Công nghệ vật lý số giúp kiếm tiền cho công nghiệp văn hóa như thế nào?

Công nghệ vật lý số tạo ra những cơ hội kinh tế mới cho ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc bán vé tham quan triển lãm số, sản xuất và phân phối các sản phẩm phái sinh, và mua bán các bản sao số của các hiện vật di sản.

Ngành công nghiệp văn hóa đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhờ vào việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để khai thác bản quyền di sản. Công nghệ vật lý số giúp tối ưu hóa quá trình quản lý, bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa, đồng thời tạo ra những trải nghiệm phong phú và hấp dẫn cho du khách.

Tại Hội nghị ban chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới (WFUCA) lần thứ 43 và Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO với Công nghiệp văn hóa”, được tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, ông Huy Nguyễn, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phygital Labs, đã giới thiệu các giải pháp công nghệ có thể biến đổi ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời mở ra những cơ hội kinh tế mới.

Công nghệ vật lý số giúp định danh các di sản văn hóa và tạo ra các triển lãm văn hóa trên không gian ảo. Ảnh chụp màn hình

Công nghệ vật lý số giúp định danh các di sản văn hóa và tạo ra các triển lãm văn hóa trên không gian ảo. Ảnh chụp màn hình

Định danh các cổ vật di sản nguyên gốc

Vật lý số cho phép định danh số các cổ vật di sản nguyên gốc. Đây là quá trình gắn kết mỗi hiện vật với một mã định danh duy nhất, giúp theo dõi và quản lý thông tin liên quan đến hiện vật đó một cách chi tiết và chính xác. Quá trình này bao gồm việc thu thập thông tin về nguồn gốc, lịch sử và giá trị của hiện vật, sau đó lưu trữ các thông tin này vào một hệ thống quản lý số.

Công nghệ vật lý số, bao gồm NFC và Blockchain, được sử dụng để định danh các hiện vật. Chip NFC được gắn vào mỗi hiện vật, cho phép truyền tải dữ liệu nhanh chóng và an toàn khi tiếp xúc gần. Blockchain được sử dụng để lưu trữ và bảo vệ dữ liệu định danh, đảm bảo tính minh bạch và không thể thay đổi của thông tin.

Việc định danh số giúp cơ quan quản lý di sản theo dõi và bảo vệ các hiện vật một cách hiệu quả, chống lại nạn hàng giả và trộm cắp. Các cơ quan nhà nước có thể sử dụng cơ sở dữ liệu số để phát triển các chương trình giáo dục và quảng bá văn hóa, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di sản.

Việc quản lý thông tin chính xác và minh bạch cũng tạo ra niềm tin cho các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế, thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ tài chính cho công tác bảo tồn.

Đối với du khách, thông tin chi tiết về các hiện vật có thể dễ dàng truy cập thông qua điện thoại di động có hỗ trợ NFC, tạo ra trải nghiệm tham quan tương tác và giáo dục hơn.

Các ứng dụng di động có thể cung cấp các tính năng tương tác như hướng dẫn tham quan, trò chơi giáo dục và video minh họa, giúp du khách trải nghiệm một cách sinh động và hấp dẫn.

Điều này giúp thu hút nhiều du khách và khuyến khích họ quay lại tham quan nhiều lần, cũng như góp phần lan tỏa văn hóa, đóng góp vào sự phát triển bền vững của du lịch văn hóa.

Bán vé tham quan triển lãm số các cổ vật di sản đã được định danh

Bán vé tham quan triển lãm số là quá trình cung cấp cho du khách quyền truy cập vào các triển lãm số hóa, nơi các hiện vật di sản được trưng bày trong không gian ảo.

Du khách có thể mua vé trực tuyến và tham quan triển lãm từ bất cứ đâu trên thế giới thông qua các thiết bị điện tử như máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động, cũng như trực tiếp tương tác và khám phá các cổ vật thông qua các công cụ hỗ trợ trải nghiệm thực tế ảo như kính Apple Vision Pro, Meta Quest...

Công nghệ vật lý số nói chung và AR/VR/XR ((thực tế tăng cường/ thực tế ảo/thực tế mở rộng) nói riêng được sử dụng để tạo ra các không gian triển lãm ảo.

