Công nghệ giúp khắc phục điểm yếu của nông sản Việt Nam
Nông sản Việt thường có mẫu mã và chất lượng không đồng đều, thiếu minh bạch thông tin nên khó gia nhập phân khúc chất lượng cao. Điều này sẽ được giải quyết nhờ ứng dụng công nghệ.
Lĩnh vực nông nghiệp hiện mang lại sinh kế trong khoảng gần 30% lực lượng lao động Việt Nam. Nước ta cũng được đánh giá có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Tuy vậy, các phẩm nông sản của Việt Nam hay gặp khó khi xuất khẩu đi nước ngoài. Giá nông sản Việt Nam thường gặp trình trạng thua kém về giá trị khi so với sản phẩm tương tự của các nước khác trên thị trường hàng hóa.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nông sản Việt Nam thường có mẫu mã và chất lượng không đồng đều. Sản phẩm của chúng ta thiếu minh bạch thông tin nên khó có được sự tin tưởng của bạn hàng quốc tế, để từ đó gia nhập phân khúc chất lượng cao.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm Ủy ban ứng dụng Fintech của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho rằng, các điểm yếu của nông sản Việt Nam có thể được giải quyết nhờ việc ứng dụng công nghệ mới, trong đó có công nghệ blockchain.
Theo ông Trần Huyền Dinh, trong lĩnh vực nông nghiệp, các startup có thể ứng dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo thông tin về hàng hóa là duy nhất và đã được định danh. Bằng cách minh bạch thông tin, công nghệ này sẽ giúp bà con nông dân có thể tăng năng suất lao động và tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.
Lấy dẫn chứng, ông Dinh cho hay, ở Việt Nam đã có doanh nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain vào sản xuất cà phê. Công ty này lưu trữ toàn bộ thông tin về nước, độ ẩm, các yếu tố tác động đến cây trồng trong quá trình phát triển của cây cà phê và đưa hết lên blockchain. Khi sản phẩm tới tay người dùng cuối, họ có thể tiến hành truy xuất các thông tin, từ đấy đảm bảo được nguồn gốc sản phẩm minh bạch, rõ ràng.
“Việc này sẽ giúp làm tăng giá trị sản phẩm và tác động tới tâm lý người mua, khiến họ yên tâm, dễ chấp nhận sản phẩm hơn, trong khi, việc ứng dụng blockchain không tiêu tốn quá nhiều chi phí”, Chủ nhiệm Ủy ban ứng dụng Fintech của Hiệp hội Blockchain Việt Nam nói.
Ở Việt Nam, không chỉ có cà phê mà một số mặt hàng nông nghiệp khác như lúa gạo, hải sản cũng đã được tích hợp giải pháp truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain. Thế nhưng, hoạt động này hiện mới chỉ được áp dụng trên quy mô nhỏ.
Lý giải về điều này, theo ông Trần Huyền Dinh, để được triển khai đại trà ở những mô hình lớn và toàn diện, cần có thời gian nghiên cứu sâu hơn. Khi được triển khai, việc ứng dụng công nghệ blockchain sẽ được thực hiện rất nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam còn tồn tại một số rào cản pháp lý đối với blockchain, khiến các công ty khởi nghiệp chưa thể làm sâu sát hơn và mở rộng mô hình hoạt động của mình.
Các quy định pháp lý chưa rõ ràng hiện là một rào cản lớn để các doanh nghiệp startup blockchain tham gia thị trường. Do đó, có tình trạng startup Việt Nam đăng ký, mở công ty, vận hành và hoạt động ở nước ngoài thay vì trong nước. Để giải bài toán triển khai các ứng dụng thực tế của blockchain, trước hết phải giải quyết được câu chuyện pháp lý.
Blockchain là một công nghệ khó, phức tạp. Bà con nông dân không cần phải tìm hiểu quá sâu về công nghệ. Thay vào đó, công việc này sẽ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Các doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò cầu nối giúp bà con ứng dụng công nghệ vào sản phẩm để tăng giá trị hàng hóa.
“Khi người nông dân sử dụng sản phẩm một cách vô thức, đó mới là lúc công nghệ gặt hái được thành công. Điều này cũng giống như việc chúng ta ứng dụng AI và marketing online mà không cần thực sự hiểu sâu về những công nghệ đằng sau đó”, ông Trần Huyền Dinh nhận định.
Vị chuyên gia này cho rằng, hiện đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đạt được thành công nhất định trong việc dùng blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, để các ứng dụng của blockchain trở nên phổ biến hơn, vẫn cần phải có thêm thời gian.