Công nghệ sinh học sẽ dẫn dắt ngành nông nghiệp
Thành quả sau 10 năm canh tác ngô chuyển gene cho thấy vai trò và khả năng dẫn dắt của công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và dịch hại, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để xúc tiến hiệu quả các giống mới, cây trồng mới áp dụng công nghệ sinh học là hết sức cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.
10 năm canh tác ngô chuyểngene
Ở nước ta, ngô là cây lương thực có vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu sản xuất trồng trọt, có diện tích lớn đứng thứ 2, sau cây lúa. Tháng 4.2015, giống ngô chuyển gene (hay còn gọi là biến đổi gene - GMO) lần đầu tiên được đưa đến tay bà con nông dân, đánh dấu năm đầu canh tác giống ngô này, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp quyết định công nhận đặc cách giống cây trồng chuyển gene đầu tiên tại Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, đến hết tháng 9.2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận 31 giống ngô chuyển gene. 10 năm qua, tổng lượng hạt giống ngô chuyển gene nhập khẩu là 13.256/72.141 tấn, chiếm 22,5% tổng lượng giống nhập khẩu, tương đương 662 nghìn hecta diện tích gieo trồng.
Bên cạnh đó, số liệu tổng hợp của Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng và Báo cáo của AgBioInvestor (một công ty nghiên cứu thị trường chuyên về các sản phẩm cây trồng công nghệ sinh học trên toàn cầu) cho biết, tổng diện tích canh tác ngô chuyển gene của nước ta năm 2022 là 220.000ha, tăng 21% so với năm 2021 và chiếm khoảng 26,5% tổng diện tích ngô cả nước. Lũy kế diện tích canh tác ngô chuyển gene kể từ năm 2015 tới năm 2022 là hơn 700.000ha. Tất cả giống ngô chuyển gene đang canh tác đều mang tính trạng kháng sâu hại, đặc trị sâu đục thân ngô và phòng ngừa sâu keo mùa thu.
10 năm canh tác ngô chuyển gene đã mang lại những tác động tích cực về năng suất, lợi nhuận cho người trồng ngô, cải thiện thói quen canh tác của họ theo hướng bền vững hơn cũng như giúp duy trì và thúc đẩy sản lượng ngô trong nước, góp phần giảm bớt áp lực nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.
Theo đánh giá sơ bộ của các địa phương, các giống ngô chuyển gene sinh trưởng, phát triển khỏe và phù hợp với cơ cấu mùa vụ tại các vùng trồng ngô nước ta, TS. Đinh Công Chính, Cục Trồng trọt, nói tại Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đồng tổ chức ngày 5.10.
Đặc biệt, theo TS. Đinh Công Chính, giống ngô chuyển gene đã thể hiện khả năng kháng sâu ở những vùng trồng chịu áp lực cao về sâu bệnh, nhờ đó, bà con ít phải phun thuốc trừ sâu hơn, giúp giảm chi phí đầu vào. Cũng ở những vùng trồng này, giống ngô chuyển gene cũng cho năng suất trung bình cao hơn so với giống truyền thống; chất lượng hạt thương phẩm cũng tốt hơn.
“1ha ngô chuyển gene mang lại lợi nhuận cao hơn 3,4 - 7,4 triệu đồng cho nông dân mỗi năm”, GS.TS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho biết. Nhân lên với diện tích ngô biến đổi gene 10 năm qua có thể thấy lợi nhuận bà con thu được là rất lớn. Hơn nữa, một nghiên cứu gần đây cho thấy, nhờ ngô chuyển gene có khả năng kháng sâu nên sử dụng lượng thuốc trừ sâu trung bình thấp hơn 78% so với diện tích ngô thường.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Lê Quý Dương xác nhận, bà con canh tác ngô sinh khối, khi dùng giống ngô chuyển gene có tính kháng sâu đục thân, thì không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong ngô dùng làm thức ăn cho bò”. Việt Nam là quốc gia nhiệt đới nên luôn chịu áp lực rất lớn về dịch hại. Một số bệnh như khảm lá sắn, sâu keo mùa thu, sâu róm thông, lùn sọc đen… đã gây nhiều thiệt hại cho nền nông nghiệp nước ta và nhiều bệnh cần phải giải quyết bằng giống kháng. “Khảm lá sắn từng là một vấn đề nhức nhối, nhưng khi sử dụng một loại giống chuyển gene, gần như thách thức được giải quyết”, ông Dương nói.
