Công nghệ vũ khí Nhật Bản - Những cái tên đáng lưu tâm
Nước Nhật từ lâu đã nổi tiếng về nền công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo, và họ hiện đang sản xuất nhiều loại khí tài trang thiết bị tự động hiện đại vào loại nhất nhì thế giới. Đồng thời, với vị trí địa lý của mình, người Nhật đầu tư rất mạnh vào nghiên cứu vũ khí dành cho không quân và hải quân. Dựa theo hai tiêu chí ấy, dưới đây là một số loại khí tài quân sự Nhật Bản đáng để lưu tâm.
03-shiki Chu-SAM
Với tên gọi đầy đủ là "Tên lửa đất - đối không tầm xa loại 3", hệ thống tên lửa phòng không 03-shiki Chu-SAM được chính thức đưa vào biên chế trong quân đội Nhật từ năm 2003. Chu-SAM là loại khí tài được dùng để đánh chặn các loại tên lửa hành trình tầm thấp, máy bay và tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Một hệ thống Chu-SAM hoàn chỉnh gồm một xe phóng với 6 ống phóng; một xe chuyên chở và nạp tên lửa; một xe chỉ huy, cùng một xe chở máy phát điện, và một xe 8 bánh chở đĩa vệ tinh radar. Điểm đặc biệt là Chu-SAM sử dụng radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) vượt trội hơn hẳn các loại radar thụ động truyền thống. Nhờ có AESA mà Chu-SAM có thể thực hiện cùng một lúc việc dò tìm và theo dõi 100 mục tiêu, đồng thời dẫn đường cho tên lửa đến với 12 mục tiêu khác nhau trong số đó.
Hệ thống Chu-SAM sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn, có khả năng đạt tốc độ 2,5 lần vận tốc âm thanh và tầm bắn hơn 50 km, chiều cao tối đa hơn 10km hơn mực nước biển.
Loại vũ khí này có khả năng "lấp đầy" một lỗ hổng trong mạng lưới phòng không toàn Nhật Bản vốn từ trước đến nay phụ thuộc nhiều vào hệ thống tên lửa đánh chặn tầm xa PAC-3 Patriot của Mỹ. Ngoài ra, Chu-SAM còn có thể kết nối với máy bay hoa tiêu và các tàu khu trục trang bị hệ thống tên lửa AEGIS, trở thành một phần quan trọng trong "lá chắn" bảo vệ đường ranh giới trên biển của Nhật Bản.
Tàu trực thăng vận lớp Izumo & lớp Hyuga
Đất nước Nhật Bản bao gồm rất nhiều hòn đảo, vậy nên khi chiến tranh xảy ra họ sẽ cần đến một đội tàu có khả năng vận chuyển số lượng lớn quân lính và trực thăng cũng như hàng loạt các loại vũ khí kèm theo.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế mang tính chiến lược sống còn mà hai lớp tàu vận tải Izumo và Hyuga được thiết kế vì mục đích nói trên. Tuy được gọi là tàu trực thăng vận, nhưng Izumo và Hyuga giống như tàu đổ bộ hơn vì chở nó được từ 500-1.000 lính, xe tăng và các loại khí tài bộ binh khác đến bất kỳ bãi biển nào. Tất nhiên là hai lớp tàu này cũng chở được trực thăng, và trực thăng có thể dễ dàng đậu xuống boong tàu kể cả trong trường hợp mưa bão.
Một chiếc tàu lớp Izumo có thiết kế chiều dài 248m và trọng tải 27.000 tấn, sở hữu radar AESA, hệ thống phòng thủ Phalanx và SeaRam. Cùng với đó là máy dò sonar ở vị trí mũi tàu, và một số hệ thống phòng và giảm nhẹ thiệt hại do ngư lôi gây ra.
Tuy nhiên, theo số liệu chính thức, lớp Izumo chở được 14 trực thăng. Ấy thế nhưng rốt cuộc đây lại chỉ là những số liệu không hoàn toàn chính xác của chính phủ Nhật Bản nhằm mục đích bảo vệ bí mật quân sự quốc gia. Khả năng chuyên chở thực tế của Izumo là gần 30 trực thăng. Không những thế, hải quân Nhật Bản còn đang có ý định chở cả máy bay tiêm kích F-35 trên tàu Izumo.
