Công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông: Tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0
Thời gian qua, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc; những thành tựu đạt được rất quan trọng. Tuy nhiên, ngành này vẫn phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình phát triển công nghiệp CNTT giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 392/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã nêu ra những con số “ấn tượng”: Doanh thu ngành CNTT năm 2019 ước đạt 112 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, đóng góp trên 14% cho GDP...
Các mặt hàng công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông, đặc biệt là điện thoại và máy tính chiếm vị trí Top 1 và Top 3 trong danh sách Top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019, xuất siêu khoảng 28 tỷ USD; đồng thời đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử, linh kiện.
Hiện nay, ngoài 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đã có thêm 5 tỉnh, thành phố tham gia vào nhóm địa phương có doanh thu trên 1 tỷ USD về CNTT, điện tử viễn thông là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng. Trong đó Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã trở thành những trung tâm sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường thế giới. 5 địa phương còn lại cũng hình thành các nhà máy sản xuất thiết bị phần cứng điện tử có quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.
Theo nhận định của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, từ chỗ chưa được nhận diện, đến nay Việt Nam đang được đánh giá Top 5 quốc gia hấp dẫn nhất về cung cấp dịch vụ xuất khẩu phần mềm, là đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản - 1 trong 3 thị trường có nhu cầu nhập khẩu dịch vụ CNTT lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, trong đó doanh thu của các doanh nghiệp này chiếm tới 98% tổng doanh thu xuất khẩu. Mặc dù số lượng doanh nghiệp nội địa nhiều nhưng 99% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là dịch vụ ủy thác, lắp ráp.
Về doanh thu, doanh nghiệp nội địa chỉ đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu ngành. Doanh thu và xuất khẩu của ngành lại chủ yếu phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng 90%. Chưa kể, vẫn còn trên 20 địa phương chưa có hoạt động phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông.
Dự báo, giai đoạn tới, ngành công nghiệp CNTT còn nhiều tiềm năng phát triển, nhằm bắt kịp xu thế công nghiệp 4.0 và chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ. Trong Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đã đặt ra mục tiêu hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về CNTT. Theo đó, doanh nghiệp CNTT cần phát huy vai trò xung kích, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.
Để thu hút và phát triển bền vững vào lĩnh vực CNTT, các chuyên gia cho rằng, cần chú trọng đào tạo nguồn lực, xây dựng và nhận diện rõ sản phẩm chủ lực, đưa ra các chính sách hấp dẫn. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết, giá trị giữa các doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao giá trị, chất lượng, sức cạnh tranh, khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ, nghiên cứu, thiết kế, sản xuất của ngành CNTT, điện tử viễn thông Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.