Bán vé triển lãm số tạo ra nguồn thu nhập bổ sung, đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận của các triển lãm, thu hút du khách quốc tế và nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa.

Điều này giúp các cơ quan quản lý di sản tận dụng tối đa nguồn lực từ các bản quyền di sản hiện có, tạo ra lợi nhuận để tái đầu tư vào công tác bảo tồn và quản lý. Hơn nữa, các triển lãm số hóa có thể dễ dàng cập nhật và mở rộng, cho phép các cơ quan nhà nước nhanh chóng phản ứng với những thay đổi và nhu cầu mới từ công chúng.

Việc tổ chức các triển lãm số cũng giúp thúc đẩy du lịch ảo, đặc biệt hữu ích trong trường hợp dịch bệnh hoặc các hạn chế đi lại, đảm bảo rằng di sản văn hóa vẫn tiếp cận được với cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, du khách có thể tham quan các triển lãm văn hóa từ xa, không bị giới hạn bởi địa lý hay thời gian.

Sản xuất và phân phối các món đồ lưu niệm là bản sao từ các cổ vật di sản

Sản xuất và phân phối các món đồ lưu niệm là bản sao từ các cổ vật di sản là quá trình tạo ra các sản phẩm phái sinh từ các hiện vật di sản, thường là các mô hình hoặc đồ lưu niệm, để bán cho công chúng.

Công nghệ quét và in 3D được sử dụng để tạo ra các bản sao chính xác của các hiện vật di sản. Công nghệ NFC cũng có thể được tích hợp vào các sản phẩm này, cho phép người dùng truy cập thông tin số hóa về hiện vật gốc thông qua ứng dụng di động.

Việc sản xuất và phân phối các sản phẩm phái sinh từ di sản văn hóa tạo ra nguồn thu nhập mới, hỗ trợ tài chính cho công tác bảo tồn và quản lý di sản. Khi các sản phẩm phái sinh được tiêu thụ rộng rãi, chúng sẽ tạo ra doanh thu, thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của cộng đồng vào việc bảo tồn, tôn vinh di sản.

Việc gắn chip NFC vào các sản phẩm này không chỉ tăng cường giá trị tương tác mà còn bảo vệ bản quyền, đảm bảo quyền lợi cho các cơ quan quản lý di sản.

Du khách có thể mua các sản phẩm phái sinh làm quà lưu niệm, mang theo một phần của trải nghiệm văn hóa từ địa điểm du lịch trở về nhà, nhằm tạo ra kỷ niệm đáng nhớ cũng như khuyến khích việc học hỏi và tìm hiểu thêm về di sản văn hóa.

Mua bán phiên bản số của các cổ vật trên chợ vật lý số và trả phí bản quyền cho đơn vị quản lý cổ vật

Mua bán phiên bản số của các cổ vật trên chợ vật lý số là quá trình tạo ra và giao dịch các phiên bản số hóa của hiện vật di sản. Các phiên bản số này có thể là các hình ảnh 3D, video, hoặc các đối tượng số hóa khác, được bán cho công chúng thông qua các nền tảng chợ vật lý số.

Blockchain được sử dụng để tạo ra và quản lý các phiên bản số của hiện vật di sản, đảm bảo tính xác thực và không thể thay đổi của các giao dịch. Một phần doanh thu từ các giao dịch này sẽ được trả cho đơn vị quản lý cổ vật như là phí bản quyền.

Việc mua bán phiên bản số tạo ra nguồn thu nhập mới từ việc khai thác, mở rộng phạm vi tiếp cận của các di sản văn hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các hiện vật di sản. Điều này hỗ trợ tài chính cho công tác bảo tồn và quản lý di sản, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và công nghiệp văn hóa.

Du khách có thể sở hữu các phiên bản số của các hiện vật di sản, tạo ra một cách mới để tương tác và khám phá văn hóa. Các phiên bản số này có thể được sử dụng trong các ứng dụng số, trưng bày trong không gian ảo, hoặc trao đổi trên các nền tảng trực tuyến, tạo ra những trải nghiệm độc đáo và phong phú.

Lê Mỹ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-nghe-vat-ly-so-giup-kiem-tien-cho-cong-nghiep-van-hoa-nhu-the-nao-2315691.html