Bước sang thế kỷ XXI, dấu ấn của công nghệ quốc phòng Israel trong lực lượng Tăng - Thiết giáp Việt Nam là vô cùng rõ rệt, giúp cho ta có được nhiều công nghệ như công nghệ chế tạo giáp phản ứng nổ, công nghệ tự nâng cấp cũng như lắp ráp xe.
Lực lượng Tăng - Thiết giáp Việt Nam sở hữu một số lượng cực kỳ đông đảo với phần lớn là các xe tăng chiến đấu hạng trung T-54/55 nổi tiếng của Liên Xô cùng phiên bản Trung Quốc của nó là Type-59, các xe thiết giáp chở quân BTR-60PB, M-113,… đã từng tung hoành trên nhiều chiến trường trong suốt nửa cuối của thế kỷ 20, tạo nhiều chiến công vang dội trong lịch sử nước nhà. Ảnh: Xe tăng T-55 của Lục quân Việt Nam.
Tuy nhiên khi bước vào thế kỷ XXI, Quân đội ta cũng đã nhanh chóng nhận ra rằng các xe tăng chiến đấu hạng trung T-54 dù cho có số lượng lớn nhưng đã dần lạc hậu. Đây cũng là thời điểm mà mối hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Israel nảy nở vô cùng tốt đẹp. Và cũng vì lẽ đó, ta đã mời các chuyên gia Israel sang nâng cấp thử nghiệm cấu hình T-54B lên chuẩn T-54M3. Ảnh: Xe tăng T-54M3 nâng cấp (trái) và T-54B (phải)
Xe tăng T-54M3 thay thế pháo nòng xoắn D-10T 100mm của T-54B bằng pháo cỡ 105mm kiểu NATO với ốp cách nhiệt nòng pháo, bổ sung thêm khối giáp hộp phản ứng nổ ở mặt trước tháp pháo và mặt trước thân, thêm giáp lồng ở phía sau tháp pháo, lắp đặt giáp váy nhẹ cho xích xe, trang bị một súng cối 60mm, hộp chứa ống phóng lựu đạn khói ngụy trang. Bản nâng cấp có thể nói là khá toàn diện, bổ sung đáng kể cả về công lẫn thủ, xe đã chính thức được bắn thử nghiệm đạt kết quả khá tốt. Ảnh: Xe tăng T-54M3 của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thay thế pháo 100mm chuẩn Liên Xô trên T-54B sang pháo 105mm chuẩn NATO lại không hợp lý, nó làm ta không thể tự chủ được nguồn đạn pháo, tốn kém trong đảm bảo hậu cần trong khi hỏa lực mạnh hơn không bao nhiêu. Động cơ xe cũng không được thay mới mà chỉ tăng thêm công suất, trong khi phải tải trọng tăng lên rất nhiều làm ảnh hưởng đến khả năng cơ động của xe, súng cối 60mm bổ sung xem như cũng là không cần thiết. Do đó, phiên bản nâng cấp T-54M3 do Israel thực hiện đã không được chấp nhận và chỉ có duy nhất một nguyên mẫu.
Từ phiên bản T-54M3, Israel đã cho sửa đổi một số thiết kế để phù hợp với điều kiện chiến đấu cũng như yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội Việt Nam, cho ra đời phiên bản T-54M. Có thể nói rằng, T-54M chính là phiên bản cắt giảm những chi tiết thừa của T-54M3 như giữ nguyên pháo 100mm nhưng bổ sung ốp các nhiệt, loại bỏ giáp váy để giảm trọng lượng xe. Kết hợp với hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, cảm biến thời tiết, kính ngắm đa kênh kết hợp, … Và đây cũng là bản ưu việt nhất, chính thức được Việt Nam chọn, do nhà máy Z-153 đảm nhiệm nâng cấp dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ của chuyên gia đến từ nước bạn.Ảnh: Xe tăng T-54M nâng cấp của Việt Nam.
