Công nghệ xanh, lời giải cho môi trường biển

Biển giữ vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và mở rộng không gian sinh tồn của Việt Nam. Tuy nhiên, môi trường biển Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng, đòi hỏi có cách tiếp cận mới mang tính căn cơ, bài bản hơn trong quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên biển.

Đẩy mạnh việc thiết lập hệ thống quan trắc môi trường biển

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác quản lý môi trường biển, thể hiện qua hệ thống chính sách toàn diện và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Đảng và Nhà nước đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển kinh tế biển theo hướng xanh. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã siết chặt quy định về kiểm soát nguồn thải từ đất liền và trên biển, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan.

 Bãi biển Mỹ Khê (TP Đà Nẵng), một trong 50 bãi biển đẹp nhất thế giới. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Bãi biển Mỹ Khê (TP Đà Nẵng), một trong 50 bãi biển đẹp nhất thế giới. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đẩy mạnh việc thiết lập hệ thống quan trắc môi trường biển, giúp giám sát chất lượng nước theo thời gian thực và cảnh báo sớm nguy cơ ô nhiễm. Việt Nam còn mở rộng các khu bảo tồn biển, tăng cường hợp tác quốc tế thông qua việc tham gia các công ước quan trọng như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm từ tàu biển năm 1973 được sửa đổi bởi Nghị định thư năm 1978 (Marpol 73/78). Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm hướng tới một nền kinh tế biển bền vững, vừa bảo vệ môi trường vừa bảo đảm phát triển kinh tế lâu dài.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước biển tại một số địa phương đã có dấu hiệu cải thiện nhờ các biện pháp giám sát và kiểm soát nguồn thải từ đất liền. Bên cạnh đó, chương trình mở rộng các khu bảo tồn biển như Cù Lao Chàm, vịnh Nha Trang và Phú Quốc cũng đang phát huy hiệu quả, giúp bảo vệ hệ sinh thái biển và phát triển du lịch bền vững. Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường biển. Việc tham gia UNCLOS 1982 và Marpol 73/78 về ngăn ngừa ô nhiễm biển đã góp phần nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ tài nguyên biển.

Công nghệ xanh, xu hướng tất yếu bảo vệ môi trường biển

Chủ đề “Công nghệ xanh để đại dương bền vững” của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2025 nhấn mạnh vai trò tiên phong của khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế biển.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường, công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý (GIS) và hệ thống quan trắc thông minh đã được ứng dụng bước đầu tại một số địa phương, cho phép giám sát chất lượng nước biển theo thời gian thực, từ đó cảnh báo sớm các nguy cơ ô nhiễm và sự cố môi trường. Bên cạnh đó, nhiều công nghệ mới đang được thử nghiệm để tăng cường hiệu quả bảo vệ môi trường biển. Công nghệ lọc nước bằng màng sinh học giúp loại bỏ vi nhựa và chất ô nhiễm, trong khi robot thu gom rác dưới nước hỗ trợ làm sạch đáy biển. Các sáng kiến như phục hồi san hô bằng vật liệu thân thiện môi trường và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát hệ sinh thái biển cũng đang được phát triển, mở ra cơ hội bảo vệ và tái tạo môi trường đại dương bền vững hơn.

Một số mô hình công nghệ xanh tiêu biểu đã bước đầu chứng minh hiệu quả trên thực tế. Tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), hệ thống điện mặt trời kết hợp xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học đã giúp cải thiện chất lượng nước thải sinh hoạt, làm giảm ô nhiễm ven biển. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai mô hình tái chế rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng, vừa góp phần xử lý rác vừa tạo sinh kế cho người dân. Ngoài ra, mô hình kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng thí điểm tại các xã ven biển ở Huế, Sóc Trăng, với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Người dân thu gom vỏ sò, tôm, phụ phẩm từ chế biến thủy sản để chế biến phân bón, thức ăn chăn nuôi thay vì vứt bỏ ra biển như trước kia. Các mô hình này nếu được nhân rộng sẽ tạo thành chuỗi sản xuất xanh, sạch, bền vững, góp phần giảm áp lực lên môi trường biển.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia môi trường, để ứng dụng công nghệ xanh hiệu quả vào bảo vệ biển, cần ưu tiên phát triển các nền tảng dữ liệu mở về tài nguyên và chất lượng môi trường biển, phục vụ công tác quản lý, quy hoạch và ra quyết định chính sách.

PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (nay là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho rằng, việc xây dựng hệ sinh thái số phục vụ kinh tế biển xanh cần được chú trọng, với các giải pháp công nghệ đồng bộ như: AI trong phân tích dữ liệu môi trường; ứng dụng internet vạn vật (IoT) để tự động hóa hệ thống giám sát; phát triển blockchain nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác biển, góp phần minh bạch hóa chuỗi cung ứng và bảo vệ hệ sinh thái.

Ngoài ra, các nhà khoa học khuyến nghị tăng cường đầu tư nghiên cứu các loại vật liệu sinh học thân thiện với môi trường thay thế nhựa dùng một lần trong hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và du lịch biển. Việc xây dựng các trung tâm công nghệ sinh thái vùng ven biển, nơi tích hợp những mô hình xử lý rác thải, nước thải, sản xuất năng lượng tái tạo và phục hồi sinh thái, cũng là giải pháp then chốt...

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cong-nghe-xanh-loi-giai-cho-moi-truong-bien-829234