Công nghệ quân sự giúp nhiều tàu lách lệnh trừng phạt của Mỹ

Công nghệ che giấu vị trí tàu vốn chỉ dành cho quân đội nay đã được dùng trong ngành hàng hải toàn cầu, khi nhiều chính phủ như Iran hay Venezuela cùng các công ty vận tải tinh ranh muốn tìm cách lách trừng phạt Mỹ.

Windward - công ty thu thập thông tin hàng hải có dữ liệu được chia sẻ cho chính phủ Mỹ để điều tra hành vi vi phạm trừng phạt - cho biết kể từ tháng 1.2020 đã phát hiện hơn 200 tàu liên quan đến 350 vụ việc thao túng vị trí GPS bằng phương pháp điện tử.

“Tình hình đang mất kiểm soát. Việc thao túng vị trí GPS không phải được thực hiện bởi quốc gia gia cường quốc nào, mà bởi công ty bình thường sở hữu công nghệ này. Quy mô vi phạm thật đáng kinh ngạc,”, cựu sĩ quan hải quân Israel Matan Peled - đồng sáng lập Windward - nhận xét. Ông cũng cho rằng giới chức Mỹ chậm nắm bắt tình trạng hiện tại.

Tuy nhiên, cựu tướng 4 sao William Fallon - người từng đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ - cho biết giới chức Mỹ đã sớm nhận thức được mối đe dọa từ “thao túng điện tử” - một trong những thách thức an ninh ngày càng lớn - trong quân sự lẫn thương mại.

Theo tướng Fallon: “Bất cứ lúc nào bạn cũng có thể đánh lừa ai đó rằng bạn đang ở một nơi mà bạn chẳng liên quan gì cả. Nó minh chứng cho việc nhiều người sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục đích và sự dễ dàng làm được điều đó”.

Nhiều tàu dân sự dám dùng công nghệ thao túng vị trí GPS vi phạm trừng phạt Mỹ - Ảnh: AP

Trong số tàu bị Windward phát hiện có 1 tàu dầu 183 mét khai thông tin đi đến Iraq nhưng thực tế là đang vận chuyển dầu ở Iran, vi phạm trừng phạt.

Con tàu (danh tính được giữ kín nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động điều tra của Mỹ) xuất phát từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vào ngày 11.2.2021 và báo cáo điểm đến là Basra tại Iraq.

Khi còn cách điểm đến khai báo thì hệ thống định vị tàu bắt đầu xuất hiện tín hiệu kỳ lạ, 12 ngày sau đường truyền mới ổn định trở lại và hiển thị tàu đang quay lại eo biển Hormuz với tốc độ di chuyển bình thường. Trên tàu chất đầy dầu.

Ảnh vệ tinh cho thấy trong hải trình 2 tuần đó, có 1 con tàu có chiều dài cùng đặc điểm nhận dạng tương tự xuất hiện ở đảo Kharg thuộc Iran, rồi di chuyển trở lại UAE nhập vào đường đi của tàu khai thông tin đi đến Iraq nói trên.

Theo hiệp ước hàng hải của Liên hợp quốc, từ năm 2004 tàu hơn 300 tấn phải bật hệ thống nhận dạng tự động để tránh va chạm và hỗ trợ cứu hộ trong trường hợp dầu tràn hoặc tai nạn trên biển. Làm giả nhận dạng có thể bị xem là vi phạm lớn phải hứng chịu trừng phạt chính thức với tàu lẫn chủ sở hữu.

Cơ chế trên thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt trang web theo dõi hải trình như MarineTraffic.com. Loạt trang web cũng dễ bị lừa dối vì chúng một phần dựa vào dữ liệu thu thập từ hàng nghìn địa điểm nghiệp dư có chức năng giống như máy quét vô tuyến để thu thập di chuyển. Năm ngoái từng có nhà báo thử cung cấp tọa độ giả của một con tàu thật, vài giây sau tọa độ giả xuất hiện trên MarineTraffic.com.

MarineTraffic.com vài tháng qua đã tìm nhiều cách đảm bảo dữ liệu đưa lên chính xác. Nhưng theo 2 nguồn tin tình báo Mỹ, nỗ lực kiểm soát chất lượng dữ liệu chưa thể giúp loạt trang web theo dõi hải trình đáng tin hơn.

Dữ liệu hải trình có 1 “điểm mù”: Trung Quốc. Luật bảo mật dữ liệu hà khắc của Trung Quốc đã cắt giảm gần một nửa lượng dữ liệu thực địa về hàng hải trong vùng biển Trung Quốc – khiến nỗ lực theo dõi hoạt động tại hải cảng hay lộ trình của tàu cá trở nên khó khăn.

Trang Global Fishing Watch dùng máy học cùng dữ liệu vệ tinh theo dõi hải trình cũng đưa ra phát hiện tương tự Windward. Họ ghi nhận 30 tàu có vị trí đáng ngờ.

Đáng chú ý là tàu dầu Tulip treo cờ Panama. Năm ngoái, tàu có gần 6 tháng phát thông tin vị trí là dọc theo bờ biển phía tây châu Phi, nhưng vệ tinh phát hiện chuyển động lại ghi nhận tàu ở cách xa hàng nghìn dặm – có thể đang ở Venezuela.

Tài liệu nội bộ công ty dầu khí quốc doanh Venezuela mà hãng AP lấy được cho thấy Tulip trong 15 ngày đầu tháng 9 nhận 450.000 thùng dầu. Dầu được mua bởi công ty bình phong tên M and Y Trading đăng ký ở Hồng Kông, cả Tulip cũng thuộc sở hữu công ty tên Victory Marine ở Hồng Kông.

Phần lớn trong số 200 tàu bị Windward phát hiện đều sử dụng cách lừa dối là vô hiệu hóa hệ thống theo dõi, treo cờ giả, liên tục đổi chủ sở hữu từ công ty này sang công ty khác. Các cách này phổ biến đến mức trở thành dấu hiệu chỉ ra tàu đang vi phạm trừng phạt bị xác định trong một văn bản hướng dẫn giới chức Mỹ ban hành năm 2020.

Nhưng văn bản hướng dẫn 2020 không đề cập đến thao túng vị trí GPS. Kết quả là theo túng vị trí GPS bùng nổ trở thành cách thức “miễn phí cho mọi người”.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cong-nghe-quan-su-giup-nhieu-tau-lach-lenh-trung-phat-cua-my-177684.html