Đến nay, sau thời gian thực hiện nâng cấp số lượng các xe T-54B lên chuẩn T-54M, ta đã có một vốn liếng đáng kể, góp phần vào nâng cao khả năng chiến đấu của xe, phần nào đáp ứng nhu cầu của chiến tranh hiện đại, có thể tiệm cận nhiều loại xe tăng thế hệ thứ 3, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho các xe tăng nhập khẩu tiên tiến hơn. Có thể nói rằng, dấu ấn Israel đậm đà trên những chiến tăng cũ kỹ của Liên Xô này, giúp nó phục hồi sức mạnh trên chiến trường. Ảnh: Biên đội xe tăng T-54M huấn luyện.
Cũng trong giai đoạn Israel cho ra đời mẫu nâng cấp T-54M3, họ cũng đã chào hàng Việt Nam gói nâng cấp xe thiết giáp chở quân M-113 mà ta thu được số lượng lớn từ tay Mỹ sau năm 1975 với số lượng lớn nhưng cũng đã lạc hậu nhiều phần. Gói nâng cấp bao gồm bổ sung thêm giáp hai bên hông, thêm thùng dầu phụ ở phía sau, thêm bộ phận hỗ trợ bơi ở phía trước, thay thế tháp pháo. Tuy nhiên, cũng chỉ có duy nhất một nguyên mẫu nâng cấp M-113 được ra đời và Quân đội ta đã chọn gói tự mình nâng cấp kinh tế hơn. Ảnh: Xe bọc thép M-113 do Israel nâng cấp.
Trong những năm 2000, Bộ Công an cũng đã nhập khẩu số lượng lớn xe bọc thép chở quân vượt địa hình RAM-2000 của Công ty IAI - Israel. Xe có thiết kế hiện đại, gọn nhẹ, độ cơ động cao và bọc giáp tốt, có thể chống lại mọi loại đạn súng bộ binh hoặc mảnh văng. RAM-2000 có trọng lượng không tải 4.800 tấn, gầm xe cao 0.53m, khả năng vượt chướng ngại vật cao 0.8m, lội nước sâu tối đa 1m. Kíp lái 2 người cũng như có thể chở theo 6 chiến sĩ. Ảnh: Xe bọc thép RAM-2000 thử nghiệm vượt địa hình.
RAM-2000 có thể đạt vận tốc tối đa lên tới 100km/h, dự trữ hành trình 800km, vượt dốc đứng 60độ, đi được trên mặt phẳng nghiêng 30 độ. Vũ trang xe là 3 giá súng có thể triển khai súng máy hạng nặng 12.7mm, súng máy PK, RPD,… Do những ưu điểm vượt trội của mẫu chiến xa này, Việt Nam đã nhập khẩu số lượng lớn trang bị cho lực lượng chấp pháp cũng như đã tự lắp ráp xe trong nước. Ảnh: Xe bọc thép RAM-2000 của Cảnh sát đặc nhiệm Việt Nam .
Có thể nói rằng, bước sang thế kỷ XXI, dấu ấn của Israel trong lực lượng Tăng - Thiết giáp Việt Nam là vô cùng rõ rệt, giúp cho ta có được nhiều công nghệ như công nghệ chế tạo giáp phản ứng nổ, công nghệ tự nâng cấp cũng như lắp ráp xe. Dẫu vậy, khí tài nâng cấp đều đã là hệ cũ, dù cho nâng cấp cũng không thể kéo dài thời gian sử dụng quá lâu nữa. Do đó, bên cạnh nâng cấp tiếp tục sử dụng, Quân đội ta cũng kết hợp mua mới khí tài, đáp ứng nhu cầu tác chiến của lực lượng, có thể nói rằng là một bước đi vừa nâng cao sức mạnh lại vừa tiết kiệm kinh tế. Ảnh: Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S hiện đại của Việt Nam .
Video Việt Nam sản xuất thành công súng phóng lựu M79-VN tại Nhà máy Z125 - Nguồn: QPVN