Công nghệ số trong gia đình: Ứng dụng, đừng lạm dụng
Trong thời đại 4.0, việc sử dụng mạng xã hội thông qua các thiết bị công nghệ hiện đại mang lại nhiều tiện ích, giúp các thành viên trong gia đình dễ dàng liên lạc với nhau hơn. Tuy nhiên, nếu sử dụng mạng xã hội không đúng cách, hoặc quá lạm dụng cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới lối sống, thói quen sinh hoạt của mỗi người.
Cứ vào mỗi buổi tối sau khi ăn cơm xong, ông Nguyễn Tài Tiếp cùng vợ mình là bà Lê Thị Thắm, xã Minh Sơn (Triệu Sơn) lại gọi video call để trò chuyện với các con, cháu đang sinh sống tại Hà Nội. Ông Tiếp bộc bạch: "Ban đầu, tôi không muốn dùng điện thoại thông minh vì sợ mắt mờ, tay chân chậm, trí nhớ cũng kém. Đến khi được sự động viên và hướng dẫn của con, cháu, tôi cũng dần làm quen và giờ đã sử dụng thành thạo. Giờ đây, mỗi khi rảnh rỗi là vợ chồng tôi đều gọi video call để trò chuyện cùng con cháu. Cũng nhờ có chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet mà chúng tôi dễ dàng liên lạc và còn được nhìn thấy rõ mặt con cháu ở xa. Được nhìn con cháu khỏe mạnh, vui vẻ trên màn hình điện thoại, chúng tôi cũng cảm thấy an lòng".
Với gia đình ông Nguyễn Thế Bắc, thôn Trịnh Xá 1, xã Yên Ninh (Yên Định), thì cả 3 người con đều lập gia đình và sinh sống ở nhiều nơi khác nhau trên cả nước. Do không có điều kiện về thăm bố mẹ, quây quần bên mâm cơm gia đình như xưa nên các con của ông đã mua điện thoại thông minh cho bố mẹ và thành lập một nhóm chat chung của gia đình trên zalo để ai cũng cập nhật được thông tin, tình hình về cuộc sống của nhau. Từ khi thành lập nhóm “group chat”, đại gia đình luôn rộn ràng từ sáng đến khuya, dù nhà nào ở nhà nấy nhưng thành viên giữ được kết nối với nhau. Ông Bắc cho hay: Hàng ngày, các con, cháu của tôi đều cập nhật thông tin thường xuyên lên nhóm chat của gia đình, khi thì chia sẻ hình ảnh ngày xưa, khi thì gửi ảnh cả nhà đi du lịch, hay các món ăn, rồi kết quả học tập... Vợ chồng tôi đã lớn tuổi, nhờ có điện thoại thông minh với chức năng kết nối như thế này nên cảm giác được ở gần con, không còn cảm thấy trống vắng, cô đơn".
Việc sử dụng điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến và cũng là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình lại gần với nhau hơn. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát, lạm dụng quá nhiều vào các ứng dụng trên điện thoại cũng làm cho sự gắn kết giữa những người thân trong gia đình trở nên rời rạc, lỏng lẻo. Trên thực tế, cũng có không ít gia đình, sau bữa cơm chung, mỗi thành viên đều tìm cho mình một thú vui riêng thông qua việc sử dụng mạng xã hội như, xem phim, nghe ca nhạc, chơi game, rồi làm việc cá nhân mà rất ít khi dành thời gian trò chuyện cùng nhau. Thậm chí có không ít phụ huynh còn sử dụng mạng xã hội làm công cụ để trông trẻ hoặc dụ dỗ con ăn uống. Chính việc lạm dụng vào các thiết bị công nghệ đã vô hình tạo điều kiện cho sự thờ ơ, lạnh nhạt “xâm nhập” và âm thầm phá vỡ các giá trị truyền thống, sự gắn kết bền chặt trong mỗi gia đình.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, cho biết: "Sử dụng công nghệ số, nhất là mạng xã hội đã trở thành phương tiện phổ biến trong các gia đình. Không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại, nhất là trong việc tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình có thể liên lạc, kết nối với nhau ở bất cứ đâu, thời điểm nào. Thế nhưng, nếu quá lạm dụng hoặc lệ thuộc vào công nghệ thì cũng không tránh khỏi những hậu quả khôn lường xảy ra đối với các gia đình. Điều dễ nhận thấy nhất đó là, đã có không ít gia đình thay vì gặp gỡ trò chuyện, tâm sự như trước đây thì hiện nay lại sử dụng mạng internet để trao đổi, chia sẻ với nhau, từ đó vô hình làm giảm đi sự kết nối, thậm chí còn làm cho các thành viên trong gia đình mất dần kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu nhau trong cuộc sống, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau".
Cùng với đó, việc lạm dụng quá nhiều mạng xã hội hiện nay không chỉ xảy ra đối với người lớn mà còn cả trẻ em, khi ngày càng có nhiều trẻ em “nghiện” sử dụng điện thoại, ipad để xem các clip trên youtube, tiktok hay chơi game... Điều này, gây ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe, tinh thần não bộ và hành vi ứng xử của các em.
Chính vì vậy, để tránh xa những nguy hại của việc lạm dụng thiết bị thông minh và internet hiện nay, ông Lê Xuân Lâm cho rằng: "Các thành viên trong gia đình cần duy trì thói quen giao tiếp với nhau hàng ngày để làm tăng thêm sự gắn kết tình cảm, hiểu biết và chia sẻ với nhau những khó khăn, niềm vui và những vấn đề trong cuộc sống. Cùng với đó, hơn ai hết chính cha mẹ nên làm gương tốt cho con mình trong việc sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý, hướng dẫn con mình sử dụng thiết bị công nghệ an toàn, lành mạnh. Đồng thời, phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng thiết bị thông minh truy cập vào các trang mạng xã hội, phim ảnh, game... của con em mình. Việc sử dụng công nghệ thông thái, đúng cách không những giúp cuộc sống thêm phong phú, gắn kết mà qua đó còn góp phần bảo vệ nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình trong thời đại công nghệ số".