Công nghệ phát điện từ khí sinh học
Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng thành công mô hình phân hủy bùn yếm khí sinh học, thu hồi khí sinh học để phát điện quy mô 20 kW, vận hành liên tục, tự động cao.
Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng thành công mô hình phân hủy bùn yếm khí sinh học, thu hồi khí sinh học để phát điện quy mô 20 kW, vận hành liên tục, tự động cao.
Hiện tại đã chuyển giao dây chuyền công nghệ khí sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau khi lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ phát triển nông nghiệp sạch cho Công ty Bia Sài Gòn - Miền Trung. Kết quả nghiên cứu cho thấy lợi ích của việc tận dụng nguồn bùn thải để sản xuất khí sinh học, phát điện và sản xuất phân hữu cơ phục vụ phát triển nông nghiệp sạch.
Tai nghe không dây hỗ trợ người khiếm thính
Hãng điện tử Samsung vừa công bố tính năng Ambient Sound của tai nghe không dây Galaxy Buds Pro có thể hỗ trợ những người bị mất thính lực từ thể nhẹ đến trung bình có thể tham gia trò chuyện tốt hơn. Tính năng này cho phép khuếch đại những âm thanh gần lên đến 20 đề-xi-ben. Với bốn cấp độ để lựa chọn, người dùng có thể điều chỉnh mức độ âm thanh. Samsung cho biết, đã phối hợp nghiên cứu cùng Trung tâm Y tế Samsung, những người tham gia nghiên cứu có tuổi trung bình là 63 và bị mất thính lực từ mức nhẹ đến trung bình.
Thử nghiệm kỹ thuật thu hồi rác thải vũ trụ
Vệ tinh của một công ty tư nhân tại Nhật Bản đã được phóng thành công lên quỹ đạo Trái đất để thử nghiệm kỹ thuật thu hồi rác thải vũ trụ. Vệ tinh mang theo thiết bị thu hồi rác và bộ phận mô phỏng rác vũ trụ. Khi đạt tới độ cao trên quỹ đạo Trái đất, các bộ phận thử nghiệm tự động tách rời. Thiết bị thu hồi rác sẽ sử dụng máy quay, ra-đa để nhận diện, tiếp cận bộ phận mô phỏng rác vũ trụ, sau đó sử dụng nam châm với lực hút lớn để thu hồi rác. Sau đó, thiết bị cùng rác vũ trụ sẽ được đưa trở về bầu khí quyển Trái đất để đốt cháy. Rác thải vũ trụ chủ yếu là các bộ phận của tên lửa hoặc vệ tinh hết hạn sử dụng, trôi nổi trên không gian chung quanh Trái đất, có thể làm tăng nguy cơ va chạm với các vệ tinh đang hoạt động, gây ra sự cố đối với hệ thống định vị GPS và hệ thống thông tin liên lạc.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/science-news/cong-nghe-phat-dien-tu-khi-sinh-hoc--640749/