Công nghệ tài chính cũng là giải pháp thu hẹp giàu nghèo

Nếu như trước đây có những ý kiến lo ngại sự bứt tốc của công nghệ sẽ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, thì diễn biến thực tế trên thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam đã cho thấy điều ngược lại.

Khách hàng “dưới chuẩn” tiếp cận tài chính hiện đại

Có lẽ bất kỳ một tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, tín dụng nào cũng đều đau đầu với 2 bài toán: làm thế nào để nâng tỷ lệ quyết định cấp tín dụng thành công lên mức cao nhất, và làm thế nào để hạ tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp nhất? Đối với các DN cung cấp dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ như MoMo, công nghệ chính là lời giải đồng thời cho 2 bài toán đó.

Hiện nay những công nghệ kỹ thuật hàng đầu đang được MoMo ứng dụng để xây dựng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), máy học (Machine Learning), hệ thống ra quyết định thông minh (Intelligent Decisioning System), hệ thống phát hiện gian lận (Fraud Detection)...

Những công nghệ tưởng như xa lạ và phức tạp, nhưng trên thực tế có thể sử dụng để xử lý những vấn đề rất nhỏ và cụ thể. Điển hình là chấm điểm tin cậy của khách hàng MoMo, tương tự như việc ngân hàng chấm điểm tín dụng của khách hàng.

Điểm tin cậy được tính toán bởi AI dựa trên hành vi tiêu dùng, tần suất sử dụng, đánh giá người sử dụng dịch vụ có thanh toán các hóa đơn và khoản vay đầy đủ, đúng hạn hay không. Bên cạnh đó, Big Data xử lý hàng triệu thông tin liên tục nhằm đưa ra đánh giá theo thời gian thực (real-time) về chất lượng tín dụng, để từ đó đề xuất các gói vay phù hợp với khách hàng.

Trên quy mô toàn cầu, có khoảng 30% người trưởng thành không có đủ điều kiện để được hưởng sự phục vụ của hệ thống tài chính truyền thống. Tương tự như vậy, tại Việt Nam có khoảng hơn 50% trong tổng số 56 triệu người trong độ tuổi lao động đang làm việc cho các tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, hoặc lao động tự do. Bởi lẽ nhóm này chứng minh thu nhập ổn định là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, nhóm này đang dần hiện diện trên bức tranh dịch vụ tài chính hiện đại.

Sau 15 năm hoạt động, MoMo đã thu hút được 31 triệu người dùng; tất cả người dùng MoMo đều được chấm điểm và nhận những lợi ích tương ứng, kể cả trong trường hợp chưa có lịch sử tín dụng.

Từ nguồn dữ liệu 31 triệu tài khoản này, có khoảng 2 triệu người sử dụng Ví MoMo trước đây không thể vay từ ngân hàng, nay đã được cấp hạn mức tín dụng thông qua Ví trả sau. Đó là nhóm sinh viên và lao động phổ thông với công việc phi chính thức, nên không thể chứng minh thu nhập; hay nhóm kinh doanh tự do, hộ gia đình có thu nhập không ổn định.

Ví trả sau là sản phẩm tín dụng tiêu dùng hợp tác giữa MoMo và TPBank. Sản phẩm này là minh chứng cụ thể nhất cho thấy, với sự kết hợp giữa công nghệ hàng đầu của fintech và quy trình được chuẩn hóa của tổ chức tín dụng (TCTD), những đối tượng khách hàng trước đây thuộc nhóm “dưới chuẩn” nay đã trở thành một phân khúc tiềm năng.

Việc sử dụng Ví trả sau cũng giúp khách hàng được thiết lập lịch sử tín dụng trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), và mở ra khả năng tiếp cận vay vốn ngân hàng phục vụ cho đời sống, kinh doanh trong tương lai.

Đánh thức tiềm năng ở khu vực

Theo nhận định của các chuyên gia và tổ chức quốc tế, khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 30% GDP. Đó là các đơn vị siêu nhỏ, quán cà phê, tiệm tạp hóa, sạp bán rau, quầy bánh mì ven đường... các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ trong nền kinh tế.

Với những đơn vị này, trong mắt các tổ chức tài chính tín dụng truyền thống cho rằng khó tiếp cận, vì khó thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt; nhiều rủi ro vì không đủ thông tin để đánh giá dòng tiền; dễ tổn thương do ít được trang bị các “bộ đệm” cần thiết để trụ vững trước những biến động kinh tế… Bản thân những đối tượng này cũng có rất ít sự quan tâm tới chuyển đổi số do quy mô nhỏ, thiếu kinh phí, không thể tính bài toán dài hạn.

Để thuyết phục họ tham gia, phải cung cấp được giải pháp với chi phí bỏ ra rất thấp, triển khai rất nhanh, thao tác đơn giản, và quan trọng nhất là phải có lợi tức thì. Chính vì vậy, những năm qua MoMo đã bỏ ra chi phí hàng chục triệu USD để cung cấp các giải pháp chuyển đổi số tức thì, từ đó thu hút và phát triển hệ sinh thái merchant rất lớn, với hàng trăm ngàn hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, bên cạnh đối tác lớn.

Khách hàng của hơn 30 ngân hàng, thông qua MoMo có thể thanh toán tại hàng trăm ngàn đối tác merchant, thay vì từng ngân hàng (đặc biệt các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ) phải mất công sức đi kết nối với từng merchant.

Với các tiểu thương hay doanh nghiệp siêu nhỏ này, MoMo tác động chuyển đổi số bằng khởi đầu đơn giản là quản lý dòng tiền thông qua cung cấp dịch vụ thanh toán. Bên cạnh đó, là các tính năng quản lý khách hàng, giới thiệu sản phẩm ngay trên di động hoàn toàn miễn phí.

Thực tế đã chứng minh, việc thanh toán qua MoMo mang lại nhiều lợi ích khác cho merchant, đó là bán thêm hàng, chăm sóc khách hàng, bán chéo sản phẩm... Đồng thời thông qua việc trở thành điểm chấp nhận thanh toán MoMo, các tiểu thương này cũng có khả năng tiếp cận được với những khoản vay chính thức từ các TCTD truyền thống để phục vụ cho phát triển kinh doanh.

Tóm lại, việc tiếp cận được khu vực kinh tế phi chính thức vừa giải quyết được bài toán tài chính tổng quát, và cũng vừa mở ra “đại dương” mới cho dịch vụ tài chính, thay vì chỉ tập trung một số nhóm nhất định như trước đây. Đó là cách MoMo dùng công nghệ giúp cho những nhóm yếu thế, dễ tổn thương nhất, nhưng lại có đóng góp không nhỏ vào GDP của nền kinh tế.

Nếu như lợi thế công nghệ của fintech giúp nhận diện thêm một phân khúc khách hàng “ngách”, thì quy trình được chuẩn hóa của các TCTD giúp giảm thiểu tối đa các rủi ro khi ra quyết định cho vay.

NGUYỄN BÁ DIỆP, đồng sáng lập MoMo

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/cong-nghe-tai-chinh-cung-la-giai-phap-thu-hep-giau-ngheo-post115177.html