Công nghệ thúc đẩy du lịch hang động ở Quý Châu, Trung Quốc

Dưới lớp đá vôi xếp tầng của miền tây nam Trung Quốc là một kho báu địa chất hàng triệu năm tuổi đang từng bước được 'đánh thức' nhờ sự kết nối giữa khoa học, công nghệ và chiến lược phát triển du lịch có trách nhiệm.

Hàng chục nghìn hang động karst nằm sâu trong lòng núi Quý Châu mới chỉ biết đến qua hoạt động nghiên cứu

Hàng chục nghìn hang động karst nằm sâu trong lòng núi Quý Châu mới chỉ biết đến qua hoạt động nghiên cứu

Tỉnh Quý Châu đang cho thấy một hướng đi đáng chú ý trong khai thác du lịch hang động, không chỉ là phát triển du lịch mạo hiểm hay sinh thái, mà còn là kiến tạo một “nền kinh tế hang động” mang tính biểu tượng văn hóa và mô hình kinh tế xanh của thế kỷ 21.

Từ “bóng tối…”

Trước đây, hàng chục nghìn hang động karst nằm sâu trong lòng núi Quý Châu hầu như chỉ được biết đến qua giới nghiên cứu chuyên ngành.

Được hình thành qua hàng trăm triệu năm bởi sự xói mòn liên tục của nước, những hang động này không chỉ sở hữu cấu trúc địa chất kỳ vĩ mà còn lưu giữ dấu vết hoạt động của con người từ thời tiền sử.

Cùng với sự phong phú về đa dạng sinh học, hệ thống hang động karst Quý Châu được ví như một “bảo tàng sống” dưới lòng đất, vừa bí ẩn, vừa mong manh.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, tiềm năng ấy vẫn bị “bỏ quên” trong im lặng, bởi lằn ranh mong manh giữa phát triển và bảo tồn.

Chính vì vậy, việc Quý Châu triển khai kế hoạch quản lý phân loại, phục hồi sinh thái và phát triển có trách nhiệm tài nguyên hang động từ tháng 2 vừa qua, được xem là một bước chuyển mang tính bản lề.

“Những hang động này, trước đây nằm im lìm trong lòng núi, giờ đây đang thức tỉnh như một tài sản độc đáo của khu vực. Chúng không chỉ là kỳ quan thiên nhiên mà còn là biểu tượng văn hóa và kinh tế”, ông Tần Tiểu Khang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Phát thanh, Truyền hình và Du lịch huyện Lệ Ba khẳng định.

…đến “ánh sáng” của phát triển có trách nhiệm

Trong bối cảnh Diễn đàn Sinh thái Toàn cầu Quý Dương 2025 vừa diễn ra tại thủ phủ của tỉnh với chủ đề “Bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên”, du lịch hang động đã trở thành một ví dụ tiêu biểu cho tầm nhìn chiến lược của địa phương.

“Nền kinh tế hang động” đang thực sự "cất cánh". Tại khu danh lam thắng cảnh Forest Coolpark thuộc Libo Karst - Di sản thế giới được UNESCO công nhận, dòng du khách đổ về ngày càng đông.

“Vừa thú vị vừa bổ ích”, cậu bé Vương Tử Thần, 14 tuổi, nhận xét sau chuyến khám phá hệ thống hang động cùng bạn bè trong kỳ nghỉ hè. Dưới ánh đèn pha cá nhân và chiếc mũ bảo hiểm, cậu là một phần của làn sóng du lịch phiêu lưu dưới lòng đất - hình thức du lịch mới đang tạo nên dấu ấn ở Quý Châu.

“Chúng tôi tuân thủ nguyên tắc sinh thái đầu tiên trong quá trình phát triển của mình”, ông Ren Peng, Tổng Giám đốc khu danh lam thắng cảnh cho biết.

“Chúng tôi bảo tồn các đặc điểm tự nhiên của hang động trong khi thiết kế các tuyến tham quan và tránh mọi hoạt động xây dựng ở các phần sâu hơn. Tất cả rác thải đều được quản lý chặt chẽ và được loại bỏ khỏi hang động hàng ngày”, ông nói.

Từ đầu mùa du lịch năm nay, Forest Coolpark đã đón gần 10.000 du khách, thu về hơn 7 triệu nhân dân tệ (khoảng 978.542 USD). Con số ấy chỉ là một phần nhỏ trong quy mô thị trường ước tính đã đạt tới 1 tỉ nhân dân tệ của ngành du lịch hang động tỉnh Quý Châu, con số đầy hứa hẹn trong một lĩnh vực vốn được xem là “ngách”.

