Công nghệ vũ trụ Việt Nam cần tận dụng 'thời điểm vàng' để phát triển
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia khẳng định công nghệ vũ trụ là một trong những ngành công nghệ chiến lược.
Chia sẻ tại tọa đàm “Đưa công nghệ vũ trụ thành động lực phát triển mới” diễn ra sáng 24/7, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng, trong thế kỷ XXI, công nghệ vũ trụ không còn là lĩnh vực giới hạn trong các chương trình khám phá không gian của một số ít quốc gia. Thay vào đó, ngành công nghệ này đã trở thành một trụ cột chiến lược của nhiều nền kinh tế hiện đại, với các ứng dụng thiết thực trong đời sống như dự báo thời tiết, phòng chống thiên tai, viễn thông, nông nghiệp thông minh, giám sát môi trường, quy hoạch đô thị, logistics, cũng như trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Ban tổ chức)
Công nghệ vũ trụ không chỉ là giấc mơ ngoài không gian
Về làm chủ công nghệ, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam do PGS.TS Phạm Anh Tuấn dẫn dắt, đã thiết kế, chế tạo thành công các vệ tinh siêu nhỏ như PicoDragon, NanoDragon, MicroDragon, và hiện đang phối hợp cùng Nhật Bản để triển khai vệ tinh LOTUSat-1 sử dụng công nghệ radar khẩu độ tổng hợp.
Về ứng dụng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng một số doanh nghiệp tiên phong đã phát triển các nền tảng địa không gian thông minh phục vụ giám sát tài nguyên, phát triển kinh tế – xã hội và ứng phó thiên tai. Việt Nam cũng đã sở hữu các vệ tinh viễn thông Vinasat-1, Vinasat-2 và vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat-1.
Theo báo cáo mới nhất của Space Foundation, kinh tế vũ trụ toàn cầu năm 2024 đã đạt gần 613 tỷ USD và được dự báo sẽ vượt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030, cho thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng và tiềm năng to lớn. Và tại Việt Nam, mặc dù công nghệ vũ trụ còn ở giai đoạn đầu phát triển, chúng ta đã có những bước đi quan trọng.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định rõ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Trong đó, công nghệ vũ trụ là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển để phục vụ chiến lược an ninh - quốc phòng và phát triển bền vững đất nước.
Chính phủ cũng đang từng bước xây dựng chính sách hỗ trợ hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành vũ trụ cất cánh, hướng tới hình thành nền công nghiệp vũ trụ Việt Nam trong tương lai.
Công nghệ vũ trụ là trụ cột an ninh – kinh tế trong kỷ nguyên mới
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã đặt vấn đề rất đúng đắn về vai trò của công nghệ vũ trụ. Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 131 xác định danh mục các công nghệ chiến lược và các sản phẩm công nghệ chiến lược mà Nhà nước tập trung phát triển. Trong đó, có công nghệ vũ trụ và một số sản phẩm công nghệ vũ trụ phù hợp với nhu cầu, năng lực của nền kinh tế Việt Nam.

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Ảnh: Ban tổ chức)
Theo TS Nguyễn Quân, trong giai đoạn hiện nay, công nghệ vũ trụ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu, nhất là khi chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới. Các quốc gia lớn sẽ không đạt được mục tiêu của họ nếu thiếu các thiết bị công nghệ vũ trụ.
“Tôi cũng rất vui mừng Chính phủ Việt Nam đang có ý định xây dựng mạng lưới vệ tinh tầm thấp với sự hỗ trợ của Elon Musk. Nếu chúng ta tự lực được công nghệ làm chủ, phần nào đó làm chủ được không gian vũ trụ thiết yếu thì đất nước chúng ta mới có cơ hội làm chủ công nghệ này và ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội”, TS Nguyễn Quân bày tỏ.
Những năm qua, Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này, bằng chứng là dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ở Hòa Lạc, một dự án lớn nhất về khoa học công nghệ từ trước đến nay. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai (tỉnh Bình Định cũ) cũng đã xây dựng một Trung tâm Khám phá Khoa học, nơi có nhiều hạng mục liên quan đến công nghệ vũ trụ, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên.
“Trong thời gian tới, Việt Nam cần có sự quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư cho công nghệ vũ trụ. Cần có một hội thảo quốc gia về lĩnh vực này để khởi động lại chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ Việt Nam, vốn đã ban hành từ lâu và cần được cập nhật. Công nghệ vũ trụ không chỉ là một công nghệ chiến lược mà còn phải là một công nghệ hàng đầu, cùng với các lĩnh vực như vi mạch bán dẫn hay năng lượng hạt nhân”, TS Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc thu hút sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước là rất quan trọng để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 57, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đầu tư sâu hơn, nhiều hơn cho công nghệ vũ trụ, vì nhu cầu an ninh quốc phòng đang đặt ra vấn đề mà các nhà khoa học Việt Nam phải quan tâm. Chúng ta không thể bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền không gian, nếu chúng ta không có những nhà khoa học giỏi về công nghệ vũ trụ.