Những chiếc tàu lớp Hyuga có phần nhỏ hơn, dài 197m và trọng tải 19.000 tấn. Chúng giống như tàu khu trục tên lửa hơn vì có thể một lúc mang đến 16 tên lửa phòng không hoặc 12 tên lửa chống tàu ngầm.
Ngoài ra, tàu lớp Hyuga còn sở hữu hai ống thủy lôi cỡ 324mm để đổi lại việc chỉ có thể mang khoảng 20 máy bay trực thăng - số liệu chính thức là 4 máy bay. Tất cả số vũ khí này cho phép tàu lớp Hyuga có thể tự bảo vệ mình khỏi kẻ thù trong khi tiếp cận bãi biển để đổ bộ binh lính.
Tàu khu trục lớp Akizuki
Những chiếc tàu khu trục lớp Akizuki giống như một "trang sử mới" đối với ngành đóng tàu quân sự Nhật Bản. Từ trước đến nay, những loại tàu khu trục Nhật Bản như lớp Atago và lớp Kongo đều phụ thuộc rất nhiều vào linh kiện do Mỹ sản xuất, đặc biệt là hệ thống radar.
Ngược lại, hầu hết bộ phận cấu thành tàu khu trục Akizuki đều do người Nhật tự sản xuất. Hệ thống kiểm soát radar và điều khiển đánh chặn SPY-1D+SPG-62 nhỏ và nhẹ hơn các đối thủ cạnh tranh đương thời trong khi có chất lượng tương đương. Có ít lớp tàu khu trục sở hữu khả năng tìm kiếm, giám sát và truy đuổi các mục tiêu trên biển và trên không như của tàu khu trục lớp Akizuki.
Một chiếc tàu khu trục lớp Akizuki sở hữu 32 tên lửa phòng không SM-2MR trong ống phóng thẳng đứng mẫu Mk41 cùng 8 ống phóng tên lửa chống tàu SSM-1B. Bên cạnh đó nó còn mang theo 2 ống phóng ngư lôi loại 324mm bộ ba, và 2 hệ thống phòng thủ boong tàu Phalanx. Nhiệm vụ chính của lớp Akizuki là bảo vệ các loại tàu trực thăng vận khỏi máy bay tiêm kích và tàu ngầm.
Máy bay tuần duyên Kawasaki P-1
Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ về số lượng máy bay tuần duyên chống tàu ngầm của mình. Hiện lực lượng Phòng vệ Duyên hải Nhật Bản đang sở hữu gần 100 máy bay tuần duyên Kawasaki P-1 phát triển dựa trên mẫu Boeing P-8 Poseidon. So với người tiền nhiệm của mình là máy bay P-3 Orion, P-1 có thể bay xa hơn và lâu hơn nhờ vào thiết kế cánh quạt và thân máy bay tiên tiến.
Một chiếc P-1 có thể mang tới 9 tấn vũ khí bao gồm tên lửa chống tàu và thủy lôi tấn công tàu ngầm. Vì sở hữu radar AESA và hệ thống điều khiển fly-by-light tiên tiến mà có rất ít loại tàu ngầm trên thế giới có thể thoát khỏi "mắt thần" của P-1.
Tầu ngầm lớp Soryu
Với mục tiêu đối trọng với hàng loạt mẫu tàu ngầm mới của Trung Quốc, Nhật Bản đã cho xuất xưởng lớp tàu ngầm Soryu. Những con tàu này lớn và nặng hơn trung bình nhiều lần, với lượng dãn nước lên đến 4.200 tấn khi chìm hẳn xuống. Chúng cũng có khả năng lặn sâu đến 500m, mức mà ít tàu ngầm nào có thể đạt được.