“Nền kinh tế hang động” đang thực sự "cất cánh" khi được "đánh thức" bằng công nghệ và du khách đổ về ngày càng đông

“Nền kinh tế hang động” đang thực sự "cất cánh" khi được "đánh thức" bằng công nghệ và du khách đổ về ngày càng đông

Khoa học “làm nền”, công nghệ “làm cánh”

Không chỉ dựa vào cảnh quan tự nhiên, sự phát triển của du lịch hang động ở Quý Châu còn được dẫn dắt bởi khoa học địa chất và ứng dụng công nghệ hiện đại.

“Cần phải phát triển các hang động dựa trên nghiên cứu khoa học hang động vững chắc”, ông Jean Bottazzi, nhà thám hiểm người Pháp và đại diện Liên đoàn hang động học Pháp tại Trung Quốc chia sẻ.

Suốt hơn ba thập kỷ qua, ông đã gắn bó với hang Shuanghedong - hang động dài nhất châu Á nằm tại huyện Suiyang của tỉnh.

Không chỉ là nhà nghiên cứu, Bottazzi còn đóng vai trò như một cầu nối giữa giới chuyên gia và chính quyền địa phương trong việc thiết kế chiến lược bảo tồn song hành cùng khai thác du lịch.

“Thật đáng khích lệ khi thấy rằng phát triển có trách nhiệm không chỉ bảo tồn môi trường hang động mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho dân làng địa phương bằng cách tạo ra các cơ hội việc làm mới”, ông nhấn mạnh.

Từ công nghệ quét laser trên mặt đất để dựng mô hình 3D chi tiết nội thất hang động, đến hệ thống du lịch thông minh giám sát nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ CO2 và lưu lượng du khách theo thời gian thực, những “vũ khí số” đã được áp dụng mạnh mẽ tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO hang động Zhijindong ở thành phố Bijie.

Theo ông Liu Haibo, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển du lịch hang động Zhijindong, lần quét laser đầu tiên được thực hiện từ năm 2015 và lần tiếp theo dự kiến sẽ triển khai vào năm tới.

“Bằng cách so sánh các hồ sơ, chúng tôi có thể theo dõi tình trạng của từng nhũ đá, cho dù chúng đang phát triển hay bị hư hại và điều chỉnh chiến lược bảo tồn và phát triển của mình cho phù hợp”, ông Liu cho biết.

Phó Giám đốc Viện Tài nguyên miền núi Quý Châu, ông Zhou Wenlong, nhấn mạnh thêm: “Một số hang động có hệ sinh thái mong manh và địa hình phức tạp khó tiếp cận. Chúng tôi sử dụng công nghệ kỹ thuật số để cung cấp quyền truy cập ảo vào các địa điểm mỏng manh này”, mở ra một hướng đi mới: Tiếp cận du lịch không cần hiện diện vật lý.

Chủ tịch Liên minh Khoa học Địa chất Quốc tế, ông Hassina Mouri nhận định: “Bằng cách sử dụng các công cụ như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, chúng tôi phát hiện, dự đoán và hiểu rõ hơn các tương tác giữa các bộ phận khác nhau của môi trường tự nhiên của chúng ta”.

Đây chính là chìa khóa để xây dựng du lịch bền vững dựa trên dữ liệu và hiểu biết sâu sắc, thay vì dựa vào cảm tính hay xu hướng.

Sáng tạo từ lòng đất

Không dừng ở du lịch, nhiều hang động tại Quý Châu còn được “hồi sinh” bằng tư duy sáng tạo: Từ nhà hàng, quán bar, nhà trọ cho đến hầm trồng nấm, hầm sản xuất rượu vang hay trung tâm lưu trữ dữ liệu…, tất cả tận dụng điều kiện tự nhiên ổn định về nhiệt độ và độ ẩm của hệ thống hang động.

Đây là những ví dụ điển hình cho xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nơi giá trị được tạo ra từ chính điều kiện địa lý độc đáo.

Cựu Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Erik Solheim kết luận: “Những ý tưởng và cách tiếp cận được thực hiện tại các tỉnh xanh của Trung Quốc nhằm cân bằng tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường có thể áp dụng ở mọi nơi. Nhiều thành phố ở các nước đang phát triển có thể lấy Trung Quốc làm nguồn cảm hứng”.

Từ đá vôi đến tầm nhìn bền vững

Quý Châu đang vẽ lại bản đồ du lịch của Trung Quốc bằng cách khai thác một nguồn lực tưởng chừng không thể là những hang động tăm tối trong lòng núi và biến chúng thành không gian của ánh sáng, tri thức và tăng trưởng bền vững.

Trong bối cảnh toàn cầu đang tìm kiếm những mô hình phát triển hòa hợp với thiên nhiên, “nền kinh tế hang động” của Quý Châu không những là một kỳ tích địa chất, mà còn là một minh chứng mạnh mẽ cho tương lai của du lịch xanh, có trách nhiệm và thông minh.

TRUNG SƠN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/cong-nghe-thuc-day-du-lich-hang-dong-o-quy-chau-trung-quoc-150409.html