Công nghệ là giải pháp trọng yếu để lâm nghiệp phát triển nhanh, bền vững
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, thời gian tới, các đơn vị nghiên cứu khoa học cần tập trung, quyết liệt đầu tư sâu hơn cho nghiên cứu về gen trong chọn tạo giống mới.
Sáng 26/6, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp: Thành tựu và định hướng phát triển”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá, khoa học công nghệ là giải pháp trọng yếu, là động lực để các lĩnh vực nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả hơn trong thời gian qua. Năm nay, tỷ lệ che phủ rừng cả nước có thể đạt 42%.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, thời gian tới, các đơn vị nghiên cứu khoa học cần tập trung, quyết liệt đầu tư sâu hơn cho nghiên cứu về gen trong chọn tạo giống mới; tiếp tục về nghiên cứu về giống với công nghệ sinh học; nghiên cứu về dịch bệnh cây trồng lâm nghiệp; tập trung nghiên cứu về hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng tự nhiên để định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững.
Ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất thời gian qua đã được tập trung đầu tư nhưng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, nhiều khâu còn bỏ trống. Những ứng dụng trong chế biến, bảo quản lâm sản của các đơn vị nghiên cứu còn đi sau doanh nghiệp. Do đó, các đơn vị cần định hướng rõ hơn trong đầu tư khoa học công nghệ trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn "bỏ ngỏ" nghiên cứu về giám sát, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng… Những ứng dụng công nghệ mới trong quản lý còn hạn chế. Bước sang giai đoạn mới, các đơn vị nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đơn vị sự nghiệp công phải xây dựng chiến lược nghiên cứu khoa học gắn với chủ trương mới của Đảng, Nhà nước khả thi và khát vọng cao hơn.
Các đơn vị phải chủ động tìm tòi, đổi mới, sáng tạo và tự chủ cao; hướng về cơ sở, gắn với tái sản xuất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá, thành tựu đạt được của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong 75 năm qua đã khẳng định khoa học công nghệ thực sự là động lực trực tiếp thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng của ngành.
Các nhà khoa học đã nhanh chóng tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới để ứng dụng và tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học ngày càng cao, phục vụ sản xuất lâm nghiệp hiệu quả.
Nhiều giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được chọn, tạo và phát triển trong sản xuất. Nhiều tiến bộ kỹ thuật về thâm canh rừng, quản lý rừng bền vững, quy trình công nghệ, thiết bị, nguyên liệu phụ trợ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ đã chuyển giao vào sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực.
Thực hiện Chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp giai đoạn 2008-2020, ngành lâm nghiệp đã nghiên cứu và công nhận được 277 giống cây lâm nghiệp, 61 tiêu chuẩn và 11 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển rừng. Điều này đã đưa năng suất rừng trồng đạt năng suất bình quân 20m3/ha/năm, nhiều nơi đạt 40m3/ha/năm.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã công nhận 163 tiêu chuẩn và 15 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chế biến lâm sản đã ứng dụng vào sản xuất, mang lại kết quả, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho ngành lâm nghiệp.
Ngành lâm nghiệp cũng đã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ viễn thám trong trong việc xây dựng bản đồ hiện trạng rừng cho 39 tỉnh, thành phố; điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc và đã xây dựng hệ thống bản đồ, bộ số liệu gắn với bản đồ kiểm kê rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng; dự báo, cảnh báo lửa rừng, sâu bệnh hại rừng…
Những nghiên cứu hiệu quả gắn với từng khâu sản xuất, chế biến, từng sản phẩm, dịch vụ môi trường rừng. Kết quả nghiên cứu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta đạt trên 11,3 tỷ USD năm 2019 với giá trị xuất siêu đạt trên 8,7 tỷ USD, chiếm 84% giá trị xuất siêu của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu làm cơ sở xây dựng nhiều chính sách quan trọng cho ngành.
Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học lâm nghiệp thời gian vừa qua mói chỉ tập trung cho ứng dụng và triển khai góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành, các nghiên cứu cơ bản còn ít được quan tâm nên chưa tạo được nền tảng cơ sở khoa học cho một số lĩnh vực như: hệ sinh thái rừng tự nhiên, công nghệ cao trong chọn tạo giống, chế biến và bảo quản lâm sản…
Cơ cấu cây trồng, giống cây trồng lâm nghiệp chưa được đa dạng hóa; rừng tự nhiên còn ít được quan tâm; tiềm năng sản xuất nông lâm kết hợp rất lớn nhưng chưa được tận dụng và khai thác tốt để nâng cao giá trị gia tăng của rừng.
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng Lâm nghiệp, nghiên cứu khoa học công nghệ lâm nghiệp cần tập trung ưu tiên vào phục vụ quản lý, sản xuất, thị trường, hội nhập. Các viện, trường cần liên kết doanh nghiệp trong đào tạo - nghiên cứu - chuyển giao.
Các chương trình khoa học công nghệ cần cơ cấu lại theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; đồng thời xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ.
Các viện, trường, trung tâm cần có các vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo nhằm khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm thật sự và có thể phổ biến rộng rãi.
Nguồn tài chính từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia: tài trợ, cho vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ. Các viện, trường có thể đề xuất Bộ thành lập Quỹ Phát triển khoa học nông lâm nghiệp.
Định hướng nghiên cứu khoa học lâm nghiêp trong giai đoạn 2021-2030, Tổng cục Lâm nghiệp đặt mục tiêu nâng cao năng suất rừng trồng lên 30 m3/ha/năm vào năm 2025 và 40 m3/ha/năm vào năm 2030; bảo vệ diện tích rừng hiện có cùng với bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn đa dạng sinh học, nguồn gen của rừng, nguồn lâm sản ngoài gỗ; cải tiến công nghệ trồng, chăm sóc và thâm canh rừng; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để phát triển ngành công nghệ chế biến gỗ, lâm sản để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm./.