Công nghệ siêu âm mới giúp theo dõi quá trình đưa thuốc vào não
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland (Australia) vừa mới phát triển một thiết bị mới kết hợp siêu âm và công nghệ hình ảnh tiên tiến, giúp cung cấp thông tin quan trọng hỗ trợ cho việc đưa thuốc vào não an toàn và hiệu quả. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Controlled Release số ra gần đây.
Tiến sĩ Pranesh Padmanabhan tại Khoa Khoa học Y sinh và Viện Não Queensland của Đại học Queensland cho biết thiết bị này giúp các nhà khoa học có thể quan sát trực tiếp từng tế bào riêng lẻ để xem chúng phản ứng và thay đổi như thế nào sau khi được điều trị bằng phương pháp siêu âm. Công nghệ điều trị bằng siêu âm là công nghệ mới nổi gần đây trong lĩnh vực y tế để đưa thuốc vượt qua hàng rào máu não.
Theo nhóm nghiên cứu, những thông tin thu được về cách các tế bào phản ứng và thay đổi như thế nào có thể mang lại lợi ích lớn trong điều trị các rối loạn thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và Parkinson.
Tiến sĩ Padmanabhan giải thích: "Hàng rào máu não ngăn cản hầu hết các loại thuốc tiếp cận não. Do đó, thông tin mà thiết bị này cung cấp sẽ giúp định hình các phác đồ điều trị bằng siêu âm và thiết lập sự cân bằng để việc đưa thuốc vào não vừa hiệu quả, vừa an toàn".
Thiết bị được thiết kế riêng này sẽ kiểm tra phương pháp đưa thuốc dựa trên quá trình Sonoporation, một chiến lược mới nổi bao gồm điều trị bằng siêu âm kết hợp với tiêm các “vi bọt”. Trong quá trình này, sóng âm tương tác với các “vi bọt” khiến chúng rung động và tác dụng lực lên hàng rào máu não, tạo ra lỗ nhỏ li ti trên bề mặt tế bào.
Cũng theo Tiến sĩ Padmanabhan, thiết bị này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu cách thức hoạt động của các phương pháp điều trị dựa trên siêu âm ở cấp độ phân tử và tế bào đơn lẻ. Nó có tiềm năng cải thiện việc điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh, nơi thuốc nhắm mục tiêu vào các vùng cụ thể của não. Mục tiêu thực sự là cải thiện tỷ lệ thuốc được hấp thụ vào não, vì hiện tại chỉ khoảng 1-2% các loại thuốc phân tử nhỏ thực sự đến được nơi cần đến.
Tiến sĩ Padmanabhan cũng cho biết thêm rằng kết quả nghiên cứu có thể hỗ trợ điều trị các căn bệnh khác như tim mạch và ung thư.