Công nghệ số mang lại hiệu quả trong quản lý, vận hành truyền tải điện

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã tập trung nghiên cứu xây dựng, triển khai lưới điện thông minh.

Qua số liệu thống kê, sự cố do sét chiếm đa số sự cố xảy ra trên đường dây điện. Để giảm sự cố do sét, EVNNPT đã ứng dụng chống sét van đường dây tại những vị trí thường xảy ra sự cố; các vị trí cột có chiều cao lớn (thay đổi địa hình núi cao, vượt sông, vượt đường dây khác)...

Để có đầy đủ thông tin về sét, phục vụ cho công tác thiết kế, vận hành, sửa chữa và giảm thiểu sự cố do sét đánh, EVNNPT đã triển khai đầu tư trang bị “Hệ thống thu thập cảnh báo sét”, giúp hỗ trợ xác định nhanh vị trí sự cố và phân tích nguyên nhân. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, sự cố do sét giảm 35% - 50%.

Do hệ thống đường dây 500kV, 220kV trải dài, đi qua địa hình phức tạp, đặc biệt ảnh hưởng đến cung cấp điện trong phạm vi rộng lớn khi xảy ra sự cố, nên việc xác định chính xác vị trí sự cố trên đường dây tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm điểm, xử lý sự cố nhanh chóng đảm bảo cung cấp điện liên tục, từ đó giảm các chi phí quản lý vận hành cũng như sản lượng thiếu hụt là yêu cầu quan trọng.

Công nghệ mang lại những hiệu quả to lớn trong điều kiện địa lý lưới điện truyền tải ngày càng khó khăn, phức tạp.

Công nghệ mang lại những hiệu quả to lớn trong điều kiện địa lý lưới điện truyền tải ngày càng khó khăn, phức tạp.

EVNNPT đã nghiên cứu và triển khai lắp đặt thiết bị định vị sự cố cho trên 80 đường dây 500kV, 220kV có chiều dài lớn, đi qua khu vực địa hình phức tạp. Ứng dụng thiết bị định vị sự cố đã mang lại hiệu quả: Giảm thời gian tìm, khắc phục sự cố; giảm chi phí nhân công tuần tra đường dây; tăng khả năng truyền tải an toàn và liên tục; giảm chi phí duy trì an toàn hệ thống khi mất điện; giảm chi phí phạt theo quy định do mất điện.

Từ năm 2018, EVNNPT đã triển khai ứng dụng thiết bị không người lái (UAV) trong công tác quản lý vận hành, kiểm tra đường dây. Bên cạnh đó, các đơn vị đã chế tạo, cải tiến thêm UAV sử dụng xử lý diều vướng trên dây dẫn, phun thuốc phòng chống dịch bệnh, rửa sứ online.

UAV phát huy hiệu quả giúp phát hiện nhanh sự cố ở những cung đoạn đường dây đi qua các địa hình phức tạp như thung lũng, các khoảng vượt sông lớn, địa hình bị chia cắt bởi kênh rạch, sông ngòi, khu vực ngập lụt...

Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải là một xu thế tất yếu.

Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải là một xu thế tất yếu.

Hiện nay, EVNNPT đang triển khai thử nghiệm ứng dụng công nghệ AI để phân tích hình ảnh thu thập từ UAV, giúp tự động hóa và nâng cao hiệu quả trong kiểm tra, phân tích, đanh giá tình trạng thiết bị đường dây, nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Áp dụng UAV kiểm tra đường dây giúp tiết giảm nhân công, nâng cao năng suất lao động; giúp hạn chế nguy hiểm cho người công nhân khi di chuyển, trèo cao, tiếp xúc với sinh vật nguy hiểm.

EVNNPT giao Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý trạm biến bằng thiết bị thông minh”; Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) triển khai “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý đường dây truyền tải điện, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo”.

Trên cơ sở thử nghiệm từ đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học của PTC3 (năm 2010), công nghệ rửa sứ hotline đã được EVNNPT hoàn thiện và ứng dụng phổ biến thay thế cho việc phải cắt điện đường dây để lau sứ, vệ sinh cách điện thủ công.

Nhằm mục tiêu giảm tổn thất điện năng lưới điện truyền tải, EVNNPT đã trang bị Hệ thống thu thập dữ liệu công tơ đo đếm và đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý sản lượng và tổn thất điện năng (MDMS). EVNNPT đã phối hợp với EVNICT xây dựng, số hóa được 100% cơ sở dữ liệu thiết bị lưới điện trên PMIS, hoàn thiện các module thiết bị, thông số vận hành, công việc, sự cố, báo cáo.

EVNNPT đã triển khai ứng dụng công nghệ Camera AI giám sát người ra và giám sát, kiểm tra phát nhiệt các thiết bị tại Trạm biến áp 500kV Thường Tín, Duyên Hải, 220kV Khánh Hòa, Quy Nhơn. Tính đến hết năm 2022, EVNNPT đã chuyển 115/146 trạm biến áp 220kV sang vận hành theo tiêu chí không người trực; triển khai ứng dụng trạm biến áp số tại Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên (Hải Phòng).

EVNNPT áp dụng công nghệ đã giúp đảm bảo tin cậy trong vận hành truyền tải giải tỏa công suất các nguồn điện lớn và nguồn năng lượng tái tạo cũng như cung cấp điện cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

TRUNG AN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-nghe-so-mang-lai-hieu-qua-trong-quan-ly-van-hanh-truyen-tai-dien-post741379.html