Công nghệ tái chế vật liệu mặt đường bê tông asphalt phục vụ công tác bảo trì và sửa chữa mặt đường

Ngày 20/5, Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với Tập đoàn Wirtgen của Đức, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Vĩnh Phú (Vitrac) tổ chức buổi Tọa đàm Công nghệ bê tông asphalt tái chế nguội tại trạm trộn di động.

Các nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung phân tích các giải pháp công nghệ vật liệu mặt đường bê tông asphalt bền vững, thân thiện với môi trường trong xây dựng đường bộ

Các nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung phân tích các giải pháp công nghệ vật liệu mặt đường bê tông asphalt bền vững, thân thiện với môi trường trong xây dựng đường bộ

Theo các chuyên gia Trường Đại học GTVT, trước xu hướng sử dụng các công nghệ vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đang ngày càng được phổ biến ở các nước trên thế giới. Tỷ lệ này được sử dụng ở Mỹ khoảng 55%, ở châu Âu vào khoảng 63% và ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trung bình khoảng 45%. Với công nghệ mặt đường bền vững sẽ giảm thiểu việc sử dụng nguồn tài nguyên không tái tạo, tiết kiệm được chi phí xây dựng mặt đường, đem lại hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và môi trường.

Hiện nay, Việt Nam đang khẳng định cam kết tại các Hội nghị COP26, COP27 và COP28 liên quan đến phát triển bền vững bằng cách thực hiện các giải pháp trong tất cả các lĩnh vực nhằm đạt được mục tiêu "Phát thải ròng bằng 0" vào năm 2050. Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nước ta sẽ có khoảng 8.300 km đường cao tốc và với khoảng trên 100 triệu tấn bê tông asphalt được sử dụng. Do vậy, việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ vật liệu mặt đường bê tông asphalt bền vững, thân thiện với môi trường trong xây dựng đường bộ là cần thiết và có tính thời sự. Công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ kết cấu mặt đường bê tông asphalt đã được nghiên cứu ứng dụng thành công ở Việt Nam trong hơn 10 năm qua.

Theo số liệu của Cục Đường bộ Việt Nam tính đến nay có đến hơn 210 dự án đã áp dụng công nghệ này trong công tác duy tu, sửa chữa mặt đường. Nhằm giúp các đơn vị quản lý, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công có thêm sự lựa chọn giải pháp công nghệ tái chế vật liệu mặt đường bê tông asphalt

Với mong muốn buổi Tọa đàm Công nghệ bê tông asphalt tái chế nguội tại trạm trộn di động sẽ mang đến cho các nhà khoa học, nhà quản lý có cái nhìn tổng thể về lĩnh vực công nghệ tái chế vật liệu mặt đường asphalt bền vững cũng như kết nối các nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

Tại buổi Tọa đàm, các nhà khoa học đã trình bày các tham luận như: Tình hình nghiên cứu ứng dụng công nghệ bê tông asphalt tái chế nguội ở Việt Nam của TS. Nguyễn Ngọc Lân đến từ Trường Đại học GTVT; Cập nhật chỉ dẫn thiết kế và thi công vật liệu gia cố bitum bọt và nhũ tương bitum của TS. Dave Collings, Loudon International; Kinh nghiệm Tập đoàn Colas cho công nghệ tái chế nguội và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của ông Xavier Guyot, Giám đốc kỹ thuật, (Tập đoàn Colas khu vực châu Á - Thái Bình Dương); Phạm vi ứng dụng công nghệ bê tông asphalt tái chế nguội tại chỗ và tại trạm trộn của ông Benjamin Gruber, Wirtgen Group…

Thông qua buổi Tọa đàm, Trường Đại học GTVT mong muốn đóng góp và thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học, phối hợp với Tập đoàn Wirtgen và các đơn vị liên quan để chuyển giao công nghệ tái chế vật liệu mặt đường bê tông asphalt tại trạm trộn di động phục vụ công tác bảo trì và sửa chữa mặt đường của Việt Nam.

Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm:

Bảo Châu

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/cong-nghe-tai-che-vat-lieu-mat-duong-be-tong-asphalt-phuc-vu-cong-tac-bao-tri-va-sua-chua-mat-duong-183240520161541074.htm