Tiếp tục giới thiệu giống mới, cây trồng mới
Từ thành quả 10 năm canh tác ngô chuyển gene, bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á cho rằng, cây trồng áp dụng công nghệ sinh học giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao sinh kế, bảo đảm thu nhập, nhất là tại các vùng chưa bảo đảm về nước tưới, vùng sâu, vùng xa. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của sâu bệnh với cây trồng, bà Sonny Tababa cho rằng, Việt Nam cần rà soát hành lang pháp lý để xúc tiến hiệu quả các giống mới, cây trồng mới áp dụng công nghệ sinh học để thích ứng tốt hơn với dịch hại mới.
“Hiện nay các công ty vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao và tiến hành khảo nghiệm các giống ngô mới có phổ kháng sâu hại rộng hơn, đặc biệt là kháng sâu keo mùa thu tại Việt Nam và mong muốn giới thiệu tới bà con sớm nhất có thể. Đây đều là những giống ngô đã được đánh giá an toàn và lợi ích cũng như canh tác hiệu quả tại một số nước phát triển và các nước châu Á”, bà Sonny Tababa cho biết.
Bên cạnh đó, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á cho rằng, Việt Nam cần hướng đến các công nghệ sinh học mới trong nông nghiệp. Ví dụ, công nghệ chỉnh sửa gene trên thực vật với ưu điểm nổi bật là tạo ra những tính trạng mong muốn dựa vào gene nội sinh của cây trồng (tức là hoàn toàn không có gene ngoại lai) hứa hẹn thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Ở đây, cần có vai trò dẫn đường của Nhà nước trong việc đưa ra khung pháp lý, lộ trình áp dụng để bà con tiếp cận công nghệ sinh học nhanh nhất, sớm nhất. Việt Nam có thể tham khảo các nước láng giềng đang tiếp nhận, ứng dụng cây trồng chỉnh sửa gene như thế nào”, bà Sonny Tababa gợi ý.
TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, cho biết, những kết quả của công nghệ sinh học đã giúp ngành nông nghiệp có nhiều thành tựu đột phá trong 30 năm qua. Trong đó, những công nghệ nổi bật có nuôi cấy mô giúp lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm như ngô, đỗ tương, bông… có năng suất vượt trội, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện chất lượng đất, môi trường.
Theo thống kê, thế giới có khoảng 200 triệu hecta cây trồng biến đổi gene. Tỷ lệ chiếm nhiều nhất là đậu tương, lên tới gần 80% diện tích. Ngoài ra, diện tích trồng ngô cũng tới hơn 25%. “Điều đáng tiếc là áp dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng ngày càng tăng và chưa đạt mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra. Trong đó, cản trở chính là nhận thức”, ông Phát nói.
Trên thế giới xuất hiện nhiều xu hướng mới trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Theo TS. Cao Đức Phát, để không tụt hậu, nước ta cần nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng các xu hướng mới này. “Khác với 20 năm trước, nay nước ta đã có được đội ngũ khá đông đảo các nhà khoa học, kỹ thuật viên được đào tạo khá bài bản, nhiều phòng thí nghiệm được trang bị khá hiện đại. Vấn đề chính là phải quán triệt và nghiêm túc thực hiện các chủ trương do Đảng, Chính phủ đề ra, xóa bỏ mặc cảm, đầu tư thỏa đáng, tháo gỡ các rào cản pháp lý để công nghệ sinh học Việt Nam cất cánh cùng thế giới”, ông Phát nói.