Công nghệ số trong quản lý tư pháp, hộ tịch

Thời gian qua, ngành tư pháp tích cực triển khai thực hiện Đề án 'Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc' với trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý tư pháp, hộ tịch điện tử.

Sở Tư pháp đã sớm phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức tập huấn phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung do Bộ Tư pháp xây dựng và cung cấp cho cán bộ, công chức làm công tác đăng ký, quản lý hộ tịch của Sở Tư pháp và phòng tư pháp 9 huyện, thành phố, thị xã; công chức tư pháp - hộ tịch các xã, phường, thị trấn. Đội ngũ cán bộ, công chức được trang bị kiến thức phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung do Bộ Tư pháp xây dựng và cung cấp là phần mềm duy nhất có thể kết nối với Bộ Công an để cấp số định danh cá nhân. Phần mềm này đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ theo quy định của Luật Hộ tịch.

Cán bộ, công chức phường Phố Mới (thành phố Lào Cai) thao tác trên phần mềm hộ tịch điện tử.

Cán bộ, công chức phường Phố Mới (thành phố Lào Cai) thao tác trên phần mềm hộ tịch điện tử.

Đến nay, ngành tư pháp của tỉnh đã triển khai, áp dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Việc đăng ký hộ tịch trực tuyến cho phép kết nối, chia sẻ hoặc tích hợp thông tin với các hệ thống thông tin một cửa tại các cơ quan đăng ký hộ tịch; đảm bảo cơ sở dữ liệu đăng ký hộ tịch quản lý tập trung, thống nhất và đồng bộ, có khả năng xâu chuỗi các sự kiện hộ tịch liên quan đến công dân trên địa bàn toàn tỉnh; hỗ trợ nhiều tiện ích giúp quản lý, xử lý công việc thuận tiện và nhanh chóng.

Năm 2018, ngành tư pháp đã số hóa, nhập toàn bộ dữ liệu đăng ký kết hôn từ năm 1990 đến hết năm 2016 và dữ liệu đăng ký khai sinh của năm 2015 và năm 2016 để gửi thông tin xin cấp mã số định danh cho công dân đăng ký khai sinh năm 2016; trong năm 2019 tiếp tục số hóa, nhập toàn bộ dữ liệu đăng ký khai sinh từ năm 2000 đến năm 2014.

Tại bộ phận một cửa của phường Phố Mới (thành phố Lào Cai), từ đầu năm 2017 đến nay, khi phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch được triển khai đã làm cho công việc của cán bộ tư pháp thuận lợi hơn rất nhiều. Phần mềm hỗ trợ tối đa trong giải quyết các công việc quản lý hồ sơ, giấy tờ của công dân trên nền tảng công nghệ số. Bà Bùi Thị Thành, công chức tư pháp phường Phố Mới cho biết: Không chỉ chúng tôi mà công dân cũng được hưởng những tiện ích này.

Cũng tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hoàng Minh, trú tại khu dân cư Đinh Bộ Lĩnh (phường Phố Mới) đến thực hiện thủ tục cấp giấy khai sinh cho con, tất cả quy trình chỉ diễn ra trong vài phút trên máy tính.

Tại huyện Bảo Thắng, Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện triển khai đăng ký hộ tịch thông qua phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung. Đến nay, 100% công chức tư pháp, hộ tịch các xã, thị trấn đã sử dụng thành thạo phần mềm này. Ông Lưu Vũ Dũng, Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết: Việc triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến vừa nhằm quản lý tốt công tác chuyên môn, vừa góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) trên địa bàn huyện. Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện nhập dữ liệu thành 2 giai đoạn; huyện có quyết định biệt phái 6 cán bộ, công chức về Phòng Tư pháp và sớm triển khai số hóa toàn bộ dữ liệu về hộ tịch từ năm 1999 đến nay để phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch xong trong năm 2018; tăng tốc độ đường truyền internet từ 15 Mb/s lên 25 Mb/s. Chỉ sau 9 tháng triển khai, huyện đã hoàn thành việc nhập dữ liệu lên hệ thống phần mềm điện tử. Hiện tại, trên hệ thống thông tin quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp có 126.683 sự kiện hộ tịch đã được ghi lại. Thực hiện 1.016 trích lục thay đổi, cải chính, xác định lại dân tộc, tổ chức đối sánh thông tin cơ bản của công dân được thu thập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và giải quyết những hạn chế, sai sót khác trong giấy tờ công dân giữa dữ liệu hộ tịch và dữ liệu cư trú, căn cước công dân, đảm bảo sự tập trung và thống nhất trong thu thập thông tin dân cư.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Trưởng Phòng Hành chính - Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) cho biết: Việc triển khai đưa vào sử dụng phần mềm còn đảm bảo thi hành đồng bộ Luật Hộ tịch, giúp cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch theo dõi được toàn bộ quá trình quản lý từ Trung ương đến cơ sở, đăng ký thông tin khai sinh của các cơ quan trực tiếp thực hiện cũng như tra cứu, đảm bảo không xảy ra trường hợp một công dân được đăng ký khai sinh tại nhiều nơi. Qua phần mềm, cán bộ dễ dàng truy cập dữ liệu, tra cứu thông tin, xác minh, xử lý về nhân thân và tình trạng công dân, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho công tác kiểm tra, cấp giấy, sao lục hồ sơ. Năm 2020, ngành tư pháp phấn đấu hoàn tất các phần việc còn lại để hoàn thành bộ dữ liệu tư pháp hộ tịch của công dân toàn tỉnh.

Có thể thấy, phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch đi vào cuộc sống là bước tiến mới trong công tác tư pháp - hộ tịch của tỉnh khi đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, góp phần hiện đại hóa công tác cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân theo hướng nhanh gọn, chính xác và hiệu quả.

Hữu Huỳnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/cong-nghe-so-trong-quan-ly-tu-phap-ho-tich-z5n20200320142549221.htm