GFW

Trước thực trạng trên, Global Fishing Watch (GFW), một tổ chức phi lợi nhuận do Google, Cơ quan bảo tồn biển Oceana và tổ chức môi trường SkyTruth đồng sáng lập, đang sử dụng kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và hình ảnh vệ tinh để theo dõi hoạt động của hơn 65.000 tàu đánh cá trên toàn cầu. Nhờ thuật toán thông minh, họ có thể phát hiện tàu vi phạm, kể cả những tàu tắt Hệ thống nhận diện tự động (AIS).

Hệ thống AI phân tích hàng triệu gigabyte ảnh vệ tinh để phát hiện tàu cá và cơ sở hạ tầng ngoài khơi. Song song với đó, AI còn truy cập dữ liệu tín hiệu AIS của các tàu được chia sẻ công khai, kết hợp với hình ảnh radar và quang học để tìm ra những tàu không bật AIS. Mặc dù theo luật, không phải tất cả tàu đều bắt buộc phải sử dụng AIS, nhưng thuật toán phát hiện đánh cá của AI sẽ phân tích các “tàu tối” (tàu không phát tín hiệu AIS) này để xác định khả năng chúng có đang đánh bắt cá hay không.

Ông Fernando Paolo, kỹ sư của GFW, cho biết: “Chúng tôi sử dụng thông tin như: chiều dài của tàu, cộng với thông tin môi trường về vị trí của tàu, hình ảnh khu vực, mật độ lưu thông tàu trong khu vực, tình trạng của đại dương (ví dụ như nhiệt độ) - một loạt thông tin về hoạt động của tàu trên biển”. Căn cứ vào đó, mô hình sẽ suy luận xem liệu tàu có phải là tàu đánh cá hay không, chẳng hạn như tàu chở khách, tàu chở dầu, tàu vận tải...

Nghiên cứu cho thấy, 3/4 số tàu đánh cá thương mại trên thế giới không được theo dõi công khai, với các điểm nóng đặc biệt là vùng biển quanh châu Phi và Nam Á. Để khắc phục hạn chế này, Global Fishing Watch đang nỗ lực triển khai hình ảnh độ phân giải cao hơn nhằm phát hiện thêm các tàu đánh cá nhỏ hơn. Giám đốc điều hành GFW Tony Long cho biết, GFW có kế hoạch lập bản đồ công khai hơn 1 triệu tàu biển và cơ sở hạ tầng cố định để hiểu rõ hơn về các hoạt động trên biển. Tổ chức này đã xây dựng bản đồ đầu tiên để trực quan hóa và theo dõi 70.000 tàu cá theo thời gian thực và hiện tại. Hơn 20 quốc gia sử dụng bản đồ và dữ liệu của họ, trong đó 12 quốc gia chia sẻ công khai dữ liệu theo dõi tàu cá. Tổ chức này cũng hỗ trợ các chính phủ bằng các báo cáo và nghiên cứu, đồng thời một số đối tác ủng hộ tính minh bạch và công nghệ trong quản trị đại dương.

Hiện tại, mọi người có thể tự do truy cập hình ảnh vệ tinh để khám phá mọi con đường và công trình trên đất liền chỉ bằng vài cú nhấp chuột. GFW muốn làm điều tương tự cho đại dương: một bản đồ động, hoàn chỉnh về mọi hoạt động công nghiệp trên biển và miễn phí cho bất kỳ ai xem và sử dụng. Theo GFW, những nỗ lực quản lý đại dương phải đối mặt với những thách thức do thiếu thông tin chính xác, cản trở khả năng giám sát của chính phủ đối với hoạt động đánh bắt cá và các hành động khác của con người trên biển. Tổ chức này tin tưởng rằng dữ liệu mở và tính minh bạch được cải thiện có thể giúp vượt qua những trở ngại trên, mang lại hiểu biết toàn diện về các hoạt động trên biển.

LAM ĐIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cong-nghe-chong-danh-ca-trom-post739701.html