Công nghệ và quyền làm chủ của Nhân dân

Những kết quả ấn tượng về lấy ý kiến Nhân dân qua ứng dụng VNeID cho thấy, công nghệ không thay thế được con người, nhưng hoàn toàn có thể trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực để mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả lập pháp.

Việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang diễn ra sôi nổi, thu hút sự quan tâm rộng rãi của xã hội. Chỉ sau 19 ngày triển khai, tính đến chiều 24/5 đã có hơn 14 triệu người dân góp ý về các nội dung sửa đổi trên ứng dụng VNeID, chưa kể các kênh góp ý truyền thống khác. Trước đó, báo cáo tại Phiên họp thứ hai của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cho thấy, tính đến 16h ngày 22/5, đã có gần 71 triệu lượt ý kiến góp ý trên ứng dụng VNeID.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp toàn thể thứ hai của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chiều 22/5

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp toàn thể thứ hai của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chiều 22/5

Những con số này phản ánh sự quan tâm sâu sắc của người dân đối với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, là minh chứng cho tinh thần dân chủ, trách nhiệm công dân trước những vấn đề hệ trọng của đất nước; đồng thời cho thấy hiệu quả bước đầu của việc ứng dụng công nghệ trong thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quy trình lập hiến, lập pháp.

Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vẫn còn kéo dài đến hết ngày 5/6. Số lượng người dân đóng góp ý kiến qua ứng dụng VNeID và các kênh khác vẫn đang không ngừng tăng lên.

Các công việc tổng hợp ý kiến góp ý cũng đang được các cơ quan khẩn trương thực hiện. Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã cho ý kiến về các vấn đề nổi lên qua tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội và qua theo dõi tình hình lấy ý kiến Nhân dân; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị dự kiến phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai vào ngày 16/6 tới.

Tất cả đều nhằm mục tiêu cao nhất, như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn “tiếp thu tối đa, giải trình thuyết phục, cung cấp thông tin đầy đủ, thể hiện đúng “ý Đảng lòng dân” để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đúng tiến độ.

Bên cạnh ý nghĩa chính trị - pháp lý, đợt lấy ý kiến lần này còn là một dấu mốc trong việc kết hợp giữa công nghệ và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Với nền tảng số như VNeID, người dân có thể tiếp cận dự thảo, tham gia đóng góp ý kiến ở mọi lúc, mọi nơi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với người dân vùng sâu, vùng xa, hoặc những nhóm yếu thế thường khó tiếp cận các kênh tham vấn truyền thống.

Việc ứng dụng công nghệ đã góp phần phá bỏ rào cản không gian và thời gian, giúp quy trình lập pháp trở nên minh bạch và hiệu quả hơn. Người dân không chỉ được cung cấp thông tin mà còn có thể theo dõi tiến trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo - qua đó thúc đẩy sự giám sát xã hội và nâng cao chất lượng chính sách.

Ở chiều ngược lại, các cơ quan soạn thảo và thẩm tra có thể tận dụng công nghệ để tiếp cận ý kiến nhân dân một cách rộng rãi, có hệ thống. Việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo có thể giúp phát hiện các vấn đề nổi cộm, phân loại ý kiến theo nhóm nội dung, từ đó nâng cao chất lượng phản biện và giải trình chính sách.

Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ vào lập pháp cũng đặt ra một số yêu cầu mang tính nền tảng. Trước hết là bảo đảm hạ tầng số ổn định, an toàn và dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo kỹ năng số cho người dân, nhất là những nhóm có nguy cơ bị "bỏ lại phía sau". Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn lạm dụng thông tin, xử lý thông tin sai lệch, xấu độc trên không gian mạng trong quá trình lấy ý kiến.

Tất nhiên, công nghệ không thay thế được con người trong xây dựng chính sách. Việc tổng hợp, tiếp thu và giải trình đầy đủ, thấu đáo, khách quan ý kiến của Nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bảo đảm các dự thảo luật phản ánh đúng, trúng ý nguyện của Nhân dân. Nhưng công nghệ hoàn toàn có thể trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực để mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả lập pháp. Khi được sử dụng đúng cách, công nghệ giúp chuyển đổi vai trò của người dân từ đối tượng thụ hưởng chính sách sang chủ thể tham gia kiến tạo pháp luật.

Do đó, việc tiếp tục đầu tư vào hạ tầng số, cải tiến quy trình lấy ý kiến và truyền thông chính sách, cũng như nâng cao nhận thức xã hội về quyền tham gia của người dân trong không gian số là những bước đi hết sức cần thiết, đưa tiến trình lập pháp ngày càng gần dân, minh bạch và hợp lòng dân hơn trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cong-nghe-va-quyen-lam-chu-cua-nhan-dan-10373765.html