Công nghệ VR giúp các bệnh nhân tâm thần phân liệt phục hồi
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Semmelweis ở Budapest đã sử dụng công nghệ VR để hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Semmelweis ở Budapest đã sử dụng công nghệ VR để hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt.
Theo WHO, căn bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 24 triệu người trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến các lĩnh vực của cuộc sống như hoạt động cá nhân, xã hội và nghề nghiệp.
Các nhà khoa học đã phát triển cái gọi là phương pháp trị liệu VR-ToMIS (viết tắt của “Virtual-Reality based Theory of Mind Intervention in Schizophrenia”), nhằm mục đích nâng cao nhận thức của bệnh nhân - một thành phần cơ bản của nhận thức con người và tương tác xã hội.
"Theory of Mind là khả năng diễn giải cảm xúc, suy nghĩ và mong muốn của con người. Bệnh nhân tâm thần rất kém trong việc hiểu và diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình. Họ thường gặp khó khăn trong việc hiểu được những câu nói mang ý ẩn dụ. Phương pháp của chúng tôi giúp người bệnh cải thiện những kỹ năng trên", Tiến sĩ Lajos Simon, người đứng đầu nhóm nghiên cứu giải thích.
VR-ToMIS, được phát triển bằng phần mềm vTime của công ty khởi nghiệp Anh. Nó bắt đầu với phần giới thiệu để bệnh nhân làm quen với công nghệ và các khái niệm cơ bản về Theory of Mind. Sau đó các bệnh nhân sẽ được tham gia thêm 8 buổi điều trị, mỗi buổi kéo dài 50 phút.
Ở buổi điều trị đầu tiên, bệnh nhân đeo kính VR và hòa mình vào các tình huống hàng ngày, từ đi dạo trên bãi biển cho đến việc sống với bạn cùng phòng hoặc gặp gỡ đồng nghiệp mới. Trong tất cả các tình huống mô phỏng, bệnh nhân tương tác với các nhân vật ảo do các nhà trị liệu điều khiển. Các nhà trị liệu sẽ sử dụng các câu nói ẩn dụ, hài hước và những câu có nghĩa kép để phát hiện ra những khiếm khuyết trong nhận thức của bệnh nhân.
Sau khi quá trình mô phỏng này kết thúc, bệnh nhân tham gia vào buổi trị liệu thứ hai. Ở bài trị liệu này, bệnh nhân sẽ được cho xem các sắc thái trên khuôn mặt 3D và nhiệm vụ của họ là đoán xem những sắc thái trên khuôn mặt đó đang biểu hiện loại cảm xúc gì.
Giai đoạn thử nghiệm của phương pháp VR-ToMIS kết thúc vào năm 2022, với sự tham gia của 43 bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy những cải thiện đáng kể về khả năng nhận thức của các bệnh nhân.
Phản hồi của bệnh nhân cũng rất tích cực. 93,3% số người tham gia thấy phương pháp này rất thú vị và 78% coi đây là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng của họ.
Trong khi đó, 77,3% cố gắng áp dụng các kỹ năng đã học vào các tình huống thực tế, với 93,3% trong số họ cho biết kỹ năng giao tiếp của họ đã cải thiện một cách đáng kể.
Theo Vass, một phần quan trọng khác trong thành công của phương pháp này là “tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ vượt trội”.
Cô ấy nói với TNW: “Tuân thủ là trở ngại lớn nhất để phục hồi bệnh tâm thần phân liệt. Đối với các bệnh nhân được trị liệu bằng phương pháp trên, không có trường hợp nào bỏ ngang giữa chừng, vì vậy tôi nghĩ VR là thứ thú vị giúp các bệnh nhân tuân thủ quá trình trị liệu. Tất nhiên, cách tiếp cận của nhà trị liệu cũng có thể là một yếu tố quan trọng khác.”
Vass lưu ý rằng, mặc dù các nghiên cứu chưa chứng minh được rằng VR là thứ khiến cho các bệnh nhân tuân thủ lộ trình trị liệu, nhưng rõ ràng công nghệ mới này khiến các bệnh nhân cảm thấy thú vị hơn là các bài tập trị liệu truyền thống.