Công nghệ tạo cú hích cho HTX kết nối tiêu thụ nông sản

Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho các HTX được coi là xu thế tất yếu trong thời đại 4.0.

Tại "Diễn đàn kinh tế tập thể: Chia sẻ kinh nghiệm trong kết nối và tiêu thụ sản phẩm của HTX - thời đại công nghệ số" diễn ra ngày 23/8/2024 tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh, nhấn mạnh rằng việc ứng dụng công nghệ đang được các HTX trên địa bàn đặc biệt chú trọng. Nhờ đó, các HTX đã mở rộng cơ hội tiêu thụ và quảng bá nông sản, hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm và tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Xây dựng mạng lưới tiêu thụ

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 19 HTX đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và nuôi trồng, cùng với 17 HTX khác sử dụng công nghệ tiên tiến trong cả sản xuất và quản lý.

Diễn đàn nhắm tháo gỡ khó khăn cho các HTX trong ứng dụng công nghệ trong kết nối, tiêu thụ hàng hóa.

Diễn đàn nhắm tháo gỡ khó khăn cho các HTX trong ứng dụng công nghệ trong kết nối, tiêu thụ hàng hóa.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 110 sản phẩm từ các HTX và tổ hợp tác đã đạt chứng nhận OCOP. Những sản phẩm này đều đã ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất và kết nối tiêu thụ, chẳng hạn như sử dụng thư điện tử, mã QR, xây dựng website, sử dụng phần mềm kế toán, và áp dụng các hình thức thanh toán điện tử.

Nhờ đó, các HTX đã xây dựng được mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp nhiều đặc sản của Hà Tĩnh được quảng bá rộng rãi và dần dần thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại, xuất hiện trên thị trường toàn quốc.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Linh đánh giá cao việc tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu của Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh và Liên minh HTX các tỉnh, thành phố khác.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Linh đánh giá cao việc tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu của Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh và Liên minh HTX các tỉnh, thành phố khác.

Các HTX và tổ hợp tác cũng đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại, trở nên chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, cũng như tham gia các hội chợ và triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá và giới thiệu sản phẩm của mình.

Trước những thành công mà khu vực kinh tế tập thể, HTX tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được trong việc ứng dụng công nghệ và xúc tiến thương mại, bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, nhấn mạnh rằng việc khai thác sức mạnh của khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX là rất cần thiết trong thời đại chuyển đổi số hiện nay.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển KTTT tỉnh Hà Tĩnh Trần Thế Dũng và đại biểu tham dự diễn đàn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển KTTT tỉnh Hà Tĩnh Trần Thế Dũng và đại biểu tham dự diễn đàn.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai Chương trình 503 nhằm hỗ trợ và hướng dẫn các HTX tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, cả truyền thống và hiện đại. Chương trình này được bà Nguyễn Thị Hoài Linh đánh giá cao vì đã tạo điều kiện để các HTX trong tỉnh giao lưu, liên kết và hợp tác tiêu thụ sản phẩm.

“Việc Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh đa dạng hóa và thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thông tin cung cầu trên nền tảng số, cũng như hỗ trợ các HTX tăng cường ứng dụng công nghệ cao, đã có những tác động tích cực đến quá trình kết nối và tiêu thụ hàng hóa của các HTX,” Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.

Đồng hành cùng HTX

Tuy nhiên, bên cạnh những HTX đã gặt hái thành công trong việc ứng dụng công nghệ vào kết nối và tiêu thụ nông sản, vẫn còn nhiều HTX tại Hà Tĩnh đang gặp khó khăn và chưa khai thác hết tiềm năng của công nghệ để mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình.

Ông Lê Vạn Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc (Hà Tĩnh), chia sẻ rằng để đạt được thành công, yếu tố khoa học kỹ thuật là cần thiết để định hướng phát triển. Tuy nhiên, một thách thức hiện nay là trình độ của cán bộ HTX còn hạn chế, khiến việc áp dụng công nghệ không được linh hoạt. Thậm chí, nhiều HTX có thành viên lớn tuổi, nên việc đào tạo và tập huấn để sử dụng công nghệ mất nhiều thời gian và không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả cao.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Hùng cho biết thời gian qua, nhiều chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các HTX đã được tổ chức.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Hùng cho biết thời gian qua, nhiều chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các HTX đã được tổ chức.

Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ và đầu ra cho nông sản của các HTX trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện vẫn chưa ổn định, gây thêm khó khăn trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Chỉ khi thị trường tiêu thụ thuận lợi, mang lại nguồn thu nhập và lợi nhuận, các thành viên HTX mới có đủ động lực để tiếp tục đầu tư vào công nghệ phục vụ sản xuất.

Trước thực tế này, ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, cho rằng để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong việc kết nối và tiêu thụ nông sản cho HTX, cần tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình HTX ứng dụng quy trình sản xuất bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các quy trình công nghệ và thiết bị kỹ thuật phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn môi trường.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tập huấn và đào tạo, nâng cao nhận thức và trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử, đặc biệt là các kỹ năng về tiếp thị, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hoài Linh, cũng nhấn mạnh rằng Liên minh HTX Hà Tĩnh cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và HTX. Đồng thời, cần chủ động hỗ trợ và tư vấn thành lập mới các HTX, phát triển thành viên, tạo điều kiện để các HTX có thể ứng dụng công nghệ và tiếp cận các cơ chế hỗ trợ hiệu quả hơn.

Diễn đàn có khu vực trưng bày và giới thiệu sản phẩm của các HTX.

Diễn đàn có khu vực trưng bày và giới thiệu sản phẩm của các HTX.

Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh cũng cần tăng cường kết nối để tổ chức đa dạng và thường xuyên các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số, hỗ trợ các HTX trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và kinh doanh.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển KTTT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, và địa phương cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX ứng dụng công nghệ, từ đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể và HTX, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 20-NQ/TW. Các sở, ngành và đơn vị liên quan sẽ tiếp tục rà soát lại các chính sách và dựa trên chỉ đạo của Trung ương, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh khác và thực tiễn tại địa phương để nghiên cứu và tham mưu điều chỉnh các chính sách phù hợp, nhằm giúp ngày càng nhiều HTX được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/cong-nghe-tao-cu-hich-cho-htx-ket-noi-tieu-thu-nong-san-1101909.html