Nhiều nhà quan sát ban đầu đã nhầm tưởng lớp Soryu là tàu ngầm hạt nhân, nhưng thật ra nó vẫn sử dụng hệ thống động cơ diesel-điện có khả năng cung cấp năng lượng không thua kém lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ cho lắm.
Lớp Soryu cũng là loạt tàu ngầm diesel-điện chở được nhiều vũ khí nhất trên thế giới. Nó mang theo 6 ống phóng ngư lôi và 30 quả ngư lôi 89-shiki cỡ 533mm - hoặc là tên lửa chống tàu loại UGM-84 Harpoon. Trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ tuần duyên, tàu ngầm Soryu có thể sử dụng hai ống phóng đặc biệt dành để phóng các loại thiết bị dò tìm sóng âm có thể phát hiện tàu ngầm và ngư lôi đối phương. Hiện ngoài Nhật Bản thì còn có hải quân Úc sử dụng tàu ngầm Soryu, chứng tỏ khả năng thích nghi và hòa nhập của lớp tàu này và mạng lưới phòng vệ nước ngoài.
Trực thăng Kawasaki OH-1
Những chiếc trực thăng tiền tiêu mang tên Kawasaki OH-1 kể từ ngày đầu tiên đi vào phục vụ đã được đặt biệt danh là "Ninja" vì khả năng tàng hình đặc biệt. Chiếc trực thăng OH-1 sử dụng một đôi động cơ Mitsubishi TS1-M-10 phát ra rất ít tiếng ồn và bức xạ nhiệt khi hoạt động.
Thiết kế thân mình dài, cánh nhỏ, và cánh quạt đuôi kiểu Fenestron giúp cho trực thăng đạt tốc độ nhanh mà không gây ra quá nhiều biến động trong luồng không khí. Vì nhiệm vụ tiền tiêu của mình, bình thường OH-1 sẽ có hai phi công điều khiển. Trong trường hợp họ phải thay phiên nhau túc trực, hệ thống lái tự động sẽ đảm nhận nhiệm vụ của một phi công. Buồng lái cũng được thiết kế để giúp cho phi công có thể nghỉ ngơi trong những nhiệm vụ do thám kéo dài.
Tuy không phải là trực thăng tấn công, nhưng OH-1 có thể tự bảo vệ mình nhờ vào 4 hardpoint dưới cánh quạt mang được tổng cộng 132 tấn thiết bị, trong đó có 4 tên lửa đất đối không 91-shiki - hoặc là 2 bình xăng phụ.
Máy bay không người lái Yamaha R-MAX
Xưa nay Nhật Bản thường là người đi trước thế giới về công nghệ, và lĩnh vực máy bay không người lái cũng không phải là ngoại lệ. Vào năm 1996, trong khi phần lớn thế giới còn chưa bao giờ nghe đến cái tên máy bay không người lái, Nhật Bản đã đưa vào sử dụng mẫu Yamaha R-Max.
Hơn 20 năm sau mẫu máy bay không người lái này vẫn còn đang chứng tỏ sự hữu dụng của mình trong các công việc như phun thuốc trừ sâu, do thám, chụp ảnh, cứu hộ cứu nạn,… Thiết kế của chiếc Yamaha R-Max tốt đến mức bay được cả trong những điều kiện thời tiết nguy hiểm nhất như bão cấp 12 và núi lửa phun trào.
Quân đội Nhật Bản chủ yếu sử dụng Yamaha R-Max nhằm mục đích do thám do tốc độ và khả năng chở theo thiết bị nặng đáng ngưỡng mộ của mẫu máy bay này.
Đồng thời, tiên đoán trước được việc máy bay không người lái sẽ càng ngày được nhiều lực lượng quân sự phi chính quy sử dụng, Yamaha đang hợp tác cùng tập đoàn vũ khí Northrop Grumman của Mỹ để thiết kế một phiên bản trực tăng tấn công gọi là R-Bat. Hiện vẫn còn nhiều thông tin về chiếc R-Bat được giữ bí mật, nhưng dự đoán đây sẽ là mẫu máy bay trang bị vũ khí hạng nhẹ chuyên đi tiêu diệt những máy bay không người lái khác của đối phương.