Công nghệ lò sấy góp phần nâng cao chất lượng gạo thương phẩm

Biến đổi khí hậu, thời tiết mưa nắng diễn biến bất thường khiến cho việc phơi thóc của nông dân sau thu hoạch rất vất vả. Vì vậy công nghệ lò sấy đang được nhiều HTX, hộ dân mạnh dạn đầu tư để cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa gạo mang lại lợi ích kép, vừa giảm được công phơi, vừa nâng cao chất lượng gạo thương phẩm. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Biến đổi khí hậu, thời tiết mưa nắng diễn biến bất thường khiến cho việc phơi thóc của nông dân sau thu hoạch rất vất vả. Vì vậy công nghệ lò sấy đang được nhiều HTX, hộ dân mạnh dạn đầu tư để cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa gạo mang lại lợi ích kép, vừa giảm được công phơi, vừa nâng cao chất lượng gạo thương phẩm.

Lò sấy thóc của Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh giúp giảm hao hụt sau thu hoạch và đảm bảo chất lượng thóc thương phẩm.

Nhiều năm trước, người dân thường phơi thóc theo cách truyền thống, đổ ra sân hoặc mặt đường để phơi khô dưới nắng tự nhiên. Tuy nhiên, những năm gần đây do thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường, lại gặt máy, lượng thóc nhiều khiến việc phơi lúa theo cách cũ rất vất vả do thường xuyên phải chạy mưa. Anh Phạm Văn Hướng ở thôn Cựu Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) tích tụ được trên 20ha để trồng lúa hàng hóa được 5 năm nay. Mỗi vụ gia đình anh Hướng thu hoạch hàng trăm tấn thóc. Tuy vậy đến thời điểm này anh Hướng vẫn chưa có điều kiện để mua máy sấy nên việc phơi thóc, bảo quản một khối lượng thóc lớn luôn là vấn đề khiến gia đình anh rất lo lắng, nhất là khi thông tin thời tiết dự báo trời có mưa. Anh Hướng cho biết: Cấy nhiều, lượng thóc thu về lớn nhưng không có máy sấy rất bất tiện. Bán thóc tươi thì bị tư thương ép giá, nếu không muốn bán thì phải mất nhiều tiền thuê bà con quét đường phơi hộ. Mỗi ngày phơi tràn lan ra đường, mặt đê cũng chỉ được 5-7 tấn. Vất vả nhất là khi trời đổ mưa đột ngột chạy không kịp, nước mưa cuốn trôi cả thóc. Chưa kể việc phơi thóc dưới lòng đường là vi phạm giao thông. Nếu gặt về rồi mà không phơi được do mưa kéo dài, việc phơi, bảo quản thóc mất rất nhiều công sức, thậm chí thóc còn hỏng, thiệt hại không nhỏ. Mong rằng, thời gian tới tỉnh, huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ những người cấy nhiều như gia đình tôi có thể mua hệ thống thiết bị sấy để sấy thóc, bảo đảm chất lượng thóc thương phẩm sau thu hoạch.

Không giống như anh Hướng, từ 5 vụ nay anh Phạm Văn Dụng ở xóm 5, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) đã không còn phải lo lắng việc phơi thóc nữa vì đã đầu tư hệ thống máy sấy hỗ trợ sau thu hoạch. Lò sấy đặc biệt phát huy hiệu quả khi thời tiết có mưa, mưa kéo dài vào đúng thời điểm đang thu hoạch lúa. Năm 2019, anh Dụng đầu tư 135 triệu đồng xây dựng hệ thống lò sấy thóc với diện tích 40m2, chạy bằng điện, công suất 12-15 tấn thóc/mẻ, thời gian sấy 12-15 giờ/mẻ. Lúa gặt đến đâu anh đưa về sấy đến đó. Mỗi vụ anh sấy được trên 300 tấn thóc, trong đó khoảng 70% khối lượng là làm dịch vụ sấy thuê cho người dân hoặc thương lái thu mua thóc trong khu vực. Anh Dụng tâm sự: “Chứng kiến kết quả sản xuất cả vụ của gia đình mình và bà con “một nắng, hai sương” mới làm ra hạt thóc nhưng đến ngày thu hoạch thì gặp mưa nhiều dẫn tới “xôi hỏng, bỏng không” vì nguy cơ thóc bị ẩm mốc và nảy mầm. Chính điều đó đã thôi thúc tôi đầu tư xây dựng hệ thống lò sấy thóc. Từ khi có máy sấy, việc làm khô và bảo quản thóc thuận tiện, chủ động hơn nhiều. Dù gặt chạy mưa, chạy bão, thóc về nhà là đưa vào sấy luôn, không còn sợ thóc bị ẩm mốc, nảy mầm, thiệt hại về kinh tế như trước... Mặt khác, có máy sấy khô, thóc được đóng bao lưu kho, đợi khi nào giá hợp lý mới bán, gia tăng lợi nhuận”.

Anh Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh cho biết: Nhiều hộ nông dân cấy 3-4 mẫu ruộng nhưng không có tiền đầu tư máy gặt, máy sấy. Đến mùa gặt, nhất là vụ mùa thời điểm thu hoạch thường có mưa bão, mưa cơn nên rất vất vả. Khi gặt về không phơi ngay được, ngoài sự tổn thất về sản lượng còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng, gạo thương phẩm thường dễ bị biến màu, giảm chất dinh dưỡng, thậm chí những diện tích lúa bị đổ, ướt gặt về không được làm khô kịp thời sẽ lên men, mọc mầm, chỉ có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc nên giá bán rất thấp. Từ khi có hệ thống máy sấy, Công ty cũng không lo nữa vì cứ thu hoạch đến đâu đưa thóc về sấy ngay đến đấy. Các hộ dân cứ 14 tiếng sau đến chở thóc khô về. Trời nắng cũng như mưa, việc sấy thóc được vận hành theo quy trình khép kín, hạt thóc khô đều nên chất lượng gạo cũng thơm, ngon hơn. Giờ làm nông nghiệp có máy móc hỗ trợ nên nông dân cũng đỡ vất vả một nắng 2 sương, hiệu quả sản xuất tăng hơn hẳn so với trước đây. Được biết, Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh đã liên kết với 8 HTX dịch vụ nông nghiệp và 20 hộ dân tích tụ được 420ha, trong đó huyện Trực Ninh 200ha, Nam Trực 120ha, Xuân Trường 50ha, Nghĩa Hưng 50ha… Toàn bộ diện tích sản xuất được cơ giới hóa 100% từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, ứng vốn đầu tư cung ứng các loại phân bón không tính lãi và khấu trừ vào cuối vụ, bao tiêu toàn bộ lượng lúa thương phẩm. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, Công ty đã lắp đặt 1 lò sấy thóc hiện đại có công suất 15 tấn/mẻ. Vụ mùa, thường mưa nhiều đúng thời kỳ thu hoạch khiến bông thóc ngậm nước, rất dễ lên mộng nếu không được phơi, sấy kịp thời. Để bảo đảm giữ nguyên màu sắc, hương vị tự nhiên, tăng giá trị, chất lượng của gạo bảo quản được lâu hơn điều bắt buộc là ngay sau thu hoạch phải đưa ngay tới lò sấy khô. Vào vụ, lò sấy của Công ty thường hoạt động hết công suất để sấy khô hàng trăm tấn thóc của Công ty, các HTX và bà con nhằm chủ động, giảm thiểu thiệt hại sau thu hoạch.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục hệ thống lò sấy của các doanh nghiệp, HTX, các hộ nông dân tự đầu tư lắp đặt phục vụ sản xuất của gia đình và làm dịch vụ. Không chỉ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, thóc được sấy liên tục với nhiệt độ ổn định bảo đảm chất lượng, giúp bảo quản được lâu hơn, đồng thời hạn chế tình trạng phơi thóc trên đường, gây mất an toàn giao thông. Sản xuất lúa thương phẩm hàng hóa đòi hỏi phải cơ giới hóa đồng bộ các khâu. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất cá thể có thể mua các loại máy móc phù hợp hỗ trợ sản xuất./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202211/cong-nghe-losay-gop-phannang-cao-chat-luong-gao-thuong-pham